Nông nghiệp công nghệ cao chiếm 21,8% diện tích
Ngày 9/4, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác của Bộ đã làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về các vấn đề liên quan phát triển nông nghiệp, kinh tế của địa phương.
Báo cáo với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và đoàn công tác, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, những năm qua ngành nông nghiệp của địa phương duy trì mức tăng trưởng khá. Hiện nay toàn tỉnh có trên 328 nghìn ha diện tích canh tác, chiếm trên 36% diện tích đất nông nghiệp. Tổng diện tích gieo trồng đạt 392 nghìn ha trong đó cây hàng năm khoảng 125 nghìn ha, cây dài ngày trên 267 nghìn ha.
“Đối với tỉnh Lâm Đồng, nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) có sự phát triển vượt bậc cả về chiều rộng, lẫn chiều sâu với tổng diện tích khoảng trên 65 nghìn ha, chiếm 21,8% diện tích đất canh tác. Giá trị sản xuất bình quân các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của địa phương đạt 234 triệu đồng/ha/năm”, ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nói và cho biết thêm, địa phương đã hình thành và công nhận 8 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, và trên 1,3 nghìn ha sản xuất trồng trọt, trên 1,3 nghìn bò sữa được cấp giấy chứng nhận hữu cơ. Tỷ lệ rau quả của tỉnh qua sơ chế, chế biến đạt trên 70%, trong đó chế biến đạt khoảng 22%.
Liên quan vấn đề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay mô hình phát triển cây trồng trong nhà lưới, nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng có những tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường.
“Nhà kính nhà lưới hiện nay đã bọc quanh thành phố. Do vậy tỉnh đã xây dựng đề án để giảm nhà kính, nhà lưới mỗi năm 10%. Trong đó ưu tiên lựa chọn các loại cây trồng phù hợp”, ông Trần Văn Hiệp nói và cho biết thêm, cùng với vấn đề áp dụng nhà kính, nhà lưới thì Lâm Đồng cũng là một trong những địa phương sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều của cả nước và cũng cần phải có giải pháp.
Tại buổi làm việc, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng, Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua, đặc biệt là các mô hình NNCNC.
Theo ông Lê Đức Thịnh, NNCNC là lĩnh vực mà không phải địa phương nào cũng làm được. Do vậy để giải quyết vấn đề tiêu cực mà nhà kính, nhà lưới gây ra là nhiệm vụ của cả toàn dân, cả hệ thống chính trị.
“Như Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan từng nói, tất cả phải cùng nhau trăn trở, không vô can”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn nói và cho biết thêm: “Đà Lạt nói riêng, Lâm Đồng nói chung cần có một khái niệm cụ thể về việc Đà Lạt có phát triển nông nghiệp đô thị không? Nếu chuyển nhà kính, nhà lưới ra các khu vực khác thì có xảy ra ô nhiễm tiếp không?”.
Đối với vấn đề phát triển diện tích nhà lưới, nhà kính gây tác động tiêu cực ở Đà Lạt, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, tỉnh Lâm Đồng cần có biện pháp cải tiến hoặc chuyển giao. Đặc biệt, những mô hình không phù hợp, không hiệu quả nữa thì chuyển giao cho những khu vực khác, địa phương khác còn phù hợp.
Ông Võ Ngọc Hiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay địa phương còn một số khó khăn vướng mắc. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản có quy mô nhỏ và hầu hết sản phẩm tiêu thụ vẫn ở dạng tươi sống hoặc sơ chế. Tỷ trọng sản phẩm xuất khẩu chưa qua chế biến hoặc chế biến thô vẫn cao, tỷ lệ xuất khẩu các loại nông sản vẫn thấp. Hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn đã có sự cải thiện nhưng còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu trong phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân nông thôn. Ngoài ra việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ở địa phương còn hạn chế và hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về quỹ đất sản xuất. Cơ sở hạ tầng cho các khu quy hoạch sản xuất tập trung, khu công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ.
Cũng theo ông Võ Ngọc Hiệp, Lâm Đồng có tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp rất lớn nhưng đóng góp từ rừng cho tăng trưởng còn thấp, chiếm 0,9 - 0,95% GRDP.
Không quên người sản xuất nhỏ lẻ
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Lâm Đồng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có khu công nghệ cao rồi nhưng không được quên người sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị tỉnh Lâm Đồng cần nhìn thực tế với một cách khác, đó là tầm nhìn tích hợp, đa giá trị. Đặc biệt phải có tư duy tích hợp trong nông nghiệp và du lịch nông nghiệp. Đưa các dịch vụ về nông thôn, phổ biến đến nông dân để hồi sinh sức sống cộng đồng, kích hoạt đời sống cộng đồng, làng nghề, tạo ra những sản phẩm có giá trị.
Đối với vấn đề nhà kính hiện nay ở Đà Lạt và tình hình chung về phát triển kinh tế của Lâm Đồng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đặt vấn đề với toàn thể cán bộ, lãnh đạo địa phương: “Kết quả hiện nay tốt rồi nhưng có cách nào tốt hơn không? Còn cách tiếp cận nào khác không? Còn thay đổi nào không? Thay đổi là khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì sẽ ngày càng khó khăn”.
Ngoài các vấn đề liên quán đến nhà kính, nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế tại địa phương như nhập khẩu giống tằm phục vụ sản xuất, vấn đề phát triển kinh tế rừng, du lịch canh nông cũng được các cơ quan, đơn vị của tỉnh Lâm Đồng báo cáo đến Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan và đoàn công tác. Đối với những vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã cử đại diện các đơn vị thuộc Bộ ghi nhận ý kiến và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, thời gian tới, Lâm Đồng phải là trung tâm đổi mới, sáng tạo và kết hợp thương mại, dịch vụ ngành hàng. Địa phương phải phấn đấu để trở thành nơi bảo trợ những ý tưởng sáng tạo. Cùng với đó là tổ chức lại sản xuất, tránh manh mún nhỏ lẻ, tránh tình trạng nông sản kém chất lượng, bị thương lái ép giá. Tăng cường xây dựng hợp tác, liên kết và phát triển thị trường. Đặc biệt là tổ chức lại hệ sinh thái ngành hàng theo phương thức Nhà nước - thị trường - xã hội một cách hài hoà.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Bộ sẽ sẵn sàng cùng với Lâm Đồng trong xây dựng, phát triển kinh tế, tạo dấu ấn đặc biệt. Bộ, các cơ quan của Bộ sẽ không vô can và phải cùng ngồi lại với địa phương để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn để phát triển.