Với diện tích canh tác hàng năm lên đến trên 100.000ha, năng suất bình quân dao động từ 5,5-5,8 tấn/ha, Bình Thuận là một trong những địa phương có diện tích sản xuất lớn của cả nước.
Theo mục tiêu của kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận vừa mới ban hành, đến năm 2025, diện tích vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao của các địa phương trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 17.700ha, năng suất trên 60 tạ/ha. Trong đó, khoảng 50% diện tích liên kết, hợp đồng các doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Nổi bật mô hình “Trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương - Cánh đồng không dấu chân”
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện nay việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa chủ yếu tập trung vào khâu làm đất và thu hoạch, tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay vẫn còn thấp. Do đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình “Trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương - Cánh đồng không dấu chân” tại xã Sùng Nhơn, huyện Đức Linh nhằm giúp bà con nông dân bước đầu tiếp cận việc cơ giới đồng bộ trong sản xuất lúa. Đồng thời, sử dụng những giống lúa chất lượng cao trên một cánh đồng, hướng tới hình thành vùng lúa thương phẩm chất lượng cao tập trung; đảm bảo đầu ra ổn định cho người sản xuất thông qua việc ký kết hợp đồng.
Trong Vụ Mùa năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình trên quy mô 20 ha/53 hộ, giống lúa OM 5451. Sản xuất lúa cơ giới đồng bộ bằng máy sạ cụm, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, tưới nước ướt, khô xen kẽ; tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ghi chép nhật ký điện tử đồng ruộng… Những hộ dân tham gia mô hình này được hỗ trợ giống lúa 12 kg/1.000 m2; đã giảm được 50% - 60% lượng giống sạ so với sản xuất lúa thông thường; giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 40% - 50% so với sản xuất ngoài mô hình. Tổng chi phí cho 01 ha lúa trong ruộng thực hiện mô hình thấp hơn so với ruộng ngoài mô hình hơn 03 triệu đồng; lợi nhuận ruộng trong mô hình tăng gần 06 triệu đồng/ha so với ruộng ngoài mô hình.
Ông Ngô Thái Sơn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, qua triển khai thực hiện mô hình này nhiều hộ dân đã hiểu được trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm mới là điều kiện tiên quyết và sống còn để duy trì và phát triển. Bên cạnh đó, việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ, từ đó mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu lúa VietGAP, góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.
Kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2025
Nổi bật, đến năm 2025, toàn tỉnh xây dựng 15 mô hình trình diễn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tương đương; đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chí cánh đồng lớn tại một số vùng sản xuất lúa trọng điểm như Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong.
Bên cạnh đó, tỉnh hướng tới xây dựng 5 chuỗi liên kết sản xuất lúa theo chuỗi giá trị và khoảng 30 mô hình trình diễn thử nghiệm một số giống lúa chất lượng cao. Việc này nhằm xác định một số giống lúa có năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu đưa vào cơ cấu giống của địa phương.
Để đạt được mục tiêu đó, Bình Thuận đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất. Cụ thể, các vùng lúa chất lượng cao sẽ được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Những hộ nông dân sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra theo hướng nông dân được cung cấp đầu vào bảo đảm chất lượng với giá thấp hơn, đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn.
Theo kế hoạch trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các ngành chức năng, địa phương tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các vùng lúa chất lượng cao trong sản xuất, chế biến nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng và hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị, tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.