Xây dựng trên đất nông nghiệp: Trường hợp công ty ở huyện Gò Quao (Kiên Giang)

Hiện nay, tại các vùng nông thôn, xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, điều đáng nói là không ít cơ sở xây dựng nhà xưởng khi chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dẫn đến tình trạng “hợp thức hóa” sai phạm, coi thường kỷ cương pháp luật.

Câu chuyện dưới đây giúp người dân nhận thức đúng đắn về mặt pháp lý khi “khởi nghiệp” xây dựng mặt bằng sản xuất - kinh doanh ở nông thôn.

Ông Đặng Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ vận tải thương mại Thành Đạt được UBND huyện Gò Quao cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn với diện tích xây dựng là 300 m2 (ngang 15 m, dài 20m) trên thửa đất 5.794,5m2, nằm cặp Quốc lộ 61, thuộc tổ 4, ấp 2, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam. Ông Bằng tiến hành xây dựng nhà với chiều ngang 6,7m, dài 13m chưa đúng với hồ sơ cấp phép. Ngoài ra, ông Bằng còn xây dựng thêm công trình trên đất trồng cây lâu năm khác, với diện tích 336 m2 (22,4 m x 15 m) cách vị trí công trình nhà ở được cấp phép 21 m.

1-1719846142.jpg
Khu vực ông Bằng xây dựng công trình không phép trên đất trồng cây lâu năm.

Vụ việc được Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Gò Quao và UBND xã Vĩnh Hòa Hưng Nam kiểm tra, lập biên bản vi phạm vào ngày 10/2/2022, sau khi có đơn trình báo.

Thay vì ra quyết định xử phạt và yêu cầu tháo dỡ công trình xây dựng không phép trên đất cây lâu năm nhằm đảm bảo trật tự xây dựng tại địa phương, thì ngành chức năng huyện Gò Quao lại yêu cầu ông Bằng dừng việc thi công để tiến hành điều chỉnh giấy phép xây dựng và bổ sung các thủ tục đủ điều kiện xây dựng công trình. Sau đó, ông Bằng đã liên hệ với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gò Quao đăng ký chuyển mục đích đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất thương mại.

Đến khi có công văn chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh Kiên Giang, tháng 5/2022, UBND huyện Gò Quao giao Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện và UBND xã Vĩnh Hòa Hưng Nam cùng các cơ quan chức năng liên quan, kiểm tra lại tại công trình của ông Bằng thì phát hiện nơi đây đã được Công ty Thành Đạt mua bình gas về tập kết.

Ngành chức năng huyện Gò Quao xác định, việc dùng danh nghĩa cá nhân xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng khi xây dựng ngoài vị trí xây dựng nhà ở đã có hành vi xây dựng trạm nạp gas với diện tích 376m2 đất chưa chuyển mục đích (đất trồng cây lâu năm) là vi phạm theo quy định về lĩnh vực đất đai và xây dựng. Thế nhưng, UBND huyện Gò Quao chỉ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Bằng về hành vi chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn khi không được cấp thẩm quyền cho phép, với mức phạt 6,5 triệu đồng.

Theo ông Trương Cà Uôl, Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Gò Quao, sau khi đóng phạt, ông Bằng đã tích cực chủ động liên hệ với các ngành chức năng huyện để bổ sung chủ trương, đăng ký chuyển mục đích đất và đã thực hiện xong việc chuyển mục đích đất. Hiện, ông Bằng đang làm các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ xây dựng trạm sang chiết gas.

2-1719846142.jpg
Bên trong công trình của ông Bằng đã thiết kế thành trạm sang chiết gas.

Còn ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa Hưng Nam cho biết: “Ban đầu phát hiện công trình xây dựng không phép nên xã báo về huyện. Khu đất này là đất cây lâu năm”.

Dư luận cho rằng, từ tháng 2/2022, ngành chức năng huyện Gò Quao và UBND xã Vĩnh Hòa Hưng Nam đã biết sự việc, tiến hành kiểm tra, phát hiện hành vi xây dựng công trình không phép trên đất trồng cây lâu năm nhưng đến tháng 10/2022, UBND huyện mới ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là tạo điều kiện cho ông Bằng “hợp thức hóa” sai phạm. Trong đó, có việc chuyển đổi mục đích đất sau khi đã xây dựng, tồn tại công trình không phép…

Tại buổi làm việc với UBND huyện Gò Quao, ông Lâm Ngọc Đường, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang đề nghị huyện xem xét tại sao không xử phạt hành vi xây dựng không phép đối với công trình ông Bằng?

Liên quan vụ việc, trong báo cáo UBND huyện Gò Quao cho biết, công trình đã được Công an tỉnh cấp chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, trao đổi với PV, đại diện Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Kiên Giang khẳng định: “Công trình trên chỉ được thẩm duyệt hồ sơ thiết kế trên hệ thống Dịch vụ công online. Đơn vị chưa nhận được yêu cầu nghiệm thu và chưa tiến hành nghiệm thu”.

Theo Luật sư Lê Công Hậu, Công ty Luật Lê Hoàng (TP Cần Thơ), tại Khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, thì đất trồng cây lâu năm thuộc nhóm đất nông nghiệp. Như vậy, nhóm đất nông nghiệp không có mục đích để xây dựng bao gồm xây dựng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại; các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, dịch vụ, thương mại theo quy định. Trường hợp muốn xây dựng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, thương mại; các công trình khác phục vụ cho kinh doanh, dịch vụ, thương mại trên diện tích đất trồng cây lâu năm mà hộ gia đình, cá nhân đang có thì phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất thương mại, dịch vụ (nhóm đất phi nông nghiệp).

Hành vi xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm khác là hành vi vi phạm pháp luật và tuỳ từng trường hợp cụ thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định tại Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Đồng thời, theo Luật Xây dựng 2014 (sửa đổi, bổ sung 2020) tại Điều 12 quy định những hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến xây dựng, bao gồm: Khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện khởi công theo quy định của Luật này.

Điều 118 quy định, việc phá dỡ công trình xây dựng được thực hiện trong các trường hợp, trong đó có: “Công trình xây dựng sai quy hoạch xây dựng, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng”.

Như vậy, từ các căn cứ nêu trên cho việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm) là vi phạm quy định về sử dụng đất theo Luật Đất đai và các quy định liên quan về xây dựng theo Luật Xây dựng. Tuỳ từng trường hợp, người vi phạm bị phạt hành chính và buộc phá dỡ công trình trái phép.