An toàn vệ sinh lao động: Giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tăng năng suất lao động

01/06/2022 00:50

Sáng 31.5, Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức toạ đàm vai trò công tác an toàn, vệ sinh lao động trong việc thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn sau đại dịch COVID-19.

Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo tại buổi Tọa đàm đã nêu rõ, sau 35 năm đổi mới, 9 năm triển khai chỉ thị số 29-CT/TƯ của Ban Bí Thư Trung ương Đảng và 6 năm triển khai luật An toàn, vệ sinh lao động, đến nay với những nỗ lực của các cấp, các nghành à toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân lao động, hệ thống pháp luật về an toàn vệ sinh lao động đã tương đối hoàn thiện, công tác quản lý Nhà nước, công tác quản lý được quan tâm đầy đủ hơn.

Kể từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường và kéo dài gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội từ sức khỏe, tính mạng, đời sống của các tầng lớp nhân dân, người lao động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. 

an-toan-lao-dong-1654018660.jpg

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Trước bối cảnh đó, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách chưa có tiền lệ nhằm vừa chống dịch COVID-19, sản xuất an toàn và phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện “mục tiêu kép” với ưu tiên hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh người dân, bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Theo đó, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành một số chính sách hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để kịp thời hỗ trợ đoàn viên, người lao động, đội ngũ y tế. 

Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã tạm lắng. Tuy nhiên, việc chăm lo đời sống và bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho đoàn viên công đoàn và người lao động vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhằm góp phần tham mưu, đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, an sinh xã hội trong quá trình triển khai thực hiện chương trình phục hồi nền kinh tế của Chính phủ sau đại dịch.

Theo Quyền Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động Nguyễn Anh Thơ cho rằng, những vấn đề cấp bách về an toàn, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động cần được giải quyết trong giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Ngăn chặn sự gia tăng tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người trong lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, hóa chất, hóa dầu; tăng cường giám sát ô nhiễm môi trường lao động, từng bước cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động, vệ sinh lao động, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu...

1-1654019836.jpg
Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Ảnh: TTXVN

Theo ông Nguyễn Anh Thơ, các nghiên cứu, báo cáo khảo sát đã xác định rõ từng nguy cơ, rủi ro đối với an toàn sản xuất, an toàn cháy nổ, môi trường, sức khỏe nghề nghiệp, nguy cơ lây mắc COVID-19, cũng như các yếu tố về sinh học hóa chất hay bất kỳ nguy cơ gây tai nạn, sự cố, bệnh tật nào khác; đồng thời phân tích, đưa ra biện pháp, cách thức quản trị các rủi ro để phòng ngừa hiệu quả tai nạn, sự cố sản xuất, cháy nổ, ô nhiễm môi trường. Từ thực tế đó, ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng, được làm việc trong môi trường an toàn, người lao động mới yên tâm làm việc, nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển ổn định của doanh nghiệp và phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước.

4-1654019796.jpg
TS. Nguyễn Anh Thơ, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học AT&VSLĐ

Trưởng Phòng Chính sách Bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) Nguyễn Khánh Long cho biết: Từ đầu năm 2020, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 không chỉ đối với tính mạng, sức khỏe của người dân mà còn gây ra những thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế do phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh dịch bùng phát nhanh khi chúng ta chưa chủ động được nguồn vaccine để tiêm phòng cho người dân. 

Để góp phần bảo đảm hiệu quả, bền vững của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, ông Nguyễn Khánh Long cho rằng các cơ quan, đơn vị chức năng cần tổ chức rà soát, đánh giá những nội dung chính sách, pháp luật hiện hành về an toàn, vệ sinh lao động, làm rõ những điểm còn hạn chế, bất cập, chưa phù hợp với xu thế chung của thế giới, gây hạn chế, khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong việc tuân thủ. 

2-1654019866.jpg
Bà Ingrid Christensen, GĐ Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam; Ảnh: TTXVN

Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nêu rõ, đối thoại xã hội là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, đồng thời khuyến khích các nông trại, hợp tác xã hợp tác với nhau để cùng hướng đến mục tiêu chung là khôi phục nền kinh tế trong nước. 

"An toàn vệ sinh lao động là vấn đề quan trọng mà người sử dụng lao động nào, doanh nghiệp nào cũng cần phải quan tâm để cải thiện đầu tư. An toàn vệ sinh lao động, môi trường làm việc tốt là điều kiện cần thiết để duy trì sự phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào", bà Ingrid Christensen nhấn mạnh. 

Nhiều đại biểu dự Tọa đàm kiến nghị, cần nghiên cứu, rà soát, đánh giá, dự báo về các yếu tố nguy cơ, rủi ro hiện tại và tương lai đối với việc làm của người lao động trong bối cảnh chung của thế giới và Việt Nam hậu đại dịch COVID-19, trong đó bám sát những khuyến nghị, hướng dẫn, các bộ công cụ của Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về an toàn vệ sinh lao động để nghiên cứu, áp dụng, cụ thể hóa trong điều kiện của Việt Nam. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các chương trình huấn luyện an toàn vệ sinh lao động hiện hành, bổ sung trong tài liệu huấn luyện kiến thức mới về nhận diện, đánh giá các nguy cơ hiện hữu và tương lai, các biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó, không để xảy ra những tình huống bất ngờ, mất kiểm soát…

toa22-1654018510.jpg
Đại diện Công ty CP Truyền thông Viên Hoàng Gia tham dự sự kiện

Triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch COVID-19; Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch của chính phủ, các nghiên cứu, báo cáo khảo sát đã chỉ ra rằng, xác định rõ từng nguy cơ, rủi ro đối với an toàn sản xuất, an toàn cháy nổ, môi trường, sức khỏe nghề nghiệp, nguy cơ lây nhiễm covid-19, cũng như các yếu tố nguy cơ sinh học, hoá học hay bất kỳ nguy cơ tai nạn, sự cố hay bệnh tật nào khác,cùng với việc phân loại, đánh giá mức độ nguy cơ, đưa ra biện pháp, cách thức quản trị các rủi ro để phòng ngừa hiệu quả tai nạn, sự cố sản xuất, cháy nổ, ô nhiễm môi trường, lây nhiễm thông qua việc đưa ra quy trình chung cho việc tái sản xuất trong điều kiện kiểm soát dịch, quy trình tái sản xuất của từng ngành, lĩnh vực và các tài liệu hướng dẫn cả bằng xuất bản điện tử, xuất bản giấy, các khoá tập huấn cho đội ngũ quản lý, cán bộ công đoàn, cán bộ an toàn, cán bộ y tế và người lao động để phục vụ doanh nghiệp và người lao động, đoàn viên công đoàn tái sản xuất nhanh và an toàn.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh việc tuyên truyền, huấn luyện đào tạo về ATVSLĐ và kiểm soát Covid-19, phòng ngừa nguy cơ mới tập trung cho những đối tượng lao động sau khi về quê, lao động mới vào doanh nghiệp khi tái hoạt động sản xuất sau thời gian dài nghỉ dịch,…thông qua đó để hỗ trợ một lực lượng lao động đủ điều kiện để sẵn sàng quay lại sản xuất ngay, kịp thời khắc phục được sự thiếu hụt lao động cho các doanh nghiệp là yêu cầu thường trực của các doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực sản xuất hiện nay. Trong quá trình thực hiện các chương trình, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề đặt ra phải đồng thời với các chương trình, giải pháp bảo đảm cho người lao động, nguồn lực quyết định quá trình phát triển, được làm việc trong môi trường an toàn, không ngừng được cải thiện, có như vậy thì người lao động mới yên tâm làm việc, nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển ổn định của doanh nghiệp và phục hồi kinh tế và phát triển bền vững đất nước.

Theo thống kê, trong năm 2020, thế giới có thêm 76,2 triệu ca rối loạn lo âu và 53,2 triệu ca rối loạn trầm cảm, tương đương mức tăng 27,6% so với năm trước đó. Đại dịch COVID-19 đã làm tăng gần 1/3 số người mắc chứng rối loạn trầm cảm và lo âu ở hơn 200 quốc gia trên thế giới. 

Trong thời gian dịch COVID-19, nhiều người lao động bị cách ly, làm việc ở nhà, không có sự tiếp xúc với đồng nghiệp, nên nhiều người có thể bị trầm cảm, gặp những vấn đề về sức khoẻ tâm thần. Một số người có thể tự xử lý được, nhưng cũng có những người sẽ bị ảnh hưởng. Tất cả điều đó kéo theo khả năng gia tăng nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nếu công tác an toàn, vệ sinh lao động không làm tốt.

Trang Viên