Từ đó, ngôi nhà sàn hình rùa của người Mường ra đời và được lưu giữ đến tận ngày nay. Khi nhà sàn được dựng lên, các cột cái trong nhà sàn được chôn sâu dưới đất làm trụ rất vững chãi, sàn nhà làm cao ráo cách mặt đất khoảng cách từ 2,5-3 m, lối đi xuống là chiếc cầu thang.
Tuy nhiên đến nay, người Mường lại biến tấu cách dựng nhà bằng cách: có thể không chôn cột mà nâng cột lên mặt đất kê lên những phiến đá, sàn nhà cũng không làm cao như trước. Cách làm này giúp họ tránh được tình trạng mối mọt đục khoét làm giảm tính bền của cây cột cái. Mặc vù vậy, về mặt kết cấu chung, nguyên tắc cơ bản về kiến trúc ngôi nhà cũng không có sự thay đổi nhiều, vẫn giữ nguyên được nếp nhà sàn truyền thống.
Chúng tôi đến bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình là nơi sinh sống của 117 gia đình người Mường, với 460 nhân khẩu. Ấn tượng ở đây là kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà “rùa” và những cô gái Mường xinh đẹp, hiền lành, mến khách, gần gũi, thân thương, dịu ngọt…





