Tuyên Quang: Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân

Cơn bão số 3 đã ảnh hưởng khá nặng nề đến đời sống, sản xuất của người dân Tuyên Quang, đặc biệt là khu vực các xã phía nam huyện Sơn Dương. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND các huyện, thành phố đã khẩn trương khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định đời sống người dân.
458492148-2655317777982126-1447792369331766295-n-1725773248.jpg
Lực lượng chức năng và các thầy cô giáo trường THCS Sơn Nam (Sơn Dương) dọn dẹp cây gãy đổ

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 3, đêm 7/9 và rạng sáng 8/9, các khu vực trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có mưa vừa. Riêng ở huyện Sơn Dương có mưa rất to tại các xã: Tân Thanh 68mm, Sơn Nam 86mm, Ninh Lai 99mm và Thiện Kế 125mm.

Theo báo cáo nhanh từ các địa phương trong tỉnh đến 19h ngày 8/9, cơn bão số 3 đã làm hư hỏng nhiều công trình, nhà ở của các hộ dân trên địa bàn bàn. Tính đến 8h ngày 8/9, toàn tỉnh đã ghi nhận 44 nhà bị tốc mái.

Trong đó nhiều nhất huyện Sơn Dương 41 nhà, còn lại thuộc các huyện Hàm Yên và Chiêm Hóa. 

Mưa lớn cũng gây ngập úng, gẫy đổ 200 ha lúa, cây màu; 22 ha cây lâm nghiệp bị đổ gẫy. Ngoài ra mưa kèm gió lớn khiến 8 cột điện 0,4 Kv bị gẫy; chưa ghi nhận thiệt hại về người.

Dự báo, trong ngày 8/9 đến đêm 9/9, các khu vực trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, riêng huyện Sơn Dương có nơi mưa rất to trên 200mm/đợt. Trong mưa dông cần đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Mưa lớn có khả năng gây lũ quét, lũ ống trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất, đá ở các sườn đồi, núi và các ta-luy dương có độ dốc lớn; sạt lở tại các công trường xây dựng và các tuyến đường giao thông đang thi công trên địa bàn huyện: Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương.

Mưa lớn gia tăng nguy cơ ngập úng vùng trũng thấp, ven sông suối và ngập úng đô thị cục bộ (khu vực huyện Yên Sơn, Sơn Dương).

Qua rà soát sơ bộ, trên địa bàn tỉnh có 49 xã nằm trong khu vực trọng điểm sạt lở; 58 xã trọng điểm xảy ra lũ ống, lũ quét; 35 xã trọng điểm ngập lụt.

UBND tỉnh Tuyên Quang yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Lãnh đạo các địa phương trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá để chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống ảnh hưởng do mưa, lũ gây ra theo phương châm ""4 tại chỗ và 3 sẵn sàng"" với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân.