Xây dựng thương hiệu thành công bằng sứ mệnh xã hội

Văn hóa doanh nghiệp sẽ được phát triển dựa trên những tiêu chí nào? Làm thế nào để phát triển văn hóa kinh doanh dựa trên các sứ mệnh xã hội?...là những vấn đề đã được các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp… chia sẻ, thảo luận sôi nổi tại Tọa đàm “Xây dựng thương hiệu bằng sứ mệnh xã hội” diễn ra mới đây tại Hải Phòng.

Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Văn hóa chính là thương hiệu

Dẫn lời tỷ phú Tony Hsieh, người sáng lập ra thương hiệu giày nổi tiếng từng được Amazon mua lại với giá kỷ lục 1,2 tỷ USD - “văn hóa chính là thương hiệu của chúng ta”, chuyên gia Lê Quốc Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) khẳng định, trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp hiện nay, những nền tảng cơ bản nhất tạo dựng nên thế mạnh cho một thương hiệu chính là bản sắc văn hóa của họ.

“Chúng ta có thể bắt chước các mô hình kinh doanh, có thể bắt chước những phương thức xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp nhưng văn hóa là thứ mà chúng ta không bao giờ có thể bắt chước được. Đó là đặc trưng vốn có của mỗi doanh nghiệp từ khi hình thành”, ông Vinh nhấn mạnh.

Vậy văn hóa doanh nghiệp sẽ được phát triển như thế nào?

Theo ông Vinh, có 3 tiêu chí: Thứ nhất, văn hóa doanh nghiệp là tất cả những giá trị mà doanh nghiêp cùng thống nhất để cùng nhau phát triển. Thứ hai, văn hóa doanh nghiệp không phải là những quy tắc văn bản, yêu cầu cụ thể mà gồm tất cả những hành vi, phương thức ứng xử, mối quan hệ mà mỗi thành viên trong doanh nghiệp cùng nhau tạo dựng. Thứ ba, văn hóa doanh nghiệp gắn với sứ mệnh, lý do mà doanh nghiệp tồn tại.

Ông Lê Quốc Vinh cho rằng, khái niệm cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp: Brand Purpose - Mục đích thương hiệu, ý nghĩa của thương hiệu chính là lý do tồn tại của thương hiệu, vượt lên trên mục đích kiếm tiền.

Sứ mệnh xã hội là mục tiêu bất biến

Là một trong những chuyên gia hàng đầu về thương hiệu và có nhiều năm tư vấn về xây dựng thương hiệu, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, các thương hiệu rất nổi tiếng trên thế giới hiện nay phần lớn đều xây dựng thành công những sứ mệnh xã hội của riêng họ.

“Mục đích thương hiệu không phải là lời hứa thương hiệu. Lời hứa thương hiệu làm cho khách hàng có ý niệm về những gì có thể mong đợi từ sản phẩm hoặc dịch vụ, nhưng mục đích thương hiệu còn vượt xa hơn thế, cho chúng ta hiểu ý nghĩa về lợi ích cho xã hội mà sản phẩm hay dịch vụ sẽ mang lại. Mục đích thương hiệu kết nối với người tiêu dùng ở cấp độ cảm xúc nhiều hơn”, ông Vinh nói.

Ông Vinh phân tích, mục đích thương hiệu thực ra là sứ mệnh của mỗi doanh nghiệp đặt ra cho thương hiệu của mình nhằm tạo ra các giá trị cho xã hội, cho cộng đồng. Ở góc nhìn này, sứ mệnh xã hội là mục tiêu bất biến, là những giá trị bền vững mà các doanh nghiệp luôn hướng tới.

“Sứ mệnh đó khác với tầm nhìn mà các doanh nghiệp đặt ra, ví như trở thành Công ty hàng đầu Việt Nam trong 10, 15, 20 năm nữa. Sứ mệnh xã hội là cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp mà ở đó có cả sự đam mê, truyền lửa và hết mình vì sứ mệnh đó. Doanh nghiệp từ sứ mệnh xã hội sẽ truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh, từ đó, chính họ có thể đạt được vị thế trong tương lai”, ông Vinh dẫn chứng.

Chia sẻ kinh nghiệm của VietinBank trong việc xây dựng sứ mệnh doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết, nhiều năm qua, VietinBank luôn xác định mục tiêu hoạt động hướng đến cộng đồng, cố gắng mang lại các giá trị cho xã hội nhiều nhất. Ngân hàng đã giành nhiều ngàn tỉ đồng cho các chính sách an sinh xã hội, hạ lãi suất... để chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong chia sẻ bài học về sức mạnh của tinh thần đoàn kết, điều cốt lõi đã giúp cho các thế hệ cán bộ, công nhân viên ở doanh nghiệp trong 62 năm qua vẫn luôn bền bỉ theo đuổi những giá trị bất biến, đó là xây dựng các sản phẩm chất lượng và hoạt động hướng tới cộng đồng.

Xây dựng thương hiệu từ yêu thương

Lấy câu chuyện xây dựng thương hiệu của hệ thống chuỗi cửa hàng đồ tiêu dùng và thời trang nổi tiếng Tokyo Life để minh họa, chuyên gia Lê Quốc Vinh chia sẻ, sự thành công của thương hiệu này được hình thành trên tinh thần sứ mệnh trở thành một “hồ câu vui vẻ”, một môi trường tràn ngập tính nhân văn, nơi những người khuyết tật có thể tìm thấy niềm vui trong lao động, tự tin trở thành người hữu ích trong xã hội.

Hay hành trình khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp xã hội Tò he được thành lập năm 2006 với sứ mệnh tạo ra sân chơi sáng tạo dành cho trẻ em thiệt thòi. Doanh nghiệp hướng tới mục tiêu không chỉ là bán các sản phẩm thủ công mà để mỗi khách hàng khi tiếp cận, sử dụng sản phẩm của họ sẽ như tìm lại tuổi thơ, tìm lại sự hồn nhiên của chính mình… “Có rất nhiều ví dụ như thế. Để thấy rằng con đường phát triển một thương hiệu bền vững là trở thành một thương hiệu được yêu thương”, ông Vinh khẳng định.

Ông Vinh cho biết trong Bộ Tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam có những tiêu chí rất quan trọng về đạo đức kinh doanh, về trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp không thể chỉ tạo thương hiệu từ những sự nhận biết và những mong muốn của mình mà còn phải thể hiện ứng xử có trách nhiệm với cộng đồng xã hội.

Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam Dương Thị Liễu chia sẻ câu chuyện cảm động ở một doanh nghiệp dành cho những người tàn tật, nơi các thành viên luôn hỗ trợ nhau may các sản phẩm handmade.

Nếu như 5 năm trước, “đại bản doanh” của doanh nghiệp chỉ là gian nhà của một trong số các thành viên thì chỉ sau 5 năm, họ đã trở thành một công ty được nhiều người biết đến, có văn phòng lớn, có bộ máy quản trị hiện đại.

Bí quyết thành công được người trong cuộc bật mí là tạo điều kiện cho những người khuyết tật luôn yêu thương và tự tin vào bản thân, tích cực đóng góp cho gia đình, xã hội.

“Đừng nghĩ sứ mệnh xã hội là những gì quá cao siêu, xa vời với các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp mới khởi đầu, còn khó khăn. Khi hết lòng phụng sự và tạo niềm tin nơi khách hàng, người lao động có nghĩa chúng ta đã chạm đến sứ mệnh xã hội rồi…”, bà Liễu cho hay.