Tăng cường vai trò tư vấn, phản biện, kết nối tri thức vì sự phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2025–2030

Trong bối cảnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sâu sắc dưới tác động của hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu và yêu cầu phát triển bền vững, vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam (Hội KHPTNTVN) ngày càng quan trọng.

Nhiệm kỳ III (2019–2024) khép lại với nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và khó khăn kinh tế, đặt nền tảng cho phương hướng hoạt động mới trong nhiệm kỳ IV (2025–2030).

Thành quả hoạt động nhiệm kỳ III (2019–2024)

Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam (PHANO) được thành lập ngày 15 tháng 06 năm 2006 theo Quyết định số 953/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. Đến nay, PHANO có 215 hội viên bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học chuyên ngành Nông nghiệp và PTNT, nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn; doanh nghiệp và các tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc bao gồm Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Hoa lan Việt Nam; Viện Nghiên cứu Đào tạo Nguồn nhân lực Khoa học Công nghệ; Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao Đồng bằng Sông Cửu Long và các HTX. Các hoạt động chủ yếu của Hội là Nghiên cứu, Tư vấn, Phản biện, Truyền thông và phát triển sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực Thương hiệu cộng đồng, Chuỗi giá trị nông nghiệp, Hoa cây cảnh, và phát triển sản phẩm OCOP…

 Ngoài ra, Hội còn liên kết với các đơn vị khoa học sự nghiệp công lập để triển khai nhiều hoạt động liên quan. Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam có 2 Tạp chi in và điện tử (https://nongthonvaphattrien.vn) có tôn chỉ mục đích hoạt động là: Thông tin chuyên sâu, chuyên ngành, giới thiệu, đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học, tham gia tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực phát triển nông thôn; Thông tin về hoạt động của Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam; là diễn đàn của giới khoa học nông nghiệp, nông thôn; là cầu nối của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, nghệ nhân, chủ nhà vườn với các cơ quan quản lý nhà nước.

Trong nhiệm kỳ III, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19 và biến động kinh tế - xã hội, Hội vẫn duy trì hoạt động ổn định, từng bước mở rộng mạng lưới tổ chức thành viên. Hội đã củng cố và kiện toàn bộ máy, thu hút thêm nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý, doanh nhân và tổ chức xã hội quan tâm đến phát triển nông thôn. Tính đến năm 2024, Hội đã có hơn 700 hội viên cá nhân và tổ chức, trong đó nhiều hội viên là các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp, tài nguyên – môi trường, kinh tế nông thôn, xã hội học nông thôn...

Hoạt động tư vấn, phản biện chính sách là điểm sáng nổi bật. Hội đã tham gia phản biện các dự án luật, chiến lược, chương trình quốc gia liên quan đến nông thôn – nông dân – nông nghiệp như: Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021–2025, chính sách đất đai, chuyển đổi số trong nông nghiệp... Các ý kiến phản biện của Hội được đánh giá có chất lượng, khách quan, có cơ sở khoa học và thực tiễn, đóng góp vào hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Hội đã tổ chức hoặc phối hợp tổ chức hàng chục hội thảo, tọa đàm khoa học cấp quốc gia và khu vực với nhiều chủ đề cấp thiết như: chuyển đổi số trong nông nghiệp, vai trò của kinh tế tập thể, phát triển nông thôn bền vững dưới tác động của biến đổi khí hậu. Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Hội – duy trì xuất bản định kỳ, là kênh thông tin khoa học quan trọng phản ánh các vấn đề lý luận và thực tiễn nông thôn hiện nay.

Hội đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế như FAO, UNDP, tổ chức phi chính phủ (NGO), các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Nhiều hoạt động hội thảo quốc tế và dự án hợp tác nghiên cứu được triển khai, góp phần nâng cao năng lực của hội viên, đồng thời đưa tri thức quốc tế vào hỗ trợ quá trình phát triển nông thôn Việt Nam.

Phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm  nhiệm kỳ IV (2025–2030)

1. Tăng cường vai trò tư vấn – phản biện chính sách phát triển nông thôn

Phát huy vai trò là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp có trình độ chuyên môn cao, trong nhiệm kỳ IV, Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam xác định tư vấn, phản biện và giám định xã hội tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm. Trong bối cảnh nhiều chính sách lớn về nông nghiệp, đất đai, kinh tế nông thôn đang được sửa đổi, Hội sẽ chủ động đề xuất, tham gia xây dựng chính sách, nhất là các vấn đề sau:

Luật Đất đai và các chính sách liên quan đến tích tụ, tập trung ruộng đất.

Cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới.

Chính sách về nông thôn mới nâng cao, nông thôn thông minh.

Chính sách về bảo tồn văn hóa và an sinh xã hội ở vùng nông thôn, miền núi.

Chiến lược chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong nông nghiệp – nông thôn.

Hội sẽ xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn có năng lực đa ngành, có khả năng phản biện các chính sách phức tạp, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ để xây dựng các mô hình phân tích, dự báo hiệu quả chính sách.

2. Đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao tri thức phục vụ nông thôn bền vững

Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam sẽ tăng cường năng lực nghiên cứu ứng dụng, phát triển các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình phát triển nông thôn thông minh, nông nghiệp đô thị, kinh tế tuần hoàn. Hướng đến mục tiêu hỗ trợ người dân và cộng đồng nâng cao năng lực tự chủ, Hội sẽ:

Thiết lập mạng lưới các nhóm nghiên cứu liên ngành trong lĩnh vực phát triển nông thôn.

Phối hợp các viện, trường và doanh nghiệp để thực hiện đề tài, dự án trọng điểm.

Đẩy mạnh truyền thông khoa học thông qua Tạp chí và các kênh số, tạo cầu nối giữa tri thức và thực tiễn.

3. Thúc đẩy kết nối đa ngành và hợp tác công – tư – xã hội

Hội xác định gắn kết ba nhà: nhà khoa học – nhà quản lý – nhà nông là nguyên tắc phát triển bền vững. Trong nhiệm kỳ IV, Hội sẽ đóng vai trò trung gian thúc đẩy đối thoại chính sách, đối thoại cộng đồng – doanh nghiệp – nhà nước trong các lĩnh vực:

Phát triển nông sản bền vững, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp.

Bảo tồn và phát huy văn hóa nông thôn gắn với du lịch cộng đồng.

Thúc đẩy đầu tư xanh, công nghệ cao vào nông nghiệp.

Hội cũng sẽ phối hợp với các hội, hiệp hội ngành nghề khác để triển khai các sáng kiến liên ngành về phát triển nông thôn toàn diện.

4. Đổi mới mô hình hoạt động, nâng cao chất lượng tổ chức Hội

Để đáp ứng yêu cầu mới, Hội sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động, xây dựng hệ thống quản trị minh bạch, linh hoạt. Một số nhiệm vụ cụ thể:

Ứng dụng nền tảng số trong quản lý hội viên, kết nối hoạt động nghiên cứu, hội thảo.

Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia trẻ kế cận.

Mở rộng tổ chức thành viên đến các địa phương, vùng nông thôn khó khăn, đồng thời tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội.

Để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đề nghị Bộ Nội vụ hỗ trợ công tác đào tạo cán bộ Hội chuyên trách về công tác Hội, nhất là quan hệ với các cơ quan có liên quan; Xây dựng một khung pháp lý rõ ràng và thuận lợi cho hoạt động của các hội, tổ chức khoa học nói chung, để đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các hội viên; Tăng cường giao lưu, hợp tác giữa các hội, tổ chức và cơ quan nhà nước để chia sẻ kinh nghiệm và mô hình hoạt động Hội hiệu quả.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường đầu tư vào các nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của nông dân; Xây dựng các chương trình đào tạo và tập huấn cho cán bộ nông nghiệp và nông dân, giúp họ tiếp cận các khoa học kỹ thuật mới và cải thiện quản lý sản xuất nông nghiệp; Đề xuất tạo ra cơ chế phản hồi giữa Bộ Nông nghiệp và Hội, để nhận diện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển nông thôn; Tạo ra các kênh thông tin và truyền thông để phổ biến kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng; Xây dựng các mô hình hợp tác công tư trong phát triển nông thôn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án phát triển bền vững.

Nhiệm kỳ IV (2025–2030) mở ra thời cơ và thách thức mới đối với Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam. Với truyền thống trí tuệ, tâm huyết vì nông thôn Việt Nam, Hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để thực hiện sứ mệnh kết nối tri thức – tư vấn chính sách – thúc đẩy sáng kiến vì sự phát triển bền vững, toàn diện của nông thôn Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sáng 30/7/2025, Đại hội Hội khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam nhiệm kỳ 2025 - 2030 sẽ tổ chức tại Viện Di truyền Nông nghiệp Km2 đường Phạm Văn Đồng, phường Nghĩa Đô, TP Hà Nội.