BB

Vĩnh Phúc: “Sức bật” từ các nghị quyết chuyên đề ở cơ sở (Kỳ 2) - Tạo “bước chuyển” trong cả nhiệm kỳ

avatar
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy cơ sở, nhất là ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã ban hành các nghị quyết chuyên đề lãnh đạo địa phương khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội theo hướng bền vững. Qua đó, tạo chuyển biến rõ nét, toàn diện ở địa phương, thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cả nhiệm kỳ.

Đòn bẩy Phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hơn chục năm về trước, nói đến Đạo Trù (Tam Đảo), nhiều người đều hình dung về một xã miền núi cách xa trung tâm, đường đi heo hút, hiểm trở, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nên nghèo nàn, lạc hậu. Về Đạo Trù hôm nay khiến không ít người trầm trồ trước sự thay đổi vượt bậc.

970-995-22-1744596988.jpg
Mô hình trồng cây giống, hoa, cây cảnh của ông Trương Văn Trần, thôn Phô Cóc, xã Minh Quang cho thu nhập 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương. Ảnh: Dương Hà

Trên 90% đường giao thông nông thôn được đổ bê tông rộng rãi. Nhà cửa được xây dựng khang trang, kiên cố; xã có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Có được điều đó là do Đảng ủy xã đã lãnh đạo, ban hành các nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho hộ dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo…

Các nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã được các chi bộ quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, cụ thể thành các giải pháp phù hợp với tình hình địa bàn để lãnh đạo nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đảng viên trong các chi bộ không chỉ gương mẫu thực hiện mà còn thường xuyên bám sát các gia đình, khu vực mình phụ trách để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận động bà con đưa cây, con giống mới có năng suất; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường…

Được sự hỗ trợ của các đoàn thể trong thôn, ông Trương Văn Năm, thôn Lục Liễu được tiếp cận vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để xây dựng trang trại 8 ha nuôi lợn rừng.

Với tinh thần ham học hỏi và tuân thủ kỹ thuật chăn nuôi, ông Năm duy trì hiệu quả đàn lợn rừng từ vài chục tới 100 con để cung ứng lợn thương phẩm và lợn rừng giống cho các hộ chăn nuôi trong, ngoài tỉnh. Nhờ vậy, gia đình ông có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm, kinh tế ngày càng vững chắc.

Cũng giống như ông Năm, nhiều hộ dân đã tiếp cận chương trình khuyến nông, chuyển đổi từ những loại cây kém hiệu quả, đơn thuần như khoai, sắn, bạch đàn sang trồng cây dược liệu, cây ăn quả, rau củ sạch và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi con đặc sản theo hướng an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cùng với sản xuất nông nghiệp, toàn xã có trên 560 cơ sở, hộ cá thể kinh doanh vận tải, chế biến nông sản, dịch vụ - thương mại nhỏ lẻ mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm/hộ. Đến nay, xã Đạo Trù có hơn 700 hộ được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Có thể nói, nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo phát triển kinh tế của Đảng ủy xã đã đưa địa phương từ xã có tỷ lệ hộ nghèo cao gần nhất huyện “chuyển mình” mạnh mẽ. Thu nhập bình quân đầu người tăng trên 60 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao.

Bước tiến vượt bậc về giáo dục ở xã miền núi

Minh Quang là xã miền núi khó khăn của huyện Tam Đảo, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 62% dân số. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, mặc dù được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành, song công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn xã còn nhiều hạn chế, tình trạng học sinh bỏ học, nghỉ học giữa chừng, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số vẫn diễn ra… Trước thực trạng đó, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Minh Quang đã có nghị quyết chuyên đề về phát triển giáo dục.

Tại nhiều cuộc họp, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã phân tích, tìm ra những nguyên nhân để đề xuất cấp trên quan tâm, giúp đỡ. Trong đó, những nguyên nhân được chỉ rõ: Nhận thức của người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của giáo dục chưa cao; cán bộ quản lý ở một số trường chưa chủ động trong công tác tham mưu, thiếu tính sáng tạo, ngại thay đổi, năng lực quản lý, điều hành còn hạn chế.

Một số giáo viên chưa thực sự tâm huyết, chuyên tâm với nhiệm vụ dạy học; nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm tới việc học của con, còn phó mặc cho nhà trường, giáo viên… Trên cơ sở phân tích những hạn chế về giáo dục, nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy xã đã đưa ra các giải pháp với quyết tâm khắc phục tồn tại, hạn chế

Đảng ủy xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể, chi bộ nhà trường, thôn dân cư tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, đảng viên với sự nghiệp giáo dục địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết, văn bản về giáo dục tới đội ngũ cán bộ, giáo viên, các tầng lớp nhân dân.

Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, huy động mọi nguồn lực chăm lo phát triển giáo dục. Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, đảng viên trong các trường học, đưa nội dung nâng cao chất lượng giáo dục vào các buổi sinh hoạt tại chi bộ nhà trường.

Đề xuất cấp trên quan tâm xây dưng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; tập trung lãnh đạo nhà trường đổi mới và đa dạng hình thức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lự, tăng cường giáo dục nhân cách, lý tưởng, đạo đức, thể chất, thẩm mỹ, đảm bảo sự phát triển toàn diện của học sinh.

Các chi bộ nhà trường không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chuẩn hóa đội ngũ; đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, nhờ vậy, chất lượng giáo dục của xã Minh Quang từng bước cải thiện.

Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non ngày càng nâng cao, 100% trẻ em dân tộc thiểu số được hoàn thiện chương trình tiếng Việt. Tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học giữa chừng đã được khắc phục.

Nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình cấp tiểu học duy trì 100%. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ngày càng nâng cao; tỷ lệ học sinh lên lớp đối với lớp 6, 7, 8 đạt trên 96%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS luôn đạt trên 98%...

Đồng chí Trần Văn Quý, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Nghị quyết chuyên về giáo dục là “đòn bẩy” đưa Minh Quang từ “top” các địa phương có chất lượng giáo dục thấp nhất huyện vươn lên 2-3 bậc so với nhiệm kỳ trước, góp phần tạo chuyển biến vượt bậc về các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nhưng điều quan trọng hơn cả là nghị quyết đã tạo đột phá trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhân dân về công tác giáo dục. Nhiều gia đình, dòng họ đã quan tâm, sát sao hơn việc học tập của con, em mình. Các gia đình không chỉ đầu tư, tạo điều kiện học tập giúp con có kiến thức, có văn hóa mà còn thường xuyên phối hợp với giáo viên, nhà trường trong công tác quản lý, giáo dục con, em.

Hiệu quả các nghị quyết chuyên đề cho thấy, cấp ủy cơ sở đã khẳng định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, tạo động lực, nền tảng vững chắc để tổ chức Đảng ở cơ sở tiếp tục xác định “đúng”, “trúng” các nội dung, nhiệm vụ, lãnh đạo thực hiện tốt ở nhiệm kỳ kế tiếp, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh.