Câu chuyện về khoáng sản và tài nguyên nước

Nhân có người hỏi về chuyện khoáng sản ở Việt Nam, tôi nhớ lại ngay từ năm 2014 đã có cuộc trao đổi với người bạn Phạm Quang Khải xung quanh vấn đề nói trên. Anh Khải cho biết có nhà khoa học đầu ngành có uy tín khẳng định hàm lượng quặng sắt ở bô xít Tây Nguyên chỉ khoảng 20%, không đến 30% như Tô Văn Trường viết trong bài “Nói lấy được”? Tôi không biết nhà khoa học đầu ngành ấy, lấy số liệu ở đâu, trên cơ sở nào?

Trong toán học, để đánh giá độ khó (độ phức tạp) của các bài toán, người ta chia các bài toán làm hai loại: Loại thứ nhất gồm những bài toán mà người ta có thể tìm ra thuật toán giải với thời gian giải tăng tương đối chậm theo kích cỡ (size) của bài toán, nôm na kích cỡ bài toán là số biến của nó, cụ thể nếu kích cỡ là n thì thời gian tính chỉ là một đa thức nào đó theo n (chẳng hạn n bình phương, n lập phương, vv...). Loại thứ hai gồm những bài toán chỉ có thể giải được với thuật toán mà thời gian giải tăng theo hàm mũ của kích cỡ n (chẳng hạn 2 mũ n). Loại sau này gọi là NP[1]hard. Vì tăng theo hàm mũ là tăng cực nhanh như 2 mũ 64 đã là con số cực kỳ lớn, lớn hơn rất nhiều so với 64 bình phương, cho nên nói nôm na NP-hard có thể hiểu là cực khó. Tôi thuộc típ người theo trường phái hướng giải cho bài toán NP hard nói trên.

Nên nhớ rằng theo công thức hóa học, phân tử lượng của Fe2O3 = 56 x 2 + 16 x 3 = 160. Như vậy tỷ lệ sắt so với oxit sắt là hơn 2/3 (cứ 3 phần Fe2O3 thì có hơn 2 phần Fe). Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng (nguyên thứ trưởng Bộ KHCN) đưa ra con số tỷ lệ Fe2O3 trong quặng là 48-53%, nếu đúng vây thì tỷ lệ sắt trong quặng phải là hơn 35%. Có thể hiểu tỷ lệ quặng chứa hơn 30% sắt là thuộc loại kém, còn nếu tỷ lệ sắt chiếm đến hơn 50% thì chắc đúng là trung bình. Tiến sĩ Lạng có sự nhầm lẫn latérite là quặng. Người có chuyên môn về địa chất, thổ nhưỡng ai cũng biết nó là đá ong - sản phẩm của quá trình tích lũy tuyệt đối Fe & Al. Ngoài 2 nguyên tố này còn đáng kể Mn, và cả các keo hữu cơ, khoáng bị kết tủa cố kết lại với nhau. Vì thế hàm lượng Fe không cao như vậy.

Phát biểu của TS Lạng dù sao cũng còn khôn ngoan hơn nhiều so với bản kiến nghị của Hội khoa học công nghệ Mỏ gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước về dự án bô xít, đúng là “làm lấy được, nói lấy được”. Về khoản này thì tục ngữ xưa đã có câu "cố đấm ăn sôi, sôi lại hẩm / cầm bằng làm mướn, mướn không công”. Đây là cách ví von như kiểu các cụ bà ngày xưa nhai trầu bỏm bẻm mà "lời mẹ mẻ nói, chẳng điều nào sứt !

Rà soát trong thực tế, khá nhiều, những đề án, kiến nghị, đề tài “chế tạo xe đạp” được triển khai theo kiểu “đục nước béo cò” của những tiến sĩ giấy núp danh khoa học thật chán hơn con gián. Nếu mà ‘mổ xẻ” lĩnh vực khoa học xã hội càng buồn hơn về hiệu quả sử dụng tiền thuế của dân trong các nghiên cứu thực thi dự án, đề tài, nghị quyết vv… làm xong dù lú lẫn cũng còn biết cất “bỏ vào tủ” để tránh bị thiên hạ “ném đá”! (Ngay năm 2024 đọc đề tài tiến sĩ của nhà sư Thích Chân Quang được hội đồng chấm luận án ca ngợi như trên mây, mà phát hãi)!

Theo tôi biết anh Nguyễn Văn Lạng vốn là Ks. Lâm nghiệp, làm việc ở Tây nguyên rồi lên làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc lắc. Trong thời gian này anh Lạng làm luận văn cao học rồi làm Luận án Tiến sỹ. Luận án Tiến sỹ về đề tài “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng huyện Cư-jut” được bảo vệ sau khi đã chuyển ra Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ KHCN. Anh Lạng không có chuyên môn sâu về nội dung phỏng vấn. Việc trả lời như vậy chỉ thêm nhiễu thông tin!

Xin gửi lại bản Final “Nói lấy được” (File kèm theo) viết theo đặt bài của báo “Một thế giới” để những người quan tâm tham khảo.

Theo tìm hiểu của tôi về thuế tài nguyên khoáng sản đúng là nhiều nơi thu không đủ chi. Các mỏ khoáng sản của ta nhiều nhưng ít mỏ lớn, trừ vài thứ như than Quảng Ninh còn khá nhưng lại nằm rải rác từ Phả Lại đến Mông Dương (nhưng so với thế giới cũng không lớn). Trữ lượng than Đồng bằng sông Hồng thí đáng kể hơn nhưng còn nằm im, không biết đến bao giờ do các nguyên nhân tác động đến môi trường và hiệu quả kinh tế . Ti tan cũng nhiều nhưng nẳm rải rác ở các tỉnh ven biển Miền Trung. Bauxite Tây Nguyên thì đã nói đến nhiều rồi. Đá vôi cũng nhiều, nhưng nằm rải rác khắp vùng núi miền Bắc và Miền Trung. Còn các mỏ kim loại thì đều nhỏ, trữ lương không có bao nhiêu (trừ săt Thạch Khê còn đáng kể, nhưng so với thế giới cũng chẳng nghĩa lí gì) và nằm rải rác ở các tỉnh Miền núi phía Bắc và phần nào Miền Trung.

Tâm lí lãnh đạo VN từ trung ương đến địa phương phần lớn đều là chỉ muốn "ăn sẵn", đào tài nguyên này đem bán. Phân cấp quản lí lại tràn lan. Các tỉnh có mỏ đều nghèo, dễ nhất là đem bán.

Riêng về than, có ví dụ điển hình như đối với mỏ hầm lò thuế chỉ có 1%, mỏ lộ thiên thì 2% (không biết bây giờ có nâng lên không), lại so với sản lượng! (Lẽ ra phải tính theo trữ lượng để hạn chế tổn thất (tránh dễ ăn thì lấy, khó một chút thì bỏ). Khi ta nhượng quyền khai thác mỏ than Uông Thượng cho Indonesia thì thu của họ 10%!? Không biết đến bao giờ thì các cấp lãnh đao nhà ta mới tỉnh ngộ? Nếu để người khai thác tự đề nghị thì chỉ là ảo tưởng hay nói cách khác vừa đá bóng vừa thổi còi hay kiểu mẹ hát, con khen hay như kiến nghị của Hội KHCN mỏ về dự án bô xit Tây Nguyên.

Tôi nhận được lời mời đi Nigeria (chắc phải khước từ vì công việc quá tải và thú thực cũng sợ Ebola). Lúc này lại nhớ đến đất nước Sierra Leone đang chịu khổ nạn về Ebola, mặc dù tài nguyên khoáng sản rất giầu có nhưng vẫn nghèo rớt mùng tơi do quan trí và dân trí đều có vấn đề. Năm 2007, Gs Võ Tòng Xuân “rủ rê” mời tôi cùng đi Sierra Leone làm từ thiện giúp bạn thí điểm trồng lúa và làm thủy lợi theo lời mời của tiến sỹ Sama Monde Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực. Gs Xuân có việc phải về nước sớm, tôi với doanh nhân Đặng Minh Sơn ở lại tiếp tục làm việc, đi chợ mua máy bơm, sửa đường kênh làm bè nổi đến khi nước chảy vào cánh đồng lúa thí điểm nghe người dân, kể cả chị em phụ nữ, con gái ngực để trần, vú căng tròn hay còn nhú đều nhảy múa reo hò vui sướng, cảm động đến rớt nước mắt vì tận mắt nhìn thấy thành quả đưa nước vào đồng ruộng.

anh-chup-man-hinh-2024-07-01-182558-1719833224.png

Ảnh Tô Văn Trường đang chỉ dẫn về công việc ở đồng ruộng theo thiết kế

Đúng ngày lên đường về nước nhận điện thoại từ văn phòng Tổng thống mời đến gặp Phó tổng thống Solomon Berawa, tôi phải xin lỗi khước từ vì không thể thay đổi kế hoạch. Thủ đô của Siera Leone hàng đêm chỉ có điện 1/3 khu vực, đến 9 giờ đêm thì cúp, thắp đèn dầu. Sân bay, hải quan khám bằng tay và hỏi xin tiền lẻ của khách rất tự nhiên, dễ thương. Ai mà lỡ chuyến bay chỉ có mà méo mặt không biết lúc nào mới có đường ra vv...

Viết đến đây, tôi lại nhớ đến anh bạn doanh nhân Đặng Minh Sơn (tốt nghiệp đại học Bách khoa TP.HCM) đã bỏ tiền túi hơn 100 nghìn đô la giúp nước bạn Siere Leone san mặt bằng ruộng, mua máy cày, máy bơm, làm kênh, thuê công nhân vv… Làm từ thiện, không quảng bá, không vụ lợi như Sơn thật là hiếm trong thời buổi nhiễu nhương.

Nghĩ đến chuyện nợ công, nợ xấu liên hệ đến việc khai thác tài nguyên, và ngay cả chuyện định giá đấu thầu bô xít Tây Nguyên, lại thêm buồn, đúng là nỗi buồn này chẳng phải của riêng ai.