GS.TSKH Trần Duy Quý - Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam
PV: Thưa Giáo sư, báo cáo tổng kết nhiệm kỳ III (2019-2024) của Hội đã chỉ ra nhiều thách thức nhưng cũng có những tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp. Xin Giáo sư chia sẻ cụ thể hơn về cách Hội đã vượt qua khó khăn và đạt được những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua?
GS.TSKH Trần Duy Quý: Nhiệm kỳ 2019-2024 thực sự là một giai đoạn đầy thử thách với đại dịch COVID-19 và thiên tai diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước cùng những chính sách mới thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã nỗ lực vượt qua thách thức, khắc phục khó khăn, tranh thủ các nguồn lực xã hội, nhất là sự nhiệt huyết của những chuyên gia, nhà khoa học của Hội. Từ đó, tạo chuyển biến các mặt hoạt động của Hội. Đặc biệt, Hội đã nỗ lực kiện toàn tổ chức, mở rộng lên 215 hội viên là các chuyên gia đầu ngành.
Về hoạt động chuyên môn, chúng tôi tập trung vào Nghiên cứu, Tư vấn, Phản biện và Truyền thông. Điển hình là việc phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội trong triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP, và bảo tồn làng nghề. Chúng tôi đã tổ chức nhiều sự kiện lớn như Festival Bảo tồn làng nghề Việt Nam 2023, các Hội thảo về nông nghiệp thông minh, phát triển hoa cây cảnh, và các lễ hội nông nghiệp đô thị tại Hà Nội. Đặc biệt, Hội còn được UBND TP Hà Nội giao xây dựng đề án "Phát triển Nông nghiệp đô thị Hà Nội" trong năm 2024.
Không chỉ trong nước, chúng tôi còn tích cực hợp tác quốc tế thông qua dự án ASSET, phụ trách phát triển Mạng lưới nông nghiệp sinh thái Đông Nam Á (ALiSEA) tại Việt Nam, tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo quốc gia và quốc tế. Các hoạt động truyền thông về nông nghiệp sinh thái cũng được đẩy mạnh. Về khoa học công nghệ, Hội đã thành công trong việc đăng ký và quản lý nhiều nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản địa phương, góp phần nâng cao giá trị và thương hiệu cho nông sản Việt.
Mặc dù quỹ hoạt động còn hạn hẹp, nhưng nhờ sự chủ động của Ban Chấp hành trong việc tranh thủ các dự án, kết nối tài trợ, cùng với việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định tài chính và điều lệ Hội, chúng tôi đã đảm bảo các hoạt động diễn ra hiệu quả và minh bạch. Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng bằng khen về thành tích công tác, khẳng định vai trò là cơ quan ngôn luận của Hội.
PV: Giáo sư vừa đề cập đến những thách thức và hạn chế. Xin Giáo sư cho biết rõ hơn về những điểm Hội cần khắc phục và các bài học kinh nghiệm đã rút ra để phát triển bền vững hơn?
GS.TSKH Trần Duy Quý: Chúng tôi nhận thấy một số hạn chế cần khắc phục. Đó là thiếu nguồn lực tài chính ổn định cho nghiên cứu và dự án, khó khăn trong tiếp cận và chia sẻ thông tin khoa học mới nhất, sự tham gia chưa đồng đều của các thành viên, và đôi khi các dự án chưa thật sự gắn liền với nhu cầu thực tiễn của nông dân. Sự phối hợp liên ngành đôi khi chưa thật chặt chẽ, và các chính sách liên quan đến nông thôn còn chưa đủ mạnh hoặc thiếu cơ chế thi hành hiệu quả.
Từ những hạn chế này, chúng tôi rút ra nhiều bài học quý báu. Quan trọng nhất là cần tăng cường hợp tác và liên kết với các cơ quan, tổ chức quốc tế và đối tác nghiên cứu để huy động nguồn lực. Chúng tôi phải luôn lắng nghe và phản hồi từ cộng đồng nông dân để đảm bảo các hoạt động thiết thực và hiệu quả. Đổi mới phương pháp nghiên cứu và đào tạo, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy tính sáng tạo và linh hoạt là yếu tố then chốt. Bên cạnh đó, việc đảm bảo minh bạch và trách nhiệm trong mọi hoạt động sẽ củng cố niềm tin và thu hút sự tham gia. Cuối cùng, việc tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và chủ động tham gia xây dựng chính sách là vô cùng quan trọng để tạo hành lang pháp lý thuận lợi.
PV: Với những bài học kinh nghiệm đó, xin Giáo sư chia sẻ về phương hướng và các nhiệm vụ trọng tâm mà Hội đặt ra cho nhiệm kỳ 2025-2030, đặc biệt là với chủ đề “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo”?
GS.TSKH Trần Duy Quý: Hướng tới nhiệm kỳ 2025-2030, chúng tôi xác định phương hướng chung là "Kiện toàn tổ chức - Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động - Nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội", với chủ đề “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo”. Mục tiêu cuối cùng là đóng góp thiết thực vào việc “Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái - bền vững; Nông thôn hiện đại - đáng sống; Nông dân chuyên nghiệp - văn minh”.
Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm:
Đầu tiên, về công tác tổ chức và củng cố hoạt động, chúng tôi sẽ tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2025-2030, củng cố bộ máy từ Ban Chấp hành đến các Chi hội, mở rộng hội viên trên toàn quốc và duy trì sinh hoạt định kỳ để kịp thời chỉ đạo và triển khai công việc.
Thứ hai, về hoạt động chuyên môn, chúng tôi sẽ tập trung thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo về nông nghiệp sinh thái trên toàn quốc, đồng thời đóng góp vào việc thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững đến 2030.
Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các Cục, Chi cục, Văn phòng điều phối Nông thôn mới, Trung tâm khuyến nông các địa phương để lồng ghép hoạt động vào các chương trình như OCOP, nông thôn mới, và tổ chức 10-20 buổi hội thảo/tập huấn về nông nghiệp sinh thái hàng năm. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được đẩy mạnh để nâng cao vị thế của Việt Nam.
Thứ ba, về tuyên truyền nâng cao nhận thức, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, giới thiệu các mô hình hay về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Cuối cùng, trong công tác giám sát và phản biện xã hội, Hội sẽ chủ động tham gia góp ý các kế hoạch, dự án chuyên ngành của Nhà nước, đồng thời tham mưu cho các cơ quan quản lý về việc hoàn thiện chính sách liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn.
PV: Để hiện thực hóa những mục tiêu này, Hội có những giải pháp ưu tiên và kiến nghị gì gửi đến các Bộ, ngành liên quan, thưa Giáo sư?
GS.TSKH Trần Duy Quý: Để thúc đẩy hoạt động, chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đó là khuyến khích kết nối với các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp để kêu gọi tài trợ, thiết lập quỹ nghiên cứu thường xuyên, và tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo nâng cao kiến thức cho hội viên và nông dân. Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia trong và ngoài nước tham gia trao đổi kinh nghiệm, khuyến khích nghiên cứu về nông nghiệp bền vững, sinh thái, tuần hoàn, sản xuất thông minh và chuyển đổi số. Đặc biệt, Hội sẽ triển khai các mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch nông thôn để nhân rộng, thúc đẩy xây dựng thương hiệu nông sản cộng đồng, sản phẩm OCOP và phát triển làng nghề.
Chúng tôi cũng sẽ tăng cường phối hợp giữa nhà khoa học, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng để tạo mạng lưới vững mạnh, xây dựng các nhóm làm việc liên địa phương để chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, phát triển các kênh truyền thông như website, mạng xã hội để chia sẻ thông tin và kết nối hội viên.
Trong kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ và dưới định hướng của các Nghị quyết quan trọng về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế tư nhân và hội nhập, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ tập trung vào năm lĩnh vực chính. Đầu tiên, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo bằng cách nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cao và công nghệ số (AI, IoT, Big Data) để xây dựng nông nghiệp thông minh, bền vững, đồng thời thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp và phát triển chuỗi giá trị nông sản.
Thứ hai, Hội sẽ tăng cường chuyển đổi số trong nông thôn qua việc phát triển hạ tầng số, hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, quản lý và nâng cao kỹ năng số cho cộng đồng.
Thứ ba, Hội chú trọng hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, cung cấp tư vấn pháp lý, xúc tiến đầu tư và khuyến khích các mô hình kinh doanh bền vững.
Thứ tư, Hội sẽ nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và kiến nghị hoàn thiện chính sách, chủ động nghiên cứu, đề xuất chính sách, tăng cường hợp tác quốc tế và đào tạo hội viên.
Cuối cùng, Hội tập trung phát triển nguồn nhân lực, thu hút và bồi dưỡng các nhà khoa học, chuyên gia để đảm bảo đội ngũ vững mạnh. Mục tiêu chung là góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống người dân.
Về kiến nghị, chúng tôi đề xuất với Bộ Nội vụ hỗ trợ đào tạo cán bộ Hội chuyên trách, xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động của các hội khoa học, và tăng cường giao lưu hợp tác. Với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chúng tôi kiến nghị Bộ đầu tư vào nghiên cứu khoa học công nghệ nông nghiệp bền vững, xây dựng các chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ và nông dân. Đặc biệt, đề xuất cơ chế phản hồi giữa Bộ và Hội để giải quyết kịp thời vấn đề, tạo kênh thông tin truyền thông hiệu quả, và xây dựng các mô hình hợp tác công tư trong phát triển nông thôn.
Những kiến nghị này nhằm mục tiêu chung là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển nông thôn bền vững và hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh hiện nay.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TSKH Trần Duy Quý về những chia sẻ rất thẳng thắn và toàn diện. Chúc Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ đạt được những thành công rực rỡ trong nhiệm kỳ sắp tới, hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra.