Giống bưởi kì diệu
Ông Nguyễn Ngọc Giàng 80 tuổi ở thôn La Tinh, xã Đông La (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) kể lại với tôi một câu chuyện cũ, mẹ ông Bùi Đức Ương khi bị ốm mới bảo với con rằng: “Tao mệt quá, chỉ thèm ăn một quả bưởi thôi”. Đó là cỡ tháng tư, tháng năm, xưa ở miền Bắc chưa có loại quả gì cho thu hoạch cả, bưởi cũng đã hết mùa được 3 - 4 tháng rồi, nhưng chiều lòng người mẹ đang yếu, ông Ương mới sang nhà ông Bá Diệu để hỏi xem. Cả làng khi đó có mỗi nhà ông Bá Diệu là giàu, nhiều đất, trong vườn trồng được giống bưởi quý La Tinh. Ông Ương xin được 1 quả bưởi đem về cho mẹ, ăn xong bà cảm thấy người mỗi lúc một khỏe thêm.
Vì muốn giữ cây bưởi quý cho riêng mình nên ông Bá Diệu chẳng cho giống bất cứ một ai. Khi nhìn thấy cành của nó đè lên cái cổng cổ rất to của nhà ông ở vị trí khá là khuất, có kẻ mới lén trèo lên chiết trộm 1 cành, nhân giống dần ra, cho bố của ông thông gia với ông Nguyễn Ngọc Giàng 1 cành. Vì là thông gia nên về sau ông Giảng được ông này tặng cho 5 cành, đem trồng 4 cành trong vườn nhà và tặng lại 1 cành cho 1 người bạn của con. Đó là những năm 70 của thế kỷ trước. Giờ đây tuy cây bưởi tổ nhà ông Bá Diệu đã chết nhưng con cháu của nó đến mùa vẫn không lỗi hẹn bao giờ, quả ra sai trĩu trịt, kể cả cây bưởi đã 80 năm tuổi của nhà ông Bá Vũ.
Cũng tương tự câu chuyện của ông Ương, bố ông Nguyễn Huy Giao - Giám đốc HTX Nông nghiệp La Tinh dạo bị ốm cách đây đã lâu, đúng vào mùa quả đã cạn, bà cụ Hảo nghe tin mới xách đến cho 2 quả bưởi. Ăn xong ông cảm thấy người như được truyền thêm thuốc bổ: “Ngày xưa không có hoa quả gì mấy nên tầm tháng tư, tháng năm mà có bưởi ăn là rất quý. Người ốm được ăn một quả bưởi khi ấy cảm thấy được tăng thêm bao nhiêu là năng lượng. Giờ tuy có nhiều loại bưởi ngon xâm nhập về đất này nhưng bưởi đường La Tinh chúng tôi vẫn quý bởi nó là giống cổ của làng.
Năm 2010 ông Văn Công Nhượng - Chủ nhiệm HTX còn thử bôi vôi vào cuống quả rồi bọc túi ni lông, để xuống gậm giường, bảo quản được cả năm trời, không bị héo đã đành mà ăn lại còn rất ngon, ngọt. Còn dân dã hơn, xưa các cụ làng tôi toàn lấy những cái chum to, lót lá chuối khô rồi đặt bưởi vào, bịt kín lại để không bị “toát mồ hôi” thì bảo quản được 5 - 7 tháng. Khi để lâu như thế, hạt của bưởi đường La Tinh không bị mọc mầm trong quả như bưởi Diễn nên chẳng ảnh hưởng gì đến chất lượng bên trong”.
Để chứng minh cho những gì mình nói, hai đĩa bưởi La Tinh được dọn ra bàn, múi nào múi nấy nây đều đầy mời gọi. Giữa tiết trời tháng ba nồm ẩm, bí bách, khó chịu, được thưởng thức những tép bưởi ngọt dịu và mát như thạch ấy tôi thấy tỉnh táo, sảng khoái cả người, đúng như câu thơ: “Bưởi đường thương hiệu La Tinh. Hương thơm, vị ngọt môi mình, môi ta. Hỡi người du khách gần xa. Có về thưởng thức bưởi La xin mời”.
Một số cây bưởi đường La Tinh đã được Sở NN-PTNT Hà Nội bình tuyển, công nhận để làm giống thuộc về các hộ nhà ông Nguyễn Ngọc Giảng (4 cây), ông Văn Phú Học (2 cây).
Cần quy hoạch thành một vùng ổn định
Vừa thưởng thức, ông Nguyễn Ngọc Giảng vừa phân tích cho tôi những đặc tính quý của giống đặc sản này như vị ngọt mát, ráo múi, tôm giòn, không bị he, bị nát, hương rất thơm… Bưởi La Tinh quả càng nhỏ lại càng ngon, ngọt. Vườn bưởi nhà ông giờ cây nào cây nấy đều đã 50 tuổi cả rồi nhưng đến vụ vẫn cho quả rất đều đặn. Mỗi quả bán 20.000 - 30.000 đồng, tính ra mỗi cây cho thu trung bình 10 triệu/vụ, kỷ lục nhất có cây cho thu tới 17,5 triệu mà lại khá nhàn: “Khi bưởi kín tán thì cỏ cũng không có nhưng quan trọng nhất làm vườn thì phải yêu cây. Sâu hại bưởi chủ yếu là xén tóc. Tháng hai, tháng ba xén tóc đẻ trứng, thấy những cành héo là tôi lấy gậy kều xuống, rạch ra bao giờ cũng bắt được con ấu trùng chỉ nhỏ như cái đầu tăm. Những con nào nở mà không bị phát hiện, sau này thấy phân đùn ra phải tìm đến mà bắt chứ không để lâu nó đục vào thân sẽ gây hỏng cả cây. Vườn nhà tôi có 11 gốc bưởi, vừa rồi làm nhà tiếc không nỡ chặt, phải tặng 4 cây di đi nơi khác để trồng”.
Một cựu chiến binh của làng có tên là Vực còn mày mò mua cả bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng về trồng để đối chứng, tuy nhiên theo ông chưa có giống bưởi nào cho quả ngon sánh nổi bưởi đường La Tinh. Làng trước đây có 20ha bưởi nhưng hiện tại chỉ còn khoảng chừng hơn 10ha. Ngay cả chỗ chúng tôi đang ngồi để nói chuyện là nhà văn hóa kiêm trụ sở HTX cũng được làm trên nền 1 vườn bưởi cũ. Làng giờ chỗ dựng nhà, chỗ thu hồi đấu giá, quy hoạch cụm công nghiệp khiến cho diện tích vườn bưởi La Tinh mỗi lúc một thu hẹp dần.
Nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đông La, ông Dương Đình Trường bảo với tôi rằng bưởi La Tinh thường không có hàng mang ra chợ để bán vì toàn người quen đặt hết, phần để ăn, phần để biếu, loại 1 bao giờ cũng có giá 30.000 - 40.000 đồng/quả, kể cả khi thị trường các loại bưởi ngọt khác chỉ xuống 10.000đ/quả. Những năm gần đây công tác khuyến nông được tăng cường mà nhất là sự giúp đỡ tập huấn về khoa học kỹ thuật của Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội nhưng hiềm một nỗi, mỗi nhà chỉ có 1 - 2 sào, hộ nhiều mới có 3 - 4 sào.
“Nhà nào dù rộng hay hẹp ở trong làng cũng đều có bưởi, vào vườn là nhìn thấy những cây bưởi cao, tán rộng rất đẹp, mát và hợp phong thủy. Những năm về trước lợi ích kinh tế của bưởi La Tinh rất cao, hơn hẳn mọi loại cây trồng khác. Bao nhiêu nhà khoa học đã từng về đây nghiên cứu, mong muốn mở rộng diện tích bưởi nhưng ngặt nỗi trong làng đất còn rất ít. Một khi đã xây dựng thương hiệu phải đảm bảo có hàng để bán, giờ đến vụ mà có người đặt một lúc 5.000 - 7.000 quả là khó đáp ứng được. Quỹ đất để phát triển bưởi La Tinh chưa phải là đã hết, Nhà nước nên tập trung quy hoạch giúp chúng tôi có một vùng sản xuất với mỗi gia đình ít nhất phải có vài sào. Nếu ít quá thì không bõ gì về kinh tế nhưng chỉ cần có vài sào là thu nhập dễ dàng đạt trên 100 triệu rồi”.
Bưởi La Tinh như “gái thị thành” xinh nhưng mà hay đỏng đảnh. Nó phù hợp với vùng đồng nơi đất thịt mà nhất là có sỏi ruồi, còn đất pha cát ngoài bãi thì khi trồng lại cho chất lượng quả kém hẳn. Dù lá có kích cỡ nhỏ nhưng tán của nó lại rất to, cao, chỉ 5 - 6 cây là có thể phủ kín 1 sào Bắc Bộ, cho trung bình 400 - 500 quả/gốc tương đương với 50 - 60 triệu đồng/vụ. Ngoài lợi thế là ăn ngon xuất sắc, thời gian bảo quản dài vô địch, bưởi đường La Tinh còn thu hoạch sớm hơn bưởi Diễn 1 tháng nên tiện cho việc có thể rải vụ giữa các loại bưởi đặc sản khác nhau.
Hiện nay toàn huyện Hoài Đức có khoảng 360ha bưởi, trong đó trồng tập trung chủ yếu vào các giống như bưởi Diễn, bưởi Quế Dương và bưởi La Tinh. Tuy nhiên bưởi Diễn là giống mang từ nơi khác về còn bưởi Quế Dương và bưởi La Tinh là giống địa phương, mang nhiều nét khác biệt, độc đáo nên rất cần nghiên cứu, phát triển chúng một cách vững bền. Theo bà Hoàng Thị Hòa - Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội: Bưởi La Tinh hợp với vùng đồng, bưởi Quế Dương hợp với vùng bãi. Ngoài đất bưởi gốc, có thể di thực, mở rộng sang các vùng khác, trước tiên là những xã ngay trên địa bàn huyện Hoài Đức.
Từ hàng chục năm trước Trung tâm đã giúp cho địa phương xây dựng nhãn hiệu cho hai giống bưởi này, gần đây còn đang giúp xây dựng thêm chỉ dẫn địa lý. Vì Hà Nội chưa có một nông sản nào làm chỉ dẫn địa lý cho nên mọi thứ đều bỡ ngỡ, cơ chế, chính sách phải vận dụng theo Nghị quyết 22 theo hướng xuất khẩu, rất tốn thời gian và công sức. Hiện Cục Sở Hữu Trí tuệ đã đi khảo sát thực tế, dự kiến có thể cuối năm nay việc cấp chỉ dẫn địa lý sẽ thành công. Để phát triển bền vững huyện Hoài Đức cần có quy hoạch vùng trồng bưởi ổn định, kết hợp với du lịch nông nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế.