Tuyên Quang: Lễ nhảy lửa của người Dao đỏ ở xã Bình An (Lâm Bình) thu hút du khách

Tối 9/2, UBND xã Bình An, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) tổ chức Lễ hội nhảy lửa của người Dao đỏ thu hút đông đảo du khách.
nhay-lua-2-1738766966.jpg
UBND xã Bình An tổ chức Lễ hội Lồng Tông và ngày hội văn hoá các dân tộc

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình năm 2025.

Lễ Nhảy lửa (tiếng Dao gọi là Pút tồng), thường được tổ chức từ đầu năm âm lịch đến ngày 9 tháng giêng hàng  năm. Đây là nghi lễ truyền thống của một số dân tộc miền núi phía Bắc, trong đó có người Dao đỏ ở xã Bình An, huyện Lâm Bình.

nhay-lua-1-1738766966.jpg
Các đại biểu tham dự buổi lễ

Lễ hội này được tổ chức theo quy mô hộ gia đình khi có người con, cháu vừa làm xong lễ Cấp sắc. Đây là lễ hội truyền thống lớn, quan trọng hàng đầu trong năm của người Dao đỏ, mang nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, kỳ lạ và kỳ bí.

Lễ nhảy lửa được tổ chức trên một khoảng sân vận động. Trong phần nghi lễ của người Dao đỏ thì vật phẩm dâng cúng không thể thiếu các loại như: Cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc màu trắng, hương, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến…

nhay-lua-3-1738766966.jpg
Nghi lễ nhảy lửa của các chàng trai dân tộc Dao đỏ

Tất cả các sản phẩm được trưng bày trên một bàn gỗ dài. Ngay giữa sân, một đống củi to đã được thanh niên mang đến, xếp gọn gàng.

Khi đống củi đã trở thành một đống than hồng rừng rực cháy, thầy cúng bắt đầu làm nghi lễ. Niên phụ lễ và bài cúng thần lửa được cất lên bằng những câu cầu may cho một năm mới, một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, cầu mong “mưa thuận, gió hòa”, muôn nhà khỏe mạnh. Cầu mong thần lửa mang hơi ấm của mình về sưởi ấm dân làng, về vui cùng lễ hội.

Theo quy định dân gian, tham gia nhảy lửa phải là nam giới và cơ thể phải sạch sẽ.

Trước khi nhảy lửa, họ phải đun nước tắm rửa sạch sẽ. Vì vậy, nhảy lửa thường được thực hiện vào lúc tối, tức là sau khi những người tham gia đã ăn uống xong và tắm rửa sạch sẽ.

Sau khi thầy kết thúc các nghi lễ ban đầu thì cũng là lúc cơ thể của những người tham gia nhảy lửa bắt đầu rung lên.

Thời điểm này báo hiệu họ sắp có sức mạnh, có sự dũng cảm để nhảy vào những đám than hồng đang ở độ nóng bỏng nhất.

Không có bất cứ một vật dụng nào để lót cho đôi chân của những chàng trai ấy. Có chăng đó chỉ có thể là lớp da dày sau nhiều ngày đi bộ, rong ruổi nơi dốc cao, suối sâu của đại ngàn, khiến họ không hề bị bỏng rát.

Lễ hội nhảy lửa là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Dao đỏ ở Bình An và là minh chứng cho sức mạnh, lòng dũng cảm của các chàng trai người Dao mà còn là hoạt động văn hóa độc đáo mang đậm đà bản sắc rất hoang sơ, huyền bí cần được giữ gìn và bảo tồn.