Bắt những đối tượng bán giống lúa “trẻ mãi không già” để lừa chiếm đoạt hơn 7,8 tỷ đồng

Cơ quan cảnh sát điều tra đã tìm ra đường dây bán giống lúa giả VST-899 trên facebook cho nông dân nhiều tỉnh, thành, chiếm đoạt số tiền 7,8 tỷ đồng.

Một số bài đăng quảng cáo của các đối tượng trên mạng xã hội facebook. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Một số bài đăng quảng cáo của các đối tượng trên mạng xã hội facebook. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an.

Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa qua đăng các bài Khốn đốn vì giống lúa 'trẻ mãi không già'và 'Lại gặp giống lúa trẻ mãi không già', phản ánh hiện tượng giống lúa giả.

Cụ thể, có nhiều bà con ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ và TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương mua giống lúa giả được quảng cáo trên mạng, khi trồng chỉ có thân chứ không có hạt, khiến cho nông dân thiệt đơn, thiệt kép khi mùa vụ bị kéo dài, không có thu hoạch. 
Sau phản ánh của Báo Nông nghiệp Việt Nam và một số báo, đài, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã lần tìm ra đường dây tinh vi này và khởi tố 7 bị can về hành vi bán giống lúa giả VST-899 trên facebook cho nông dân nhiều tỉnh, thành, chiếm đoạt số tiền 7,8 tỷ đồng.

Theo điều tra, có tất cả 3 nhóm với 7 đối tượng đều trú tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc đã dùng thóc thịt tự đóng gói, tự in nhãn mác, tự đặt tên giống lúa là VST-899 có nguồn gốc từ Nhật Bản, năng suất gấp nhiều lần lúa thường, làm giả quyết định công nhận giống của Bộ Nông nghiệp và PTNT để lừa người dân nhẹ dạ cả tin mua. Hậu quả là tiền mất, tật mang khi giống lúa này phần lớn không trỗ ra hạt được, phải cắt bỏ.

Làm giả cả Quyết định công nhận giống của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Làm giả cả Quyết định công nhận giống của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Giống lúa giả trồng ở Tân Sơn, Phú Thọ mãi không ra hạt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Giống lúa giả trồng ở Tân Sơn, Phú Thọ mãi không ra hạt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước những chứng cứ thu thập được, cơ quan cảnh sát điều tra đã quyết định khởi tố 3 nhóm đối tượng trên về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” qua mạng xã hội và khởi tố 7 bị can gồm: Nguyễn Văn Thịnh (sinh năm 1987), Trần Thị Hương (sinh năm 1987), Nguyễn Văn Đại (sinh năm 1981), Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1988), Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1986), Nguyễn Tiến Lâm (sinh năm 1988), Hà Thị Châm (sinh năm 2000), tất cả đều trú tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Bao bì của giống lúa giả VST 899. Ảnh: Trạm Trồng trọt và BVTV Tân Sơn cung cấp.

Bao bì của giống lúa giả VST 899. Ảnh: Trạm Trồng trọt và BVTV Tân Sơn cung cấp.

Khám xét khẩn cấp nơi sinh sống của các đối tượng, công an đã thu giữ nhiều công cụ, phương tiện phạm tội gồm: thóc thịt các loại, bao bì nhãn mác in chữ VST-899, máy móc đóng gói... Quá trình điều tra công an cũng xác định từ khoảng tháng 5/2023 đến nay, với những thủ đoạn giống nhau, 3 nhóm đối tượng này đã chạy quảng cáo trên mạng, thu được trên 23.000 đơn hàng thóc giống giả gửi đi các tỉnh, chiếm đoạt khoảng 7,8 tỷ đồng. Hiện công an tỉnh Thái Bình đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Với lượng đơn hàng giống lúa giả bán ra nói trên, thiệt hại cho sản xuất là rất lớn.

Qua vụ việc, cơ quan chức năng khuyến cáo bà con nông dân không mua các giống không rõ nguồn gốc quảng cáo trên mạng xã hội mà nên tìm đến những cửa hàng vật tư có uy tín, mua giống của các công ty có uy tín để đảm bảo năng suất, chất lượng cũng như bảo hành nếu xảy ra chuyện bất thường trong sản xuất.

Máy lồng bừa vùi ruộng lúa 'trẻ mãi không già' ở Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Hữu Vân.

Máy lồng bừa vùi ruộng lúa "trẻ mãi không già" ở Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: Nguyễn Hữu Vân.