Trong lời tựa, ông viết “Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương. Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy. Nhưng muốn giải quyết thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy, tức là một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới”. Tác phẩm Việt Nam văn hóa sử cương “cốt cống hiến một mớ tài liệu cho những người quan tâm về điều thứ nhất, là muốn ôn lại cái vốn văn hóa của nước nhà”.
Văn hóa tức là sinh hoạt
Văn hóa tức là sinh hoạt, văn hóa là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người. Trước hết, muốn nghiên cứu văn hóa của một dân tộc phải xem xét dân tộc ấy sinh trưởng trong những điều kiện địa lý thế nào. Các điều kiện địa lý ấy có ảnh hưởng lớn đến cách sinh hoạt của con người, song con người cũng có thể dùng sức mình mà xử trí và biến chuyển những điều kiện ấy cho thích nghi với những điều cần thiết của mình. Cách sinh hoạt vì thế mà cũng biến chuyển và khiến văn hóa cũng biến chuyển theo.
Với quan niệm đó, trong thiên thứ nhất – Tự luận, tác giả đã cung cấp cái nhìn khái quát về điều kiện tự nhiên cũng như quá trình hình thành lãnh thổ, cộng đồng cư dân Việt Nam, đi sâu phân tích lịch sử của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ, các sự kiện lịch sử; khẳng định cộng đồng người Việt đã hình thành từ sự kết hợp các yếu tố bản địa và tiếp biến văn hóa từ bên ngoài.
Kinh tế sinh hoạt
Thiên thứ hai của cuốn sách tập trung phân tích đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam thời kỳ phong kiến. Nền nông nghiệp với các công cụ, phương pháp canh tác lúa nước trên đồng ruộng tưới tiêu, thủy lợi đến các chính sách canh nông, chế độ thổ địa… là chủ đạo trong nền kinh tế của người Việt thời kỳ này. Các ngành thủ công nghiệp cũng được mô tả cặn kẽ, với việc tổ chức theo kiểu gia đình, mỗi công xưởng là một gia đình, người làm việc đều là bà con trong một nhà dưới quyền gia trưởng chứ không có thợ với chủ, đồng thời giải thích tại sao các công nghệ đó lại không phát đạt. Thương mãi (thương mại), buôn bán cốt chỉ đổi chác những vật thổ sản, mà công nghiệp không phát đạt, cho nên thương mại cũng không phát đạt. Ở thành thị buôn bán thịnh hành hơn nhà quê, song cũng chỉ là buôn bán vặt. Từ đầu thế kỷ 15, thông thương bắt đầu được mở ra với các nhà buôn đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Âu châu, Bồ Đào Nha, Hòa Lan và Pháp…, còn trước đó vốn chỉ giao thương với Trung Quốc (Tàu). Từ khi nước ta tiếp xúc với các dân tộc Âu Tây, kinh tế mở mang kéo theo thương nghiệp nhân đó mà phát đạt. Bức tranh kinh tế sinh hoạt thời kỳ này cũng được mô tả kỹ lưỡng với việc giao thương ở vùng nông thôn và thành thị, ở các địa danh gắn với các hoạt động buôn bán của người Việt cho đến hệ thống đường giao thông, sưu thuế đương thời.
Xã hội và chính trị sinh hoạt
Thiên thứ ba của Việt Nam văn hóa sử cương có tính chất khái quát các vấn đề xã hội, chính trị của lịch sử Việt Nam nửa đầu thứ kỷ XX. Thiên sách mở đầu bằng cái nhìn sâu sắc về quá trình hình thành và phát triển, các đặc điểm, thói quen, phong tục của gia tộc Việt Nam. Tiếp đó, tác giả chỉ ra sự sơ khai của bộ máy nhà nước Việt Nam với hệ thống chính quyền xã thôn cho đến quốc gia. Đặc biệt, phân tích cụ thể cơ cấu tổ chức chế độ quân chủ chính thể, đứng đầu là vua (quốc vương, hoàng đế), quan chế trong các triều đình phong kiến. Một vấn đề quan trọng khác được đề cập là hệ thống pháp luật và hình phạt nhằm điều tiết xã hội.
Tác giả dành một phần đáng kể để phân tích các phong tục tập quán của người Việt xưa rất chi tiết. Các phong tục trong sinh hoạt hàng ngày được đề cập cặn kẽ, từ ăn uống, hút thuốc lào, để tóc, nhuộm răng, trang sức, đến những cuộc tiêu khiển như chơi tam cúc, gảy đàn, đánh cờ … Tiếp đó, mô tả khá chi tiết nhiều tập tục, nghi lễ trong hôn nhân như lễ giạm (hay lễ vấn danh), lễ hỏi (hay lễ nạp tệ), lễ rước dâu (hay lễ thân nghinh) hay những phong tục liên quan tới sinh đẻ, tang ma. Những nghi thức này thể hiện sự coi trọng của người Việt xưa đối với hôn nhân và đời sống gia đình.
Đối với việc tín ngưỡng và tế tự, để cho dễ nghiên cứu, cuốn sách phân biệt những tín ngưỡng tế tự thuộc về gia đình, thuộc về hương thôn, thuộc về quốc gia và thuộc về phương thuật. Các tín ngưỡng mang các ý nghĩa sâu xa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người xưa đối với thần linh, tổ tiên và thiên nhiên. Nhiều tín ngưỡng và tế tự phức tạp lưu hành trong dân gian cũng được đề cập (như đạo phù thủy, đồng cốt, quỉ thần… hay sự sùng bái các tổ sư bách nghệ). Lồng ghép vào đó giải thích sự ảnh hưởng của Đạo giáo, Phật giáo, Cơ đốc giáo, đạo Tin lành đến đời sống xã hội người Việt xưa.
Tri thức sinh hoạt
Tác giả nhận định, tri thức sinh hoạt, tức là học thuật tư tưởng, cũng như tôn giáo và chính trị, không phải ngẫu nhiên mà sinh ra, mà vẫn có quan hệ mật thiết với tính trạng kinh tế và xã hội, cho nên kinh tế xã hội phát triển đến chừng nào thì học thuật tư tưởng cũng phát triển đến chừng đấy. Dòng phát triển của tri thức được tác giả chia ra theo các thời kỳ: đời thượng cổ, thời đại Phật học độc thịnh, thời đại tam giáo (Nho, Phật, Lão), thời đại Nho học độc tôn. Các học phái thịnh hành (Nho học, Phật học, Lão học), việc giáo dục và khoa cử tuyển chọn nhân tài được phân tích cho thấy thành tựu về tri thức, đời sống tinh thần của người Việt thời kỳ này.
Sự phát triển của ngôn ngữ Việt Nam với sự hình thành chữ nôm, chữ quốc ngữ, gắn liền với sự phát triển của văn học, nghệ thuật. Có thể kể đến các tác phẩm, các áng văn tuyệt diệu như Bình Ngô đại cáo, Quỳnh Uyển cứu ca (Lê Thánh Tôn), Thiên Nam dư hạ tập (Thân Nhân Trung), Lịch triều hiến chương (Phan Huy Chú)…, rồi đến các tác phẩm sử dụng chữ quốc ngữ để truyền tả những văn nôm hay như Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên …, dùng tiếng Việt để phiên dịch sách Tàu, dùng quốc ngữ để dịch văn Tàu, văn Tây; chữ quốc ngữ trong cổ động và nghị luận về chính trị và xã hội. Văn học hiện đại dần dần lìa xa ảnh hưởng của Hán học mà chịu ảnh hưởng của Tây học một ngày một thấm thía. Các thành tích của văn học hiện đại được thể hiện trong các loại hình thi ca, tiểu thuyết, sử học, luận thuyết, kịch bản, phê bình. Cuối phần, tác giả phân tích các thành tựu kiến trúc như đình chùa, lăng tẩm; điêu khắc; âm nhạc, sân khấu đặc sắc; những thành tựu khoa học như thiên văn và số học, y học (nam y và trung y), sử ký và địa dư; các phương thuật như phong thủy, bốc phệ, số tướng, chiêm đoán phản ánh được phần nào nội tâm phong phú, tư duy sáng tạo nhưng cũng khá mê muội của người Việt xưa.
Tổng luận
Thiên thứ năm tác giả đã bao quát, đưa ra nhận định khái quát về những đặc tính của văn hóa cũ, xem xét tấn bi kịch của văn hóa hiện thời, “nhận rõ chân tướng của bi kịch”. Trên cơ sở xem xét những đặc tính của văn hóa của người Việt, tác giả xét đến sự tiếp xúc của nó với các văn hóa mới, so sánh văn hóa của Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây và chỉ ra mối quan hệ giữa các nền văn hóa, khái quát các đặc trưng mang tính quy luật, bản sắc văn hóa Việt Nam.
Qua năm thiên sách, học giả Đào Duy Anh đã lần lượt giới thiệu các vấn đề then chốt về văn hóa, điều kiện tự nhiên, xã hội, kinh tế, chính trị, văn học, nghệ thuật, khoa học cũng như quan hệ với các nước láng giềng. Đặc biệt, luôn đối chiếu so sánh với các nền văn minh khác để làm nổi bật những nét riêng của văn hóa Việt Nam. Việc trình bày cuốn sách đầy khoa học, khái quát mà cụ thể, tham khảo rộng rãi cho thấy khả năng xuất chúng và thái độ nghiêm cẩn trong công việc của ông. Tuy nhiên, ngay từ lời tựa, ông cũng chỉ khiêm nhường coi cuốn sách chỉ là thu thập tài liệu và sắp xếp thành hệ thống, “để giúp cho những nhà nghiên cứu văn hóa sử đỡ công tìm kiếm mà thôi”./.