Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng
Huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) là một huyện điển hình có có thế mạnh về nông nghiệp. Trong những năm gần đây, cùng với Đảng ủy, chính quyền địa phương, Hội Làm vườn, Hội Nông dân huyện đã tích cực vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hướng tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao bền vững, phù hợp với điều kiện canh tác từng vùng của huyện miền núi. Trong đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa, một số cây trồng khác, giảm diện tích cây điều kém hiệu quả, phát triển mở rộng vùng trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bưởi, xoài, mít, các loại rau trong nhà lưới tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn, VietGAP. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện mã số vùng trồng, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao.
Gia đình ông Lê Văn Tám ở xã Sùng Nhơn là một trong những hộ nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ cây tiêu kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng. Ông Tám cho biết: Trước đây gia đình trồng cây tiêu nhưng sau thời gian thấy cây tiêu thường xuyên bị bệnh dịch, giá thành không ổn định nên đã chuyển sang trồng cây sầu riêng theo hướng VietGAP. Hiện, gia đình trồng khoảng 3 ha sầu riêng, trong đó có 2 ha sầu riêng trồng được 2 năm, còn lại là 1 năm với các giống sầu riêng Thái và Musang King của Malaysia. Với đặc thù là khu vực ven núi, khí hậu, thổ nhưỡng hợp với cây sầu riêng, trong khi đó sầu riêng là giống cây phát triển nhanh từ năm thứ 4 là có thể thu hoạch trái bói. Những năm tiếp theo, sản lượng thu hoạch tăng dần, từ 50 kg/cây lên đến 2 tạ/cây, 4 tạ… nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tại các huyện Bắc Bình, Tuy Phong đã và đang thu hút được một số doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư những trang trại trồng nho, dưa lưới, thanh long, rau theo hướng công nghệ cao, hữu cơ như Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tân Đông, chủ yếu trồng các loại cây rau màu với diện tích 11 ha/6 nhà màng; Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp xây dựng thép Tiên Phong Bình Thuận trồng dưa lưới, các loại rau với 20 ha/80 nhà màng; Công ty TNHH Soleil Farm trồng dưa lưới, các loại rau với 6 ha/26 nhà màng. Ngoài ra, còn có các hộ cá nhân thực hiện đầu tư với 17 ha/162 nhà màng/30 hộ dân (trồng dưa lưới).
Hay như trang trại Bình An (Thuận Quý, Hàm Thuận Nam) với diện tích khoảng 100 ha, hiện trồng 3 loại cây chính là thanh long, nho và dưa lưới theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đáng chú ý, thời gian qua, trang trại này thu hút được khá nhiều du khách trong và ngoài tỉnh với mô hình sản xuất nông nghiệp hướng công nghệ cao, chất lượng sạch kết hợp du lịch nông nghiệp… Đây cũng là mô hình đang được một số trang trại, doanh nghiệp chú trọng.
Hiệu quả còn chưa tương xứng với tiềm lực sẵn có của địa phương
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, do điều kiện về chất lượng đất đai, nguồn nước phù hợp với các tiêu chí xây dựng các vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đặc trưng cho vùng đất khô hạn còn hạn chế. Điều kiện thiên nhiên tại Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao rất khắc nghiệt; Đất đai, thổ nhưỡng chủ yếu là đất cát, nghèo dinh dưỡng nên sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, tỉnh Bình Thuận đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trải dài trên toàn tỉnh. Trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Bình Minh đang tập trung chủ yếu trồng rau, đậu các loại và trồng hoa, cây cảnh; Cây ăn quả đặc biệt là dưa lưới, với diện tích 20 ha/100 nhà màn; Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tân Đông đang trồng các loại cây rau màu với diện tích 11 ha/6 nhà màn; Chi nhánh công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp xây dựng thép Tiên Phong Bình Thuận lại lựa chọn trồng dưa lưới, các loại rau… với diện tích 20 ha/80 nhà màn; Công ty TNHH Soleil Farm xác định dưa lưới, các loại rau… là cây chủ lực với diện tích 6 ha/26 nhà màn; Ngoài ra, còn có các hộ cá nhân thực hiện đầu tư với 17 ha/162 nhà màn/30 hộ dân (trồng dưa lưới).
Tuy nhiên, tăng trưởng ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Bình Thuận vẫn chưa thật bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp còn một số hạn chế. Việc liên kết, hợp tác sản xuất trong nông nghiệp chưa phát huy tối đa hiệu quả, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn.
Nguồn nước tưới phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thủy lợi bơm 3 cấp của tỉnh, do đó cần phải có giải pháp đầu tư lớn để dự phòng nước tưới. Cùng với đó là khả năng cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản trên thị trường chưa cao. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu. Quan trọng hơn hết vẫn là khó khăn về nguồn vốn, nhất là đầu tư trong nông nghiệp thường cần vốn lớn nên cũng là trở ngại đối với các doanh nghiệp… đã khiến ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương vẫn chưa có bước phát triển đột phá.
Từng bước tháo gỡ những rào cản
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay địa phương có 253 dự án nông nghiệp; Trong đó có 14 dự án nông nghiệp công nghệ cao. Mặc dù tỉnh chưa ban hành chính sách riêng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Bắc Bình, nhưng để mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực lớn mạnh đầu tư vào vùng Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư được hưởng các chính sách theo quy định.
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa ban hành chính sách riêng, cụ thể để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trước mắt, địa phương sẽ nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư. Bằng việc tạo điều kiện để doanh nghiệp hưởng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao sẽ được hưởng các chính sách theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Song song đó, tỉnh Bình Thuận sẽ tăng cường xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào khu vực thông qua các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư; Hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định đối với các hồ sơ đầu tư; Tăng cường đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư.
Hơn hết, tỉnh Bình Thuận sẽ lập kế hoạch kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp thực hiện liên kết với các hợp tác xã, hộ nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng phát triển hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao; Xây dựng các vùng chuyên canh kết hợp giữa sản xuất và chế biến bảo đảm số lượng, chất lượng; Hướng dẫn doanh nghiệp sơ chế và chế biến phù hợp, vệ sinh an toàn thực phẩm.