Tiểu thuyết Cây Thay Lá bước diễn tiến thành công của câu chuyện Tơ Vò

Cây Thay Lá, của tác giả Quân Yên tiếp tục là một bước thành công sau tiểu thuyết Tơ Vò, khi trưng ra những khuất khúc, “hủ bại nơi chốn quan trường” kiểu thâm cung bí sử ở một miền quê phiếm chỉ, hư cấu, nhưng lại khiến bạn đọc “lạnh người” liên tưởng với thực tế, tưởng chừng như những tình tiết trong tiểu thuyết đã xảy ra ở đâu đó, ngoài đời sống.
tieu-thuyet-cay-thay-la-1718262160.jpg
Tiểu thuyết Cây Thay Lá của tác giả Quân Yên được độc giả đánh giá cao về những câu chữ chiêm nghiệm về thực tế

Tôi gặp Cây Thay Lá một cách bất ngờ, khi người bạn đưa cho kèm theo câu nói, anh đọc đi, tác phẩm tiếp nối Tơ Vò của tác giả Quân Yên mới ra đấy. Nhìn bìa sách tôi đã nhầm khi không nghĩ rằng, nội dung chứa đựng bên trong có thể gọi là “nặng ký” so với nhan đề và tranh bìa có vẻ hiền hòa của Cây Thay Lá. 

Tôi không phải người ham đọc, nên bình thường chỉ 20 đến 30 trang sách trở lại là mỏi mệt, nhưng Cây Thay Lá lại hoàn toàn khác, nó có một sức lôi cuốn khiến tôi đọc một lèo từ trang thứ nhất đến trang cuối cùng, mà không gián đoạn. 
Những thông tin kiểu “thâm cung bí sử” được thể hiện bằng ngôn ngữ không màu mè, những câu chữ đầy trải nghiệm thực tế, như muốn đi thẳng vào tâm can người đọc khiến tôi trải qua hết bất ngờ này sang bất ngờ khác, đôi lúc không tránh khỏi cảm giác ngậm ngùi, đúng như câu nói... “rằng hay thì thật là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. 

Không chỉ cảm phục tác giả Quân Yên trong việc xây dựng nội dung câu chuyện, tôi cũng nể phục tác giả khi đặt tên cho hệ thống nhật vật trong tiểu thuyết mà ông xây dựng, những cái tên: Thùy Lê, Lý Tơ, Trần Bố, Trần Ngái, Trần Rồng, Tiền Nổ, Bùi Đò, Trịnh Quỳ, hay Trương Tốn, Trương Tồn, Tư Túc, Nhạc Bất Quần, Phụng Tiên, Đậu Bá Dơ... và nhiều nhân vật khác nữa, đọc lên nghe rất buồn cười. Những cái tên ấy, khiến độc giả mường tượng ra những tình huống “cuồng quay, xoay sở” của nhân vật, kẻ thâm hiểm, người ba hoa, mỗi người một câu chuyện không ai giống ai, nhưng chung một điểm... “cười ra nước mắt”. 
Ngoài những mưu sâu kế hiểm, mà các nhân vật được xây dựng đưa ra nhằm triệt hạ nhau chốn quan trường, thì chuyện “đời tư” các nhân vật cũng khiến độc giả rùng mình về sự tha hóa, băng hoại của các nhân vật trong tiểu thuyết Cây Thay Lá.  
Như chuyện “hoàng tử Lý Tơ” ở vị trí lãnh đạo, với vẻ ngoài của một gia đình vợ con đề huề, công danh toại nguyện, luôn tự mãn xem bản thân mình là thông minh, giỏi giang hơn người... Nhưng, nhiều khi đêm về vẫn lén lút thực hiện cuộc phiêu lưu “một mình một ngựa” từ tỉnh lẻ xuống Đô Thành “thăm” người đẹp Phượng Mai, để rồi lòi ra sơ hở bị đối thủ nắm thóp “vợ nọ con kia” chịu vòng khống chế, và kết cục đi vào “nhà đá”.  

Hay chuyện về Bùi Đò, một nhân vật được xây dựng với bản chất “bặm trợn” được trời phú cho vẻ ngoài nho nhã kiểu “hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng”. Bùi Đò không việc xấu xa nào không làm, kể cả hành vi bị phỉ nhổ là “cướp vợ người khác”, kẻ vô văn hoá lại đứng đầu Sở SVH. Tác giả Quân Yên viết những câu chữ “chuyện tình trường của Bùi Đò và sự phất lên của người vợ cũ bị Bùi Đò ruồng bỏ cứ thế được thêu dệt như là cặp đôi tuy chia tay nhau nhưng “thành đạt” thời mở cửa của địa phương này...” nghe đầy hài hước, chua cay.   

Người đọc không chỉ rùng mình về những “hủ bại” khuất nẻo mà các nhân vật tự phơi bày. Tác phẩm Cây Thay Lá cũng có những trang viết thật sự khiến người đọc ngậm ngùi, đó là câu chuyện về gia đình Trương Tồn khi làm đám tang cho người bố Trương Tốn – thực sự là những trang viết để lại cho độc giả nhiều suy tư, lắng đọng, qua đó tự soi dọi vào sâu thẳm bản thân mình.