Tháng 12/2023, người dân xóm Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình) vui mừng được công nhận Làng nghề miến dong truyền thống. Đây là làng nghề đầu tiên của huyện được UBND tỉnh công nhận. Bà Nguyễn Thị Hiền, người làm miến dong lâu đời ở xóm Phja Đén cho biết: Thành Công là xã có nghề truyền thống sản xuất miến dong, số hộ tham gia làm miến dong ngày càng nhiều. Năm 2015, cả xã có 35 hộ, đến năm 2019 tăng lên 97 hộ sản xuất miến. Sản lượng miến không ngừng tăng cao qua các năm, từ 35 tấn (năm 2015) tăng lên gần 200 tấn (năm 2023). Sản phẩm miến dong Phja Đén của xã được đăng ký và cấp nhãn hiệu, tuy nhiên việc bảo vệ thương hiệu chưa tốt, nhiều nơi lợi dụng nhãn hiệu miến dong Phja Đén để sản xuất hàng giả, làm mất uy tín sản phẩm truyền thống của địa phương. Việc được công nhận là làng nghề truyền thống sẽ giúp người dân nơi đây phát huy giá trị văn hóa, nâng cao giá trị sản phẩm gắn liền với phát triển dịch vụ - du lịch, gắn hoạt động sản xuất của làng nghề với các hoạt động du lịch - dịch vụ, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng,...
Cũng là một trong những địa phương giữ gìn được nhiều nghề truyền thống lâu đời, Quảng Hòa có các nghề: làm đường phên, nghề rèn, nghề làm hương, nghề làm giấy bản, đan lát, làm ngói máng… tập trung ở các xã Phúc Sen, Tự Do, thị trấn Hòa Thuận… Trong những năm qua, bên cạnh tập trung sản xuất nông nghiệp, huyện quan tâm duy trì, phát triển nghề truyền thống, trong đó nhiều hộ thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn, góp phần tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Các làng nghề huy động được nguồn lực trong dân, sử dụng tài nguyên sẵn có tại địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc, thu hẹp khoảng cách, mức sống giữa các vùng. Vì vậy, trong thời gian tới, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương đầu tư cho ngành nghề, làng nghề thông qua các chương trình khuyến công, hỗ trợ dạy nghề, vốn chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, huyện quan tâm xây dựng hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường. Xây dựng, quảng bá hình ảnh làng nghề, du lịch làng nghề bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử của huyện, trên Website của các ban, ngành và địa phương. Tích cực tham gia chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh, quốc gia nhằm quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường cho sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề.
Nghề đan lát ở xã Tự Do (Quảng Hòa).
Làng nghề, ngành nghề nông thôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Việc phát triển ngành nghề nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội ở nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, thu hút được nguồn lực xã hội để phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, khôi phục và phát triển nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống.
Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Nông Chí Kiên cho biết: Phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, lãnh đạo các huyện, xã, phường, thị trấn, đặc biệt là vai trò của các sở, ngành tham gia vào công nhận làng nghề, đánh giá, phân hạng sản phẩm. Qua đó, các địa phương nhận thấy rõ hơn tiềm năng, thế mạnh để có những giải pháp phù hợp nhằm phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn gắn với sản phẩm OCOP, đặc biệt là bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề ở nông thôn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 làng nghề được công nhận gồm: Làng nghề rèn Phúc Sen, Làng nghề hương Phja Thắp, Làng nghề giấy bản Quốc Dân, xã Phúc Sen, Làng nghề đường phên Bó Tờ, thị trấn Hòa Thuận, Làng nghề nón lá Hoàng Diệu, xóm Hoàng Diệu, xã Tự Do, Làng nghề ngói đất nung xóm Lũng Rì, xã Tự Do (Quảng Hòa); Làng nghề làm hương thảo mộc Nà Kéo, xã Trường Hà (Hà Quảng); Làng miến dong Phja Đén, xã Thành Công (Nguyên Bình); đã có hơn 100 sản phẩm của các cơ sở ngành nghề nông thôn được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 - 4 sao, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Mỗi năm doanh thu từ các làng nghề trên 30 tỷ đồng.
Việc phát triển các làng nghề ở nông thôn bền vững sẽ tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Qua đó, tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố làm thuê, thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời, bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.