Dự hội nghị về phía Tỉnh ủy Quảng Ngãi có đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang; Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành.
Quang cảnh buổi làm việc của lãnh đạo hai tỉnh Quảng Ngãi- kon Tum
Về phía Tỉnh ủy Kon Tum có đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí U Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Tuy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành.
Đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, theo lộ trình của Trung ương thì trước ngày 1/5 phải hoàn thành Đề án sáp nhập, hợp nhất 2 tỉnh Kon Tum - Quảng Ngãi, báo cáo Trung ương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng cơ bản chuẩn bị phương án phương tiện đi lại; bố trí nhà công vụ, đảm bảo phục vụ cán bộ, công chức của tỉnh Kon Tum có nhu cầu sau sáp nhập 2 tỉnh. Từ nay đến ngày 1/9 còn rất nhiều việc để làm. Do vậy, trong không khí tình cảm mà 2 tỉnh dành cho nhau, với tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, thống nhất, chia sẻ cùng nhau, chắc chắn việc sáp nhập 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum sẽ đạt những kết quả tốt nhất, hướng tới tương lai phát triển nhanh và bền vững, thịnh vượng.
Đồng chí Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Sau khi thảo luận, Ban Thường vụ hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum thống nhất thành lập 6 Tổ công tác chung giữa hai tỉnh để thực hiện các nội dung nhiệm vụ Trung ương giao về sáp nhập hai tỉnh gồm: Tổ công tác về văn kiện đại hội; Tổ công tác về đơn vị hành chính; Tổ công tác về tổ chức, bộ máy, biên chế; Tổ công tác về cán bộ; Tổ công tác về chính sách địa phương; Tổ công tác về tài chính, ngân sách và trụ sở, tài sản công.
Ban Thường vụ hai tỉnh giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ hai tỉnh thống nhất tham mưu thành viên của các Tổ công tác, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh và giao tỉnh Quảng Ngãi ký ban hành các quyết định thành lập và phân công nhiệm vụ các Tổ công tác.
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ hai tỉnh thống nhất thành lập 5 đầu mối phối hợp giữa các cơ quan tương ứng của hai tỉnh để thuận tiện trao đổi, giải quyết công việc liên quan hai tỉnh.
Ngoài ra, Ban Thường vụ hai tỉnh cơ bản thống nhất về dự thảo lần 1 Đề án sáp nhập tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi; Kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ liên quan để sáp nhập. Trong đó, Ban Thường vụ 2 tỉnh cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững; về các cơ chế, chính sách đặc thù giữa hai tỉnh; về vận hành của bộ máy hệ thống chính trị sau hợp nhất; về nâng cấp Quốc lộ 24 (còn 62 km đường cấp 5 miền núi nhỏ hẹp, quanh co từ xã Pờ E huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum về thị trấn Ba Tơ huyện Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi) và đầu tư, xây dựng đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.
Ban Thường vụ và lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Ngãi - Kon Tum chụp ảnh lưu niệm sau khi làm việc
Ban Thường vụ hai tỉnh giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ hai tỉnh tiếp thu ý kiến tham gia của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh, hoàn chỉnh dự thảo Đề án và Kế hoạch thực hiện, bảo đảm Hồ sơ Đề án trình Bộ Nội vụ, Chính phủ trước ngày 1/5.
Ban Thường vụ hai tỉnh thống nhất việc tổ chức các buổi làm việc định kỳ 3 tuần 1 lần, đột xuất khi cần thiết giữa Ban Thường vụ hai tỉnh từ nay đến ngày 1/9.
Cũng tại buổi làm việc này, tỉnh Quảng Ngãi đảm bảo phương tiện đưa đón, nơi ở cho cán bộ, công nhân, viên chức từ Kon Tum về Quảng Ngãi công tác và ngược lại (dự kiến gần 1.000 người, không bao gồm các đơn vị lực lượng vũ trang); đảm bảo sắp xếp việc học cho con em cán bộ, công chức, viên chức khi theo bố mẹ về Quảng Ngãi…
Được biết, Kon Tum là tỉnh duy nhất giáp Lào và Campuchia với đường biên giới dài hơn 292 km, sở hữu vị trí chiến lực về an ninh - quốc phòng và đối ngoại. Tỉnh này rộng hơn 9.600 km2, đứng thứ 8 cả nước về diện tích, nhưng đa phần là đồi núi, địa hình chia cắt mạnh và hạ tầng chưa đồng bộ. Tỉnh có hơn 600.000 người, trong đó trên 54% là đồng bào dân tộc thiểu số, phân bố không đồng đều tại 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 102 xã. Hơn 42% dân số theo các tôn giáo.
Trong khi đó, Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên hơn 5.100 km2, dân số khoảng 1,3 triệu người, với 13 đơn vị hành chính cấp huyện và 170 cấp xã. Quảng Ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, mạnh về công nghiệp, luôn nằm trong tốp đầu cả nước về thu ngân sách, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI đầu tư, tạo nhiều việc làm. Ngoài ra, Quảng Ngãi còn có thế mạnh về du lịch biển đảo, đặc biệt là huyện đảo Lý Sơn. Tỉnh hiện có 31 cầu cảng và dự kiến nâng lên 41 trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Quảng Ngãi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sáp nhập. Hai tỉnh tiếp tục hoàn thiện đề án sáp nhập sớm nhất, đảm bảo chất lượng, thời gian...