Tương lai Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững

Ngày 06/12/2023, trong khuôn khổ Sự kiện bên lề chính thức tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại thành phố Dubai (Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất - UAE), đã diễn ra sự kiện về Tương lai Hệ thống lương thực thực phẩm bền vững đồng tổ chức bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và tổ chức Clim-Eat, với sự hỗ trợ từ tổ chức Liên Minh Bioversity & CIAT.

Sự kiện được tổ chức nhằm chia sẻ quan điểm của các bên liên quan về tương lai của hệ thống thực phẩm và xem những suy nghĩ về hệ thống thực phẩm. Sự kiện có sự chia sẻ đến từ các chuyên gia đa dạng và hiểu biết đại diện cho nhiều nhóm bên liên quan khác nhau trong hệ thống thực phẩm như ông Pham Quang Huy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Dhanush Dinesh, Clim-Eat; ông Ishmael Sunga, SACAU; ông Bruno, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil; bà Jyotsna Puri, IFAD; bà Salla Sulasuo, Paulig; ông Oliver Camp, GAIN và bà Beverley Postma, Grow Asia.

z4956308243282-2632a095131a87ed3b95e9cf66290ef9-1702082675.jpg
Ông Phạm Quang Huy, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phát biểu

Bà Huỳnh Thị Thanh Tuyền, điều phối viên quốc gia sáng kiến CGIAR Chế độ ăn lành mạnh bền vững thông qua chuyển đổi hệ thống thực phẩm (SHiFT) tại Việt Nam và Đồng quản lý Hợp phần 2 - Sáng kiến CGIAR Các vùng đồng bằng lớn tại Châu Á (AMD) đã chia sẻ các sản phẩm nghiên cứu về hệ thống thực phẩm (2018-2023) xuyên suốt quá trình tham gia đồng hành cùng các đối tác chính tại Việt Nam bao gồm Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam (IPSARD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện Dinh dưỡng Quốc gia (NIN) thuộc Bộ Y tế trong quá trình thực hiện các đối thoại về hệ thống thực phẩm và sự cam kết của Việt Nam trong lộ trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm thông qua việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.

Sau phần trình bày của các diễn giả là phần trao đổi thảo luận của các đại biểu. Qua đã đã làm rõ hơn những thông điệp của sự kiện nhằm nhấn mạnh lần nữa tầm quan trọng của việc đảm bảo dinh dưỡng con người và giảm phát thải khí nhà kinh trong quá trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm. Ngoài ra, ba công cụ quan trọng hỗ trợ cho phát triển hệ thống LTTP là cải tiến, công nghệ và tài chính. Bên cạnh đó, vấn đề về giới là vô cùng quan trọng bên cạnh vấn dề dinh dưỡng và chế độ ăn lành mạnh cần được lồng ghép vào quá trình chuyển đổi hệ thống LTTP.

1-speakers-line-up-sustainable-food-systems-future-6-dec-1702082675.png
Các diễn giả tại sự kiện

Sự kiện cũng vinh dự có phần chia sẻ của bà Imelda Bacudo, Tư vấn viên cao cấp của sáng kiến Hệ thống nông lương thực phẩm thuộc Hội đồng Chủ tịch COP 28 về nỗ lực đạt được cam kết của 134 quốc gia sản xuất 70% lượng thực phẩm tiêu thụ trên toàn thế giới đã ký tuyên bố chung nhấn mạnh ưu tiên phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm và nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 1/12, tại COP 28. Tuyên bố khẳng định các nước sẽ tăng cường chuyển đổi hệ thống thực phẩm, gắn nỗ lực này với kế hoạch quốc gia về giảm khí thải. Ngoài ra, các nước cũng nhất trí đẩy mạnh hỗ trợ nông dân và các nhà sản xuất thực phẩm dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu thông qua tăng cường nguồn lực tài trợ, phát triển, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và các hệ thống cảnh báo sớm.