Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Phòng, chống tham nhũng nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài

Lúc còn sống, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh “đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
anh-2-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-1721871789.jpeg

Đóng góp với sự nghiệp phòng, chống tham nhũng và tiêu cực

Trong những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực và quyết tâm của Đảng và Nhà nước, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Để đạt được những bước tiến quan trọng đó, cần phải ghi nhận vai trò và những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bởi đồng chí không chỉ là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là linh hồn, là người đã trực tiếp chỉ đạo, định hướng và thúc đẩy mạnh mẽ công tác này.

Từ cuối năm 2011 khi được bầu giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt công tác phòng, chống tham nhũng lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Đảng. Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh rằng tham nhũng là “giặc nội xâm”, là mối nguy hiểm đối với sự tồn vong của chế độ. Với tư tưởng đó, Tổng Bí thư đã thể hiện sự quyết tâm và kiên định trong việc đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng như chống “giặc nội xâm”.
Trong nhiều bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ tầm quan trọng của việc phòng, chống tham nhũng. Đồng chí Tổng Bí thư luôn khẳng định, không thể phát triển đất nước bền vững nếu không giải quyết triệt để vấn đề tham nhũng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng một cá nhân hay một cơ quan nào mà là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân.

Toàn Đảng toàn dân chung sức đồng lòng đấu tranh chống “giặc nội xâm”

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, hàng loạt biện pháp đồng bộ và toàn diện đã được triển khai. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng dần được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh. Luật Phòng, chống tham nhũng đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính răn đe và hiệu quả.

Các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị đã được thành lập vào năm 2013, từng bước kiện toàn và hoạt động hiệu quả. Ban Chỉ đạo đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát, thanh tra tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua đó, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện và xử lý.

Các cơ quan như Công an, Viện Kiểm sát, Ủy ban Kiểm tra, truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng. Công an và Viện Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ trong việc điều tra và truy tố các vụ án tham nhũng, trong khi Ủy ban Kiểm tra Đảng đã tích cực kiểm tra, giám sát hoạt động của các cán bộ, đảng viên. Các cơ quan truyền thông đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về các vụ án tham nhũng, tạo áp lực dư luận và nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về vấn đề này.

Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ thể hiện ở số lượng vụ án được xử lý mà còn ở sự thay đổi nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, góp phần tạo nên môi trường lành mạnh, minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

Sự kiên định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lan tỏa tinh thần quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng đến các cấp, các ngành. Tấm gương sáng về sự liêm khiết, tận tụy vì dân của Tổng Bí thư đã trở thành động lực và niềm tin để cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng chung tay xây dựng một đất nước không còn tham nhũng.
Không chỉ trong nước, những nỗ lực phòng, chống tham nhũng của Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam đã tham gia và thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về phòng, chống tham nhũng, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển.

Tiếp tục đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực tạo sự chuyển biến tích cực trong xã hội

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn nhiều thách thức. Tham nhũng vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức phức tạp, tinh vi, đòi hỏi phải có những biện pháp đấu tranh hiệu quả hơn. Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng. Luật pháp phải đảm bảo tính nghiêm minh.. Đồng thời, cần nâng cao năng lực, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các lực lượng. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng cũng rất quan trọng. Công tác tuyên truyền, giáo dục phải được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên.