Để nhìn lại một năm “vượt gió rẽ sóng” cũng như hiểu thêm về những khó khăn, định hướng phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong năm 2024, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan xung quanh vấn đề này, nongthonvaphattrien.vn xin giới thiệu toàn văn cuộc trao đổi trên.
Chắt chiu từng cơ hội
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá, ngành nông nghiệp năm 2023 xoay chuyển tình thế rất tốt, “vượt cơn gió ngược” để đạt những kết quả khả quan. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về những “điểm sáng” của ngành nông nghiệp nước ta trong năm vừa qua?
Để “vượt cơn gió ngược”, ngành nông nghiệp đã xác định tâm thế, trước tiên là phải chắt chiu từng cơ hội, bởi vì thành tựu của ngành nông nghiệp quyết định thu nhập, sinh kế của hàng chục triệu nông dân, mọi sự đứt gãy, sụt giảm ở chừng mực nào đó sẽ dẫn đến thu nhập của người nông dân sụt giảm.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói, tất cả hoạt động của ngành nông nghiệp phải xoay quanh người nông dân, với cảm xúc và tâm thế như vậy thì mọi cơ hội đều phải được chắt chiu.
Có người nói rằng “Thành công là những người biết tìm giải pháp. Thất bại dành cho những người tìm cách biện minh”. Khó khăn vẫn còn, không phải chỉ trong năm 2023 mà sẽ tiếp tục trong năm 2024, vì thị trường luôn luôn là những điều bí ẩn, bình thường nó đã là điều bí ẩn rồi, không phải chỉ vì quy luật cung cầu tác động, mà còn do rất nhiều yếu tố, thậm chí là cả những yếu tố ngoại giao, chính trị.
Những điều khó lường vẫn còn ở phía trước, nhưng chúng ta phải xác định thị trường càng ngày càng khó tính hơn. Do đó, cần phải đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tìm ra được những thị trường ngách. Thay vì ngồi than phải cùng hợp lực để tìm ra những giải pháp, chủ động xoay chuyển được tình thế, xoay chuyển được trạng thái như Thủ tướng Chính phủ đã nhận định, ngành nông nghiệp đã “vượt cơn gió ngược” nhờ chủ động thích ứng, chủ động chuyển đổi trạng thái, khi thị trường này đóng cửa thì chúng ta mở cửa một thị trường khác, khi ngành hàng này sụt giảm thì đẩy ngành hàng khác lên thay thế.
Ngành nông nghiệp đã luôn luôn tương tác với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để cùng nhau đi. Chúng ta đã xây dựng để khuyến khích từng địa phương chủ động với các nông sản của mình, chủ động tạo ra thị trường, chủ động xúc tiến thương mại nông sản, có sự phối hợp từ Trung ương tới địa phương, từ Bộ NN-PTNT cùng Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, các bộ ngành khác cũng như với các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan tham tán thương mại ở nước ngoài… Tất cả chúng ta đã tạo ra được một hiệu ứng và bù đắp được những khó khăn.
Cùng với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội…, Chủ tịch Quốc hội hay Thủ tướng Chính phủ khi tham dự bất kỳ một cuộc ngoại giao nào, song phương hay đa phương đều là những người đã dẫn dắt cho nông sản của chúng ta tiếp cận được thị trường, mở cửa thêm nhiều thị trường.
Thành quả chung rất đáng tự hào
Riêng với xuất khẩu, dấu ấn mà ngành nông nghiệp đã gặt hái được trong năm 2023 vừa qua là gì, thưa Bộ trưởng?
Một số mặt hàng, chẳng hạn như lúa gạo, nhiều nơi trên thế giới đang đối mặt với vấn đề an ninh lương thực. Không phải ngẫu nhiên Ấn Độ dừng xuất khẩu gạo. Trong bối cảnh đầy trắc ẩn của thị trường thế giới hiện nay, với 1,4 tỷ dân, dù là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Ấn Độ vẫn phải giữ lúa gạo để đảm bảo an ninh lương thực. Như vậy thấy rằng, nhiều quốc gia đang bắt đầu đưa vấn đề an ninh lương thực quốc gia lên hàng đầu.
Trong bối cảnh đó chúng ta vẫn đảm bảo được an ninh lương thực cho 100 triệu dân và vẫn tham gia vào thị trường lương thực, thực phẩm thế giới. Chúng ta tham gia với hai ý nghĩa, một là tạo ra nguồn thu cho ngành nông nghiệp, doanh nghiệp và bà con nông dân. Hai là, chúng ta xem đây là trách nhiệm của quốc gia, trong lúc thế giới khó khăn thì Việt Nam sẵn sàng tham gia vào thị trường để giảm bớt những khó khăn đó.
Năm vừa qua, Bộ NN-PTNT đã tiếp rất nhiều đoàn nước ngoài đến để bàn về việc giúp đỡ họ trong vấn đề an ninh lương thực. Chúng ta ngồi trong nước không thể hình dung được tình hình an ninh lương thực đối với nhiều quốc gia trong bối cảnh năm 2023 vừa qua rất khó khăn. Tuy nhiên chúng ta vẫn bình tĩnh, người dân trong nước không bị những cơn sốt giá gạo hay lương thực, thực phẩm khác, đó là một thành quả chung rất đáng tự hào.
Hay những ngành hàng khác như rau củ quả, sầu riêng, cà phê, hồ tiêu… đều phát triển, dù chúng ta không phải là một quốc gia có thế mạnh, tiềm năng về đất đai nông nghiệp. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người ở Việt Nam thuộc về nhóm thấp nhất thế giới, điều đó nói lên rằng, trong một bối cảnh, thực tế như vậy, chúng ta vẫn đảm bảo an ninh lương thực cho người dân trong nước và tham gia vào hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu, đây là công sức của hàng chục triệu nông dân và doanh nghiệp.
Xuất khẩu một số mặt hàng như gạo, rau quả, sầu riêng... đã lập kỷ lục trong năm vừa qua, nhưng đâu đó vẫn còn nỗi lo về cung cầu, giá cả… Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề này?
Chúng ta đã chuyển sang cơ chế thị trường. Ngày xưa chúng ta quy hoạch mỗi năm phải sản xuất bao nhiêu lúa gạo, con gà, quả trứng… Ngày xưa trong quản lý điều hành nhà nước theo tư duy bao cấp, không gian kín, cứ tính dân số, mỗi người ăn bao nhiêu gạo, thịt, trứng… mỗi ngày thì sản xuất đúng như thế. Lúc đó nhà nước sẽ có nhiệm vụ quy hoạch để tạo ra sản lượng như vậy và Nhà nước có công cụ để thu mua lại tất cả sản lượng này bằng doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã nhà nước.
Chuyển sang cơ chế thị trường khác hoàn toàn. Chúng ta mở cửa rồi, thị trường của chúng ta là cả thế giới và chúng ta cũng là một thị trường của thế giới, thành ra chúng ta không thể biết được, không có một số liệu nào chắc chắn thế giới mỗi năm tiêu thụ như thế nào, năm nay thế này, năm sau có thể khác.
Cùng một ngành hàng xuất khẩu sang Trung Quốc là sầu riêng, Thái Lan xuất khẩu trước chúng ta nhiều thập niên rồi, Malaysia cũng thế. Chúng ta xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc thì hiện nay Trung Quốc cũng đã trồng được rồi. Chúng ta xuất khẩu xoài thì các quốc gia khác cũng đã xuất khẩu sang châu Âu. Thành ra chúng ta phải nghĩ được rằng, bây giờ quy hoạch ngành hàng không thể như xưa. Mà thay vào đó, bằng những thông tin về thị trường thông qua các doanh nghiệp - những người gần thị trường nhất, hàng năm người ta có thể thông qua các đối tác để đưa ra một khung nhất định để chúng ta hướng dẫn cho người dân sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Chúng ta vẫn xây dựng vùng nguyên liệu ở một chừng mực nào đó để ít nhất có thể đảm bảo cho tiêu dùng trong nước. Còn việc mở rộng sẽ phải tìm những con đường, thị trường, tín hiệu thị trường mà chúng ta kết nối thông qua các hiệp định song phương hoặc đa phương, hiệp định giữa ngành nông nghiệp, ngành công thương với các quốc gia khác để có thêm không gian tiêu dùng của thế giới, bên cạnh không gian tiêu thụ trong nước.
“Đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước”
Nông nghiệp xanh đã nổi lên như một xu hướng thiết thực và cần thiết trong bối cảnh môi trường đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng, vậy Bộ trưởng có thể cho biết ngành nông nghiệp nước ta sẽ triển khai như thế nào?
Đầu tiên chúng ta phải hiểu nông nghiệp xanh là gì, tại sao lại là “xanh”. Nhiều khi chúng ta nói một thuật ngữ và đi theo dòng chảy nhưng không biết giá trị. Tại sao phải phát triển nông nghiệp xanh?
Thế kỷ này là thế kỷ của nền kinh tế xanh. Nền kinh tế xanh khác với nền kinh tế nâu như thế nào? Kinh tế nâu là một nền kinh tế dựa vào tài nguyên để tạo ra của cải, nuôi dưỡng con người. Rồi sẽ làm biến dạng hệ sinh thái, môi trường tự nhiên, hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, nghĩa là một nền kinh tế đánh đổi cho cuộc sống con người hiện tại mà không để lại cho thế hệ mai sau.
Đối với nông nghiệp, tôi hay nói “một nền nông nghiệp đánh đổi” để đạt được sản lượng đó, mức tăng trưởng đó, thời gian vừa qua vô tình hay cố ý con người chúng ta đã đánh đổi, ngành nông nghiệp đã đánh đổi. Người nông dân để tăng sản lượng đã dùng nhiều biện pháp can thiệp từ bên ngoài. Tăng sản lượng bằng các loại thuốc kích thích để nhiều quả hơn, con lợn, con cá… lớn nhanh hơn. Tất cả điều đó gây ra hệ lụy về mặt môi trường. Chưa kể đến việc đánh đổi cả sức khỏe của người tiêu dùng và quan trọng là sức khỏe của chính người nông dân.
Nền nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp chuyển trạng thái lạnh, tức là làm sao nền nông nghiệp bảo vệ được môi trường, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, quan trọng là bảo vệ tầng đất, tầng nước để thế hệ con cháu chúng ta còn bao nhiêu đó đất nhưng vẫn tạo ra được của cải. Phát triển nông nghiệp bền vững nghĩa là “đừng để đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, đừng lấy đi những gì thuộc về thế hệ mai sau.
Nền nông nghiệp xanh hay nền kinh tế xanh, trong đó có nền nông nghiệp xanh chính là chúng ta sản xuất bằng những giải pháp khoa học công nghệ, chúng ta tiết kiệm hơn nhưng vẫn đảm bảo được sản lượng.
Ngày xưa những nước tiếp cận với nền kinh tế xanh người ta hay dùng thuật ngữ “Less is more - ít hơn để được nhiều hơn”, còn nền nông nghiệp của chúng ta trong thời gian vừa qua là “nhiều hơn để được nhiều hơn”.
Những mô hình nông nghiệp xanh chính là nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, những nền nông nghiệp mà có thể lấy nó nuôi nó, tạo ra nhiều sản phẩm hơn, lấy từ những phế phẩm nông nghiệp, từ rơm rạ của ngành hàng lúa gạo, của những người trồng lúa, không phải đốt đồng để tạo khí thải carbon, bây giờ rơm rạ có thể tuần hoàn để ủ phân hữu cơ, tạo ra những ngành nghề mới như trồng nấm rơm hoặc sản xuất nhiên liệu... Thành ra nông nghiệp xanh là cơ hội chứ không phải thách thức.
Như mô hình lúa - rươi ở Tứ Kỳ (Hải Dương) mà tôi vừa đi thăm. Ngày xưa bà con chỉ trồng lúa, mà trồng lúa thì phải sử dụng nhiều phân, thuốc, bây giờ đổi thành lúa - rươi. Lúa sống nhờ bã của rươi, không cần thêm phân, thuốc, như vậy tiết kiệm hơn và tuần hoàn hơn. Bà con nông dân cho hay mỗi ha lúa rươi cho thu nhập gần 600 triệu đồng. Chỉ mỗi trồng lúa không được vậy, vì vậy sản xuất lúa - rươi, lúa - cáy, lúa - tôm, lúa - cá… là những mô hình nông nghiệp xanh, không gây ra những hiệu ứng ngược để chúng ta phải đánh đổi bằng môi trường.
“Chạm” để tương tác, để chia sẻ
Có rất nhiều câu nói của Bộ trưởng đã trở thành từ khóa trong năm 2023, một trong những từ khóa quan trọng đó là “chạm”. Bộ trưởng cũng đã nhấn mạnh điều này trong kế hoạch 2024 của ngành. Vậy, Bộ trưởng muốn gửi gắm những nút "chạm" nào để đi sâu, đi trúng hơn, từ đó đưa ngành nông nghiệp nước ta tiếp cận với các mục tiêu tăng trưởng mới?
“Chạm” là một từ khóa, nói dễ hiểu hơn là mình chạm vào một thiết bị công nghệ nào đó để tìm kiếm thông tin, nắm bắt diễn biến hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành hàng, rồi thiên tai, bão lũ, động đất, mùa vụ… “Chạm” là một khái niệm tương tác, từ tương tác đó mới đến kết nối.
Ngành nông nghiệp có đặc thù mang tính chất liên ngành. Nông nghiệp không chỉ dừng lại ở sản xuất mà còn có chế biến, thương mại, thị trường, kết nối thành một chuỗi ngành hàng. Trong chuỗi ngành hàng đó, có những nhà khoa học, viện, trường, doanh nghiệp, người nông dân… Mỗi cái là một nút “chạm” để tương tác, để chia sẻ.
Ngành nông nghiệp lại có đặc thù từ Trung ương tới địa phương, chạm để tương tác với xã hội, với các tầng lớp trong các ngành chuyên môn từ Trung ương, xuống tỉnh, huyện, xã, thậm chí tới tận thôn, bản, nhất là một hệ sinh thái ngành hàng mà hai chủ thể quan trọng nhất là người nông dân và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thì chạm để kết nối được cái đó. Nếu hệ sinh thái không bền vững thì ngành nông nghiệp sẽ không bền vững. Chỉ khi nào hệ sinh thái cùng một mục tiêu, nhận thức và hành động thì lúc đó ngành nông nghiệp sẽ phát triển bền vững.
Bên cạnh những thành tựu của ngành nông nghiệp năm 2023 vẫn có điều gì đó đứt gẫy trong hệ sinh thái này. Mối hợp tác giữa nông dân với nông dân trong một vùng nguyên liệu, trong một hợp tác xã đôi khi không được bền chặt lắm. Mối liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với thương lái, doanh nghiệp đôi lúc cũng không được gắn bó chặt chẽ. Đây là những nút thắt chúng ta “chạm” để kết nối lại, “chạm” để tương tác, để kết nối các thành phần trong hệ sinh thái ngành hàng lại với nhau, để rồi nhất quán chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị, chuyển từ một nền nông nghiệp nâu sang nền nông nghiệp xanh.
Việc chuyển đổi này có rất nhiều cái mới, khác với những gì chúng ta nghĩ trong suốt quá khứ. Quá khứ chúng ta chỉ có một mục tiêu duy nhất là tạo ra sản lượng nhiều nhất và cứ nghĩ rằng sản lượng nhiều đồng nghĩa với sự phát triển, đồng nghĩa với thu nhập của người nông dân. Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường, điều đó đôi khi không phải là như vậy, được mùa, sản lượng nhiều nhưng đôi khi lại bị mất giá, đó là một “lời nguyền”.
Cho nên chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy giá trị đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của tất cả chủ thể, từ người nông dân cho tới doanh nghiệp và sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học với mục đích tạo ra giá trị gia tăng trong từng nút của chuỗi giá trị ngành hàng, từ giống, quy trình canh tác, thu hoạch, sau thu hoạch, sơ chế, chế biến, bao bì, đóng gói, phân phối thị trường... Lúc đó một cái “chạm” là để khơi gợi, “chạm” để mang lại sự đồng nhất, thống nhất của mọi thành phần trong chuỗi ngành hàng đó.
Để đưa ngành nông nghiệp Việt Nam bứt phá hơn nữa trong năm 2024, chúng ta sẽ có những định hướng như thế nào, thưa Bộ trưởng?
2024 là năm mà Bộ NN-PTNT được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đó là mục tiêu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước.
Từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta sẽ mở rộng ra các vùng trồng lúa khác của Việt Nam; từ ngành hàng lúa gạo sẽ chuyển sang ngành hàng khác như thủy sản, chăn nuôi… gắn với tăng trưởng nông nghiệp xanh.
Với chiến lược mà Thủ tướng rất tâm huyết và đã kết nối được với rất nhiều nhà tài trợ quốc tế để hỗ trợ chúng ta định vị lại ngành hàng lúa gạo nhằm thay đổi toàn bộ nhận thức của người nông dân trồng lúa rằng, bằng giải pháp khoa học công nghệ có thể có thể tiết kiệm hơn mà vẫn đạt được sản lượng tốt hơn, chất lượng hạt gạo tốt hơn và chúng ta chứng minh với thế giới rằng, đó là hạt gạo xanh.
Thông điệp của Festival lúa gạo Hậu Giang 2023 vừa qua là “Gạo xanh - Sống lành”, bởi hạt gạo đó được sản xuất trong một quy trình canh tác không phát thải carbon và một ngành hàng lúa gạo sẽ tuần hoàn từ phụ phẩm, rơm rạ, trấu, tro… biến thành những sản phẩm khác. Người nông dân trồng lúa vừa được hưởng thành quả từ hạt gạo, vừa bán được tín chỉ carbon, vừa tham gia tạo ra những sản phẩm từ phụ phẩm của ngành hàng lúa gạo, nó sẽ tạo ra hiệu ứng cho nông nghiệp và nông thôn, cho kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn.
Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” là một bước thí nghiệm đầu tiên để chúng ta thay đổi toàn bộ ngành nông nghiệp, hướng tới nông nghiệp xanh.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
“Quá khứ chúng ta chỉ có một mục tiêu duy nhất là tạo ra sản lượng nhiều nhất và cứ nghĩ rằng sản lượng nhiều đồng nghĩa với sự phát triển, đồng nghĩa với thu nhập của người nông dân. Tuy nhiên trong nền kinh tế thị trường, điều đó đôi khi không phải là như vậy, được mùa nhưng đôi khi lại bị mất giá, đó là một lời nguyền”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói.