“Xây dựng cơ sở dữ liệu về thành phần nông sản thực phẩm của Việt Nam”

Trong khuôn khổ dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu về thành phần nông sản thực phẩm của Việt Nam” do Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cục Quản lý Phát triển Nông thôn Hàn Quốc – Cơ quan Mạng lưới Sáng kiến Hợp tác Nông nghiệp và Lương thực Châu Á (AFACI) tài trợ. Vào sáng ngày 13/04/2022,

Hội thảo lựa chọn và xây dựng danh sách mẫu nông sản thực phẩm để phân tích và xây dựng cơ sở dữ liệu thành phần nông sản thực phẩm được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp (CASRAD).

h1-1650164931.jpg
Các đại biểu nghe trình bày vắn tắt Văn kiện dự án

Về dự hội thảo có sự góp mặt đông đủ của các đại biểu đến từ các viện nghiên cứu khác nhau trong và ngoài Bộ Nông Nghiệp. Về phía Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y Tế) có Ông Lê Hồng Dũng – Trưởng Khoa hóa dinh dưỡng và Ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó trưởng Khoa hóa dinh dưỡng. Về phía Viện Nghiên cứu Rau quả, có sự góp mặt của Ông Lê Như Thịnh– Bộ môn Kinh tế Thị Trường.

Về phía Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp có Ông Hoàng Xuân Trường – PGĐ Trung tâm, Phụ trách dự án; cùng toàn thể các cán bộ của dự án. Hội thảo được tổ chức dưới 02 hình thức là trực tuyến và trực tiếp để thuận tiện cho các đại biểu sắp xếp thời gian cũng như giảm thiểu khoảng cách di chuyển giữa các điểm cầu.

Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu về thành phần nông sản thực phẩm của Việt Nam” được tài trợ với số vốn ODA là 90,000 USD và thực hiện trong khoảng 3 năm (11/2021 – 06/2024) với 8 hoạt động chính cùng mục tiêu xây dựng xây dựng Cơ sở dữ liệu thành phần dinh dưỡng của 100 nông sản thực phẩm của Việt Nam. Đi kèm với đó là các Sổ tay hướng dẫn hướng dẫn sử dụng Cơ sở dữ liệu. Hội thảo lựa chọn và xây dựng danh sách mẫu nông sản thực phẩm để phân tích và xây dựng cơ sở dữ liệu thành phần nông sản thực phẩm nằm trong hoạt động 01 của dự án được triển khai từ 11/2021 cho tới 06/2022.

h2-1650164958.jpg
Đại diện phía Viện Dinh dưỡng Quốc Gia: Ông Lê Hồng Dũng (bên trái) – Ông Nguyễn Văn Sỹ (bên phải)

Tại Hội thảo các đại biểu đã thống nhất nhiều nội dung trong Văn kiện dự án được phê duyệt trong đó có danh sách của 100 nông sản thực phẩm được chia thành 07 nhóm bao gồm: Ngũ cốc, Khoai củ, Hạt, Rau, Quả, Trứng, Sữa. Trong mỗi nhóm này đều có trên 10 loại nông sản tiêu biểu đại diện cho từng nhóm.

Việc lựa chọn danh sách 100 loại nông sản thực phẩm được căn cứ vào Cơ sở dữ liệu thành phần nông sản thực phẩm của Việt Nam nhằm bổ sung thêm các thông tin còn thiếu hoặc chưa có trong cơ sở dữ liệu trên. Việc lựa chọn và phân tích thành phần dinh dưỡng nông sản thực phẩm nhằm cung cấp thêm thông tin cho nhiều đối tượng như người nông dân, người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà hoạch định chính sách, các đối tác tham gia vào dự án điều này càng khẳng định tính mới, tính thiết thực của dự án.

h3-1650164983.jpg

Ông Lê Như Thịnh – Đại biểu Viện Nghiên cứu Rau quả tham gia bằng hình thức

Việc lấy mẫu các loại nông sản thực phẩm tuân theo các phương pháp lấy mẫu hiện hành nhằm đảm bảo địa điểm lấy mẫu phải có tính đặc trưng; thời gian lấy mẫu phải vào chính vụ; dung lượng mẫu đủ lớn; mẫu được bảo quản tốt tránh hư hỏng, thất thoát về hàm lượng dinh dưỡng. Sau khi được lấy về, các mẫu này sẽ được phân tích bằng các phương pháp hiện đại tại phòng thí nghiệm của Viện Dinh dưỡng Quốc Gia, các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Nước, Protein, Lipid, Glucid, Vitamin C, B1, B2, v.v.. Bên cạnh đó, dự án cũng có sự tham gia, đồng hành của các chuyên gia, các cố vấn chuyên môn vào nhiều hoạt động tạo tiền đề cho sự thành công của dự án trong tương lai.

Cuối hội thảo các bên tham gia đã nhất trí với đề xuất dựa trên kết quả của dự án có thể viết và đăng 2-3 bài báo khoa học lên các tạp trí trong và ngoài nước, xuất bản 02 sổ tay hướng dẫn sử dụng cơ sở dữ liệu thành phần dinh dưỡng nông sản thực phẩm, 01 sách điện tử về thông tin dinh dưỡng thực phẩm. Đề xuất này đóng vai trò quan trọng trong phổ biến các sản phẩm tri thức dự án đến đông đảo người đọc cũng như ghi nhận những đóng góp của dự án vào Cơ sở dữ liệu thành phần nông sản thực phẩm của Việt Nam, các quốc gia AFACI và trên toàn thế giới.