Ba Vì Phát huy giá trị từ những sản vật địa phương

Ba Vì là một huyện được thiên nhiên ban tặng cho một vùng núi non, sông suối, cảnh sắc tươi đẹp và kỳ vĩ. Cùng với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, Ba Vì là địa phương đang lưu giữ một kho tài sản vô giá là các di tích lịch sử văn hóa đa dạng không phải nơi nào cũng có được. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025, phát triển du lịch nông thôn được xem là một trong những giải pháp, nhằm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, huyện Ba Vì đã nỗ lực vươn lên, tạo thêm những bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới.

 

ba-vi-1691453121.png
Huyện Ba Vì đổi mới

Nằm cách trung tâm Hà Nội 60km về phía Tây Bắc, Ba Vì là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, độc đáo, đặc trưng bởi 3 dân tộc Kinh, Mường, Dao với những phong tục, tập quán, nét văn hóa riêng biệt. Với bề dày lịch sử, Ba Vì là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa có giá trị khác.

Về số lượng, huyện Ba Vì có 450 di tích được phân bố rộng rãi trên địa bàn 1 thị trấn và 30 xã, gồm: 8 di tích lịch sử, văn hóa (5 di tích lịch sử cách mạng, 3 di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh), 442 di tích kiến trúc - nghệ thuật. Trong đó có 102 đình, 48 đền, 105 chùa, 57 miếu, 96 nhà thờ họ, 4 điếm, 5 quán, 7 giếng cổ, 6 di tích lưu niệm và nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1 cây lưu niệm, 4 lăng, 3 văn chỉ, 9 cổng làng, 2 từ chỉ từ đường, 1 mộ, 1 địa điểm chiến thắng. Tổng di tích được xếp hạng là 91, trong đó có 1 di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 40 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 50 di tích xếp hạng cấp thành phố.

Ngoài ra, Ba Vì còn có nhiều di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh như: làng kháng chiến Vật Lai, cây đa Bác Hồ, khu di tích lịch sử đồi Đá Chông K9 nơi có phong cảnh, khí hậu mát mẻ; các di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo, có giá trị văn hóa, thẩm mỹ như: đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (là 2 di tích được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt), đình Thụy Phiêu (được các nhà khoa học đánh giá là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam có niên đại 1531 - thời nhà Mạc)…; đền Thượng, đền Trung, đền Hạ, đền thờ Bác Hồ…; miếu Mèn, chùa Tản Viên Sơn… Với số lượng di tích lịch sử, văn hóa phong phú và đa dạng, huyện Ba Vì có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch.

ba-vi-2-1691453122.png
Biểu diễn cồng chiêng Mường tại Lễ khai trương Năm Du lịch Ba Vì

Với chủ trương phát huy giá trị những sản vật địa phương, việc phát triển du lịch nông thôn được định hướng theo xu thế phát triển bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, gắn với phát triển sản phẩm OCOP và các giá trị tài nguyên văn hóa bản địa, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, có sự tuân thủ các nguyên tắc về tôn trọng văn hóa địa phương, chia sẻ lợi ích, đảm bảo phát triển bền vững và có trách nhiệm, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân từ hoạt động du lịch mang lại.

Thông qua du lịch phát huy được vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, sự tham gia tích cực và chủ động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác thông qua các hình thức liên kết chuỗi giá trị du lịch hiệu quả. Việc triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là chú trọng nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương.

Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch, vừa bảo tồn bản sắc truyền thống, vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái. Tiết kiệm đầu tư thông, qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường. Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải…) tại các điểm du lịch, phù hợp nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa địa phương.

Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm… đạt chất lượng phục vụ khách du lịch. Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến (quản lý khách du lịch, quản lý lưu trú, quản lý kinh doanh du lịch). Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn. Xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ (điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản nông thôn, ăn uống, giải khát, vệ sinh) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với các điểm du lịch với khoảng cách hợp lý.

ba-vi-3-1691453122.png
Đến nay, đồng bào Mường đã đưa tiếng cồng, tiếng chiêng trở lại trong hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Việc phát triển sản phẩm du lịch nông thôn cần mang đặc trưng, thế mạnh của địa phương. Phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng của địa phương, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao, bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch.

Nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng, hạn chế tác động đến môi trường. Bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao, phát triển các nghệ nhân. Phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế. Bảo tồn và phát huy các không gian văn hóa, di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng. Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích lịch sử, văn hóa, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống gắn với du lịch nông thôn.

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư cho nguồn nhân lực du lịch có chất lượng từ quản lý đến kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch, xây dựng văn hóa du lịch chuyên nghiệp, thân thiện, an toàn và văn minh. Chuyên nghiệp hóa việc cung cấp, kiểm tra, kiểm soát dịch vụ du lịch có chất lượng và công tác quản lý điểm du lịch nông thôn.

Nhờ vậy, huyện Ba Vì đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực, bền vững, nhiều mô hình nuôi trồng cây, con cho giá trị kinh tế cao từ 250 triệu đồng/ha lên 350 triệu đồng/ha. Đến nay, toàn huyện đã có 30/30 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Huyện Ba Vì đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ năm 2008 đến năm 2023 là 13.082,2 tỷ đồng, trong đó năm 2023 là 2.092,7 tỷ đồng, gấp 18,26 lần so với năm 2008 (năm 2008 là 114,6 tỷ đồng). Tỷ lệ giải ngân đạt mức cao, năm 2022 đạt 96,4% kế hoạch vốn được giao.

Về thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29 triệu đồng năm 2008 lên 55,6 triệu đồng người/năm năm 2022; thu nhập bình quân đầu người 7 xã miền núi là 50,1 triệu đồng/người. Trong đó, xã Tản Lĩnh có sự bứt phá về thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 55,2 triệu đồng, tăng gấp 2,55 lần so với năm 2008 (21,6 triệu đồng).

Công tác an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định, giảm nghèo bền vững. Hiệu quả mang lại từ các chương trình đầu tư góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các xã miền núi và các địa phương còn lại của huyện Ba Vì.

Phải khẳng định, các tiềm năng của Ba Vì được khai thác và đạt kết quả tích cực. Phát triển du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh với các điểm du lịch nổi bật như cụm đền Trung - Thượng - Hạ; các khu du lịch Khoang Xanh, Ao Vua, Thiên Sơn Suối Ngà...

         Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đời sống kinh tế - xã hội của người dân tiếp tục được cải thiện. Hiện nay, Ba Vì đã có hộ dân đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhiều hộ chăn nuôi quy mô trang trại; phát triển cây dược liệu (trên núi cao), trồng cây ăn quả (dưới chân núi).

Tỷ lệ đô thị hóa 6 tháng đầu năm 2023 đạt 6,86%. Hiện nay trên địa bàn huyện có 27/31 xã, thị trấn được cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch đạt 82,8%, đến hết năm 2023 ước đạt 87,6%.

Với nhiều di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, Ba Vì đã và đang là địa chỉ thu hút khách thập phương tham quan và thưởng ngoạn cũng như tìm hiểu về truyền thống dựng nước, giữ nước của cha ông ta. Tự hào về mảnh đất quê hương, người dân Ba Vì hôm nay đang tiếp tục nỗ lực trong bảo tồn, tôn tạo để các di tích không chỉ là địa chỉ sinh hoạt văn hóa tâm linh, điểm đến của du khách thập phương, là tài sản vô giá về kiến trúc nghệ thuật mà còn để truyền thống tốt đẹp của quê hương được mãi mãi trường tồn.

Ba Vì đã và đang chứng tỏ sự sáng tạo và khả năng tận dụng tối đa giá trị từ những sản vật địa phương. Trong thời gian tới, Ba Vì sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được đóng góp tích cực vào sự phát triển của địa phương, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để đạt được kết quả bền vững.