VinFast vượt Toyota, Hyundai để trở thành hãng xe bán chạy nhất quý I/2025

Thị trường ô tô Việt Nam quý I/2025 chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của VinFast, trong khi các thương hiệu truyền thống đối mặt áp lực lớn từ xu hướng xe xanh, giá rẻ và công nghệ mới.

Dù khởi đầu năm một cách khá trầm lắng, ngành ô tô đã tăng trưởng ổn định và kết thúc quý đầu tiên với kết quả bán hàng khả quan.

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số ô tô các loại trong 3 tháng đầu năm đạt 77.249 xe, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2024. Cùng với đó, TC Motor ghi nhận doanh số ô tô mang thương hiệu Hyundai tại Việt Nam đạt 11.474 xe. 

Đáng chú ý nhất là VinFast khi công bố lượng xe tiêu thụ trong quý I đạt hơn 35.100 xe, riêng doanh số xe điện đã chiếm đến hơn 28% tổng lượng ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong giai đoạn này.

vf-3
 

Cũng từ số liệu công bố, VinFast hiện là thương hiệu xe du lịch bán chạy nhất tại Việt Nam. Trong khi đó, Toyota - thương hiệu vốn thường xuyên dẫn đầu thị trường - chỉ đạt doanh số 11.830 xe du lịch, còn Hyundai có 8.838 xe bán ra. 

Mitsubishi giữ vững vị trí thứ tư với 7.920 xe, theo sau là Mazda (6.341 xe), Kia (6.200 xe) và Honda (6.084 xe). Ở chiều ngược lại, Suzuki và Isuzu là hai hãng có doanh số thấp nhất, lần lượt là 643 xe và 179 xe.

345882046_1236790416952572_38222
 

Xe điện và "cuộc chơi mới"

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của VinFast là minh chứng cho xu thế "xanh hóa" đang diễn ra rõ rệt trong ngành ô tô Việt Nam. Không chỉ tung ra nhiều mẫu xe điện phục vụ nhu cầu cá nhân, trong quý I/2025, hãng còn ra mắt dòng xe Green hướng đến khách hàng kinh doanh dịch vụ vận tải. 

VinFast cho biết, chỉ trong vòng 72 giờ đầu mở cọc, nhóm xe Green đã thu hút gần 46.000 đơn đặt hàng, bao gồm các mẫu Minio Green và Limo Green.

2222-1742011706-1742011722-9847
 

Điều này không chỉ cho thấy sức hút của xe điện giá rẻ trong lĩnh vực vận tải mà còn đẩy các mẫu xe phổ biến như Mitsubishi Xpander - lâu nay vốn thống trị mảng xe chạy dịch vụ - vào tình thế cạnh tranh khốc liệt. Trong bối cảnh thị phần xe điện tăng nhanh, các hãng truyền thống không thể đứng ngoài cuộc chơi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Áp lực gia tăng cho các "ông lớn"

Dù Toyota vẫn duy trì doanh số cao và vượt Hyundai (đạt 56.784 xe trong năm 2024), nhưng hãng xe Nhật Bản vẫn phải chấp nhận đứng sau VinFast, khi hãng xe Việt bán tới hơn 87.000 xe tại thị trường nội địa và gần 100.000 xe xuất khẩu trong năm vừa qua.

santa-fe
 

Không chỉ VinFast, các thương hiệu ô tô Trung Quốc cũng đang tạo áp lực mạnh mẽ lên nhóm hãng xe truyền thống tại Việt Nam. Những cái tên như BYD, Chery (với thương hiệu Omoda và Jaecoo), Geely Auto, Lynk & Co hay Zeekr đang dần thâm nhập thị trường thông qua chiến lược giá rẻ, công nghệ mới và sản phẩm đa dạng.

BYD - thương hiệu xe điện Trung Quốc nổi bật nhất hiện nay - từng khởi đầu tại Việt Nam với danh mục hoàn toàn thuần điện. Tuy nhiên, mức độ đón nhận không cao khiến hãng nhanh chóng điều chỉnh chiến lược, chuyển sang hybrid với mẫu BYD Sealion 6.

492348406_122126132648416644_247
 

Trong khi đó, Jaecoo tạo dấu ấn khi ra mắt J7 PHEV - mẫu xe hybrid cắm sạc đầu tiên của Trung Quốc tại Việt Nam, một phân khúc vốn gần như trống vắng trước đây.

Các hãng như Omoda và Geely dù chưa tung ra xe điện nhưng vẫn tạo được tiếng vang nhờ định giá hấp dẫn. Omoda C5 (539 - 669 triệu đồng) và Geely Coolray (538 - 628 triệu đồng) hiện là những mẫu SUV cỡ B có giá rẻ nhất trong phân khúc. Điều này khiến không ít khách hàng phổ thông cân nhắc chuyển hướng lựa chọn.

Đặc biệt, phân khúc MPV cỡ trung - vốn thường được "định giá cao" - giờ đây cũng có những lựa chọn dễ tiếp cận hơn như BYD M6 (756 triệu đồng) và VinFast Limo Green (749 triệu đồng). MG G50 cũng gây bất ngờ khi có giá khởi điểm chỉ từ 559 triệu đồng, rẻ ngang các mẫu MPV cỡ nhỏ như Mitsubishi Xpander hay Suzuki Ertiga.

Nhóm xe hybrid cắm sạc (PHEV) cũng đang được chú ý, khi cả Sealion 6 và J7 PHEV đều đạt khả năng di chuyển kết hợp hơn 1.000 km với pin và xăng đầy bình - yếu tố có thể hấp dẫn khách hàng ưa công nghệ và yêu cầu cao về hiệu suất.

Jaecoo-J7-PHEV
 

Bức tranh thị trường ô tô Việt Nam trong quý I/2025 cho thấy rõ sự phân hóa giữa các nhóm thương hiệu. Những tên tuổi truyền thống đang gặp áp lực lớn khi thị hiếu người dùng thay đổi nhanh chóng, hướng đến xe xanh, xe công nghệ cao và chi phí vận hành thấp. 

Đồng thời, làn sóng xe Trung Quốc - từng bị e ngại về chất lượng - đang dần xoá bỏ định kiến thông qua chiến lược sản phẩm bài bản và cạnh tranh bằng giá.