Bão số 4 gây ngập lụt tại một số tỉnh, thành phố miền Trung

PV
Theo Cục Quản ký đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đến 17h ngày 19/9, một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung đã bị ngập lụt, chia cắt tại 77 điểm do bão số 4.
Chú thích ảnh Nước sông ở xã miền núi Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang lên và chảy xiết gây nguy cơ ngập lụt và sạt lở. Ảnh: TTXVN phát

Cụ thể, Quảng Bình sạt lở, chia cắt cục bộ một số điểm (sơ bộ gồm 10 điểm): Quốc lộ 12A sạt lở taluy dương tại Km121+950, đất đá tràn xuống mặt đường (đơn vị quản lý đường bộ đã xử lý, không tắc đường). Tại Quốc lộ 9B, ngầm Km43+700 nước ngập sâu 0,6m (tắc đường); ngầm Km41+990 ngập sâu 0,4 m (tắc đường). Đơn vị quản lý đường bộ đã bố trí rào chắn, biển cảnh báo, nhân công báo đầy đủ.

Tại Quốc lộ 15, ngầm Bùng Km562+200 nước ngập sâu 0,2m, không tắc đường. Ngầm K Ai, xã Dân Hóa (địa bàn Đồn Cha Lo) nước dâng cao khoảng 1m, người và phương tiện không qua lại được.
Ngầm CuPi, Ngầm Tà Cổ ở xãTrọng Hoá (địa bàn Đồn Ra Mai) nước dâng cao khoảng 0,5 - 0,7m người và phương tiện không qua lại được; ngầm CuPi bị xói, lở hoàn toàn. Tại cầu Cây Bươu, ngầm cầu tràn bản Lương Năng, xã Hoá Sơn (địa bàn Đồn Cà Xèng) nước ngập sâu khoảng 0,6m, người và phương tiện không qua lại được. Cầu tràn Bản Chuối xã Lâm Hóa ngập cao 2m làm chia cắt 18 hộ/91 khẩu.

Ngầm qua bản Cà Roòng 1 và bản Khe Rung xã Thượng Hóa nước ngập sâu từ 0,8 - 1m, người và phương tiện không qua lại được. Một số ngầm tràn tại các tuyến đường vào các bản bạch Đàn, Tân Ly, Xà Khía, xã Lâm Thủy; Bản Khe Giữa, Cụm Còi bản Còi Đá, xã Ngân Thủy, bản An Bai, Hà Lẹc xã Kim Thủy bị ngập sâu khoảng 1m. Hiện các đồn Biên phòng đã phối hợp chính quyền địa phương cắm biển báo, tuyên truyền người dân không qua lại khu vực nước chảy xiết.

Tại Quảng Trị, tình trạng ngập, chia cắt xảy ra tại 33 điểm gồm: tuyến Quốc Lộ được giao quản lý có 1 điểm ngập 0,4m, làm tắc giao thông. Các tuyến đường tỉnh có 4 điểm ngập từ 0,4 - 0,8m, làm chia cắt giao thông.

Huyện Đakrông có 6 điểm (cầu tràn A Ngo - A Bung; ngầm tràn Tà Rụt - A Ngo; ngầm tràn Ly Tôn; ngầm tràn thôn Làng Cát xã Đakrông; ngầm tràn khu tái định Cư xã Húc nghì; cầu tràn Ba Lòng) ngập từ 0,4 - 1,5m, làm chia cắt giao thông.

Huyện Hướng Hóa có 20 điểm ngập từ 0,3 - 1,0m, làm chia cắt giao thông. Thị xã Quảng Trị có 2 điểm là ngã 3 đường Lý Thường Kiệt - Hai Bà Trưng; đường Lý Thái Tổ, đoạn trước Thành Cổ ngập từ 0,3 - 0,5m.

Tại Đà Nẵng, đến 6h ngày 19/9 trên địa bàn thành phố hết ngập.

Về thiệt hại, tại Quảng Trị, có 1 nhà bị tốc mái do lốc xoáy, 1 điểm trường bị thiệt hại do lốc xoáy. Thiệt hại về giao thông, có 105 m3 sạt lở. Trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, hệ thống lưới điện lưới bị hư hỏng nhiều đoạn, tuyến làm mất điện. Hiện tại, địa phương đang thống kê và khắc phục để cấp điện trở lại. Thiệt hại về lâm nghiệp có một số cây xanh ở bị gãy, đổ.

Tại Thừa Thiên - Huế, vào 5h30 ngày 18/9 trên địa bàn xã Phú Hồ và Phú Xuân đã xảy ra lốc xoáy làm 1 người bị thương nhẹ đã được sơ cấp cứu tại trạm y tế Phú Hồ; tốc mái nhà, công trình phụ của 12 hộ (8 hộ Phú Hồ, 4 hộ Phú Xuân). Về thuỷ lợi, UBND huyện Quảng Điền đã huy động hơn 150 lực lượng dân quân tự vệ địa phương, người dân; xuất 20 rọ đá, 260 m3 đá hộc để gia cố 50m kè tại Hói Hàn Tổng, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền.

Đà Nẵng có 1 điểm sạt lở tường rào, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng khắc phục.

Một số tỉnh, thành phố đã tiến hành di dời, sơ tán tổng cộng 2.208 hộ/6.419 hộ. Cụ thể: Quảng Bình sơ tán 852 hộ/2995 khẩu; Quảng Trị sơ tán dân đến nơi an toàn 1.073 hộ/2.937 nhân khẩu; Thừa Thiên - Huế là 283 hộ/487 khẩu. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hiện bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.