Xuất khẩu tìm cách vượt rào kỹ thuật ngay đầu năm mới

01/02/2023 10:05

Tần suất kiểm tra dày hơn, yêu cầu về tiêu chuẩn lao động, môi trường và phát thải carbon khắt khe… đang là những rào cản kỹ thuật đặt ra với nhiều ngành hàng xuất khẩu ngay trong những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cho hay ngay những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã nhận được yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng.

Ngày càng nhiều 'Barie' 

Bộ trưởng Diên cho biết: “Trước đây, mỗi quý người ta kiểm tra một lần, giờ tháng 1 lần, thậm chí kiểm tra từng lô hàng. Đây là những yêu cầu rất khó khăn, đòi hỏi người sản xuất, tổ chức lưu thông điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh”.

-8598-1675151761.jpg

Trái thanh long của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU chịu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu với tần suất 20%.

Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU vừa dẫn danh sách kiểm soát an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2023 vừa được Uỷ ban châu Âu (EU) công bố, cơ quan này tiếp tục đưa ra biện pháp kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (ethylene oxide - EO) với rau thơm, trái cây, mỳ ăn liền... của Việt Nam xuất sang thị trường EU.

Theo đó, thanh long và mỳ ăn liền vẫn nằm trong danh mục phải có chứng nhận thuốc bảo vệ thực vật của cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam và chịu tần suất kiểm tra 20% tại cửa khẩu. Đây là các quy định đã được phía EU áp dụng với các sản phẩm này từ tháng 1/2022. Riêng ớt vẫn nằm trong danh mục chịu kiểm soát chất lượng tại cửa khẩu, với tần suất kiểm tra là 50%. Tỷ lệ kiểm tra dư chất bảo vệ thực vật trên mỗi lô đậu bắp nhập khẩu từ Việt Nam là 50% và phải có chứng thư kiểm soát thuốc trừ sâu của Việt Nam.

Theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU, ngay trong tháng 1/2023, phía EU đã đưa ra các quy định, yêu cầu đối tác xuất khẩu vào EU tập trung nhiều hơn về các tiêu chuẩn liên quan tới môi trường; lao động; chính sách chống phá rừng liên quan tới mặt hàng cà phê, đồ gỗ; chính sách cân bằng năng lượng, chuyển đổi carbon như mặt hàng phân bón, hóa chất, sắt thép; yêu cầu giảm phát thải từ các ngành hàng thời trang, điện tử...

Cùng với đó, phía EU đẩy mạnh kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính những động thái trên đã tạo ra một số khó khăn cho các nước tiếp cận thị trường EU, trong đó có Việt Nam. Điều này đòi hỏi nhà quản lý Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ hơn từ phía thị trường này.

Không chỉ thị trường EU, ông Lưu Vạn Khang, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico, nhận định có nhiều tiềm năng để hàng Việt chinh phục thị trường này. Cụ thể, các mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường Mexico là thủy sản và nông sản chế biến, cà phê, hàng tiêu dùng, hàng điện tử, linh kiện và phụ tùng ô tô. Trong đó, nhiều mặt hàng tiêu dùng đang được các tập đoàn lớn ở Mexico quan tâm. 

Ông Khang kể, hiện nguồn nguyên liệu và giá nhân công tại Trung Quốc tăng cao, vì vậy cuối năm 2022 một tập đoàn tiêu dùng hàng đầu của Mexico ở thị trường Trung Quốc đã liên hệ với Thương vụ nhờ hỗ trợ cho 3 đoàn công tác sang tìm hiểu thị trường Việt Nam, với các mặt hàng được quan tâm là quần áo, giày dép.

Sản xuất theo tín hiệu thị trường 

Ông Khang cho biết thêm, sau các chuyến công tác đó, tập đoàn trên nói sẽ cử đoàn công tác sang Việt Nam để bàn cơ hội làm ăn. Trước đây, các tập đoàn bán lẻ của Mexico chủ yếu mua hàng Việt Nam qua các công ty thương mại quốc tế, nhưng hiện nay đang tìm cách mua trực tiếp từ phía Việt Nam.

Dù tiềm năng, song Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico cũng lưu ý nhiệm vụ trong năm nay tiếp tục hỗ trợ nhiều đoàn doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến từ Mexico sang Việt Nam tìm hiểu quy trình, cách thức sản xuất để phía bạn không đưa ra hàng rào kỹ thuật cho Việt Nam, gây bất ổn cho tăng trưởng thương mại.

Trong khi đó, bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada, cho biết người tiêu dùng ở thị trường này đang ngày càng khắt khe hơn với các sản phẩm nhập khẩu, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc giảm khí thải carbon – đây cũng là hình thức bảo hộ mới cho hàng nội địa. Cùng với đó, hàng Việt còn gặp bất lợi về lạm phát, biến động tỷ giá, vận chuyển tắc nghẽn…

Theo bà Quỳnh, hàng Việt Nam có lợi thế thuế quan nhờ Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, Canada cũng có rất nhiều FTA với các thị trường khác, do vậy nếu không vượt qua được các rào cản trên, hàng Việt dễ bị thay thế bằng hàng hóa nước khác.

Trước những thách thức trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên lưu ý doanh nghiệp cần tổ chức nghiên cứu thị trường, nắm bắt chủ trương, chính sách mới của nước sở tại, nhất là rào cản mới mà các khu vực, thị trường đang đặt ra, nhất là rào cản của thị trường EU.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta sản xuất ra được nhiều sản phẩm nhưng sản phẩm đó có được thị trường chấp nhận không lại là chuyện khác. Cần thay đổi phương thức sản xuất theo tín hiệu thị trường, giá cả, chất lượng được người tiêu dùng chấp nhận chứ không sản xuất theo tập quán, thói quen, để hồi phải hô hào giải cứu”.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục thu thập thông tin, khuyến nghị với cơ quan chức năng, doanh nghiệp để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, làm sao vùng trồng, vùng nuôi phải đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường cụ thể.

 

Minh Trí
Bạn đang đọc bài viết "Xuất khẩu tìm cách vượt rào kỹ thuật ngay đầu năm mới" tại chuyên mục Kinh tế Nông nghiệp. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309