Bảo tồn nét đẹp văn hóa ẩm thực làng nghề miến Cự Đà

Làng cổ Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội), nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 13km về phía Nam. Làng nằm bên dòng sông Nhuệ cổ kính, nổi tiếng bởi những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc cổ xưa, với nghề làm miến trứ danh; đây là nghề cổ truyền đã có lịch sử từ 400 năm, góp phần lưu giữ nét đẹp về văn hóa ẩm thực của Thủ đô Hà Nội.

Nhọc nhằn nghề miến Cự Đà

Đi theo con đường làng vẫn còn mang dáng dấp từ thuở xa xưa, như trong bộ phim tài liệu mô tả nước ta những năm 80, chúng tôi tìm đến nhà ông Vũ Văn Tuấn, sinh năm 1958, trưởng thôn Cự Đà, xã Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội). Ông Tuấn cho biết: "Làng miến Cự Đà có từ lâu đời. Không ai biết đích xác làng nghề ra đời từ năm nào, tháng nào, chỉ nghe lưu truyền qua nhiều thế hệ, làng đã có ít nhất 400 năm tuổi".

“Miến” là một loại thực phẩm quen thuộc của người dân Việt Nam từ thuở xa xưa, với những món ăn nức tiếng như miến lươn, miến ngan… hay trong các dịp Lễ, Tết cổ truyền của dân tộc, hầu như trên mâm cỗ của mọi gia đình không thể thiếu các món như miến măng, miến chân giò, nem chả. Trên khắp nước ta, từ lâu đã có rất nhiều cơ sở sản xuất miến, với nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau. Với làng Cự Đà, nguyên liệu để làm miến lấy từ bột củ dong riềng; đây là loại miến nổi tiếng, sợi miến nấu lên ăn có độ giòn, dai, hương vị thơm ngon, đậm đà.

nghe-mien-cu-da-2-15-41-53-148-1702767403.jpg
Người dân làng Cự Đà mang các tấm phên miến ra phơi nắng.

Để làm ra những sợi miến chất lượng cao, được người tiêu dùng chấp nhận, người làng Cự Đà phải bắt đầu công việc từ buổi sớm tinh sương cho tới tận chiều tối. Việc đầu tiên của họ chính là khâu lựa chọn, nhập nguyên liệu là bột củ dong riềng. Để bảo đảm cho ra loại bột ngon, có màu trắng, mịn, người làm nghề ở làng thường nhập nguyên liệu từ các vùng lân cận như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Hòa Bình… Sau bước nhập nguyên liệu là bước xử lý nguyên liệu thô, bằng cách cho bột vào bể nước ngâm sạch, thau hết tạp chất, đợi nước lắng xuống rồi lại thau lần nữa để lấy phần tinh bột. Đây là giai đoạn đòi hỏi tốn nhiều công sức, vì người thợ phải đánh bột tới khi sạch hết nhựa mới được tráng thành bánh.

Bánh đã tráng xong được trải lên các tấm phên, làm từ vỏ tre, có khả năng chống ẩm mốc và chống dính, rồi mới hấp chín, mang ra phơi nắng nhiều lần. Trong điều kiện nắng đẹp, mỗi lần phơi mất khoảng 3 tiếng đồng hồ bánh mới khô, còn thời tiết xấu như trời mưa, nồm thì thời gian kéo dài, có khi phải mất đến nhiều ngày trời. Khi bánh đã khô, người thợ cắt thành từng sợi miến nhỏ, dài rồi tiếp tục đưa ra phơi nắng. Sau khi hoàn thành đầy đủ các công đoạn, miến được đưa vào đóng gói thành sản phẩm và phân phối tới các cơ sở đặt hàng tại khắp các vùng miền trong nước lẫn nước ngoài.

Nỗi lo bảo tồn nét đẹp văn hóa ẩm thực

Theo ông Vũ Văn Tuấn, vào thời điểm cực thịnh, số lượng hộ dân làm nghề miến ở Cự Đà đạt đỉnh tới 90% trên tổng số hộ dân. Trong đó 60% các hộ là sản xuất miến thuần túy, còn lại 30% làm các ngạch liên quan đến miến như vận tải, mua bán hàng hóa. Nhưng hiện nay số lượng hộ dân theo nghề chỉ còn 10% trên tổng số khoảng 2.100 hộ. Số lượng hàng hóa sản xuất và tiêu thụ của 10% hộ dân vào giai đoạn này gấp nhiều lần so với nhiều năm trước, nhưng vẫn không thể không lo lắng khi nghề nghiệp của cha ông được truyền từ đời này sang đời khác đang mai một dần.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên xuất phát chủ yếu từ việc đất đai được Nhà nước thu hồi, dẫn tới diện tích đất làm nghề bị thu hẹp. Trong thực tế cứ một hộ làm nghề miến, phải cần tới diện tích tối thiểu từ 1.500m2 đến 2.000m2. Một nguyên nhân khác, xã hội ngày càng phát triển, đời sống công nghiệp hóa ngày càng cao, người trẻ trong làng được học hành tử tế, có kiến thức mới nên muốn đi ra ngoài học hỏi, lập nghiệp ở phương xa. Tới nay, tuy nghề làm miến ở Cự Đà đã có nhiều đổi mới, tạo được những điều kiện căn bản để phát triển kinh tế, góp phần không nhỏ vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người lao động nhưng lớp trẻ vẫn thấy đây là một công việc cũ kỹ, nhàm chán, lại đòi hỏi phải có tính kiên trì, tỉ mỉ, mất nhiều công sức nên không còn hứng thú với nghề.

mien-cu-da-vang-uom-sac-nang-03-6048-1702767655.jpg
Miến Cự Đà được tiêu thụ trên địa bàn cả nước

Ông Vũ Văn Tuấn, trưởng thôn Cự Đà, một người làm miến lâu năm tại làng. Ông Tuấn trăn trở: “Lao động trẻ hiện nay ham học hỏi, đổi mới, thích phấn đấu vào các cơ quan Nhà nước, hoặc kinh doanh riêng, thậm chí là đi học nghề khác ở ngoài rồi về quê mở cửa hàng, con đường này dễ ổn định cuộc sống mà không phải vất vả lao động tay chân như làm nghề miến. Để khuyến khích thanh niên trẻ bám nghề và phát triển nghề của cha ông là điều rất khó. Muốn nghề làm miến đạt lợi nhuận cao, người làm nghề phải đầu tư tiền của để mở rộng, nâng cấp lên mô hình xưởng sản xuất với các thiết bị tiên tiến. Hiện nay đã có một số hộ hiện đại hóa được nghề làm miến, nên vẫn duy trì được nghề truyền thống của làng nhưng để nhiều hộ dân làm nghề miến như ngày xưa là điều gần như là không thể…”.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội: Việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của các làng nghề trên khắp cả nước, luôn là chủ chương, chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo mọi điều kiện để mở rộng phát triển, trong đó có nghề làm miến ở Cự Đà. Vì vậy, người dân ở đây tin tưởng, khi có chính sách khuyến khích phát triển làng nghề đúng đắn, hợp lý, sẽ thu hút được nhiều người trẻ đầu tư vào làm nghề truyền thống.

Hiện nay, mỗi xưởng sản xuất miến tại làng nghề Cự Đà có thể cung ứng ra thị trường khoảng 20-25 tấn miến, phục vụ nhân dân. Hy vọng, trong thời gian tới, làng miến Cự Đà sẽ tạo được không khí làm việc mới, mở rộng và phát triển thêm xưởng sản xuất, làm ra nhiều sản phẩm phục vụ người tiêu dùng ở địa phương và cả nước.

---

Bài viết có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội