Cây gạo trồng trong chum, có dáng rơi, chiếu thủy của Hòa 'taxi'

Tại cuộc triển lãm sinh vật cảnh ở Hà Nội hồi giữa tháng ba, nhiều người đứng thành vòng tròn bên một cây gạo dáng thế rất lạ, lúc đó đang chớm vài cái nụ.

Thân lao vào vách đá mà vẫn có ngoi ra để sống

Và tình cờ tôi đã gặp được cả chủ nhân mới lẫn chủ nhân cũ của nó ở đây để nghe họ kể về tông tích cũng như thú chơi này. Ông Nguyễn Văn Ngọ - chủ Nhà vườn Sinh thái Đầm Bạc (Thạch Thất, Hà Nội) thuật lại: “Tôi thấy nó mọc trên một vách đá trong rừng ở tỉnh Hòa Bình, khi thân lao vào vách đá bị chùn lại nhưng cái cây vẫn cố ngoi ra để mà sống. Thấy cái dáng rơi, chiếu thủy của nó đẹp quá tôi mới cho người đánh về trồng.

Cái cây có mấy cành, vô tình một lần đem đi triển lãm sinh vật cảnh ở tỉnh Vĩnh Phúc bị gãy một cành, thấy xấu nên tôi mới bán cho ông Hòa "taxi” cách đây hơn 3 năm, rẻ lắm có hơn 50 triệu thôi. Nếu nó không bị gãy cành thì ông Hòa "taxi” cũng không đủ tiền mà mua cây này đâu, giờ thì nó trị giá nhiều tiền lắm rồi!”.

Nhiều người say mê ngắm cây gạo của Hòa taxi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhiều người say mê ngắm cây gạo của Hòa taxi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng theo ông Ngọ, thú chơi cây gạo xuất hiện tại Việt Nam đã trên dưới 20 năm nay, cây đầu tiên là của anh Sử Trường Sơn (nguyên phóng viên của Báo Quân đội nhân dân - PV), có dáng trực, phong lưu với nhiều cành tỏa ra: “Năm 2007, tôi vẫn nhớ đã gạ mua một cây gạo nhỏ của anh Sử Trường Sơn, trả giá 50 triệu rồi nhưng anh ấy không bán…Sau đó mới đến những cây gạo bên Trung Quốc tràn về, chúng cũng có hoa nhưng thân mịn chứ không xù xì, cổ kính như gạo của ta nên không được ưa chuộng bằng.

Tôi đã từng bán một cây gạo giá 400 triệu, một cây nữa dáng trực, rất to cao, phải dùng cẩu mới di chuyển được, đang phát giá 500 triệu. Việc định giá là của nhà vườn còn có chấp nhận với giá đó hay không lại là chuyện của khách. Trong vườn tôi ngoài gạo ra, có những cây loại khác giá trị còn nhiều tỉ đồng, trong đó có cây song long thập toàn, đang phát giá 10 tỉ đồng nhưng người ta trả thì vô cùng lắm, mới trả cao nhất là 4 tỉ thôi...”

Ông Nguyễn Văn Ngọ - chủ nhân cũ của cây gạo cũng mang đến triển lãm những loại cây khác rất độc đáo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Văn Ngọ - chủ nhân cũ của cây gạo cũng mang đến triển lãm những loại cây khác rất độc đáo. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Trước đây, gạo thường được trồng đầu làng, đầu đình, là cây tâm linh hay là cây đánh dấu quê hương. Người ta cứ bảo “Thần cây đa. Ma cây gạo. Cú cáo cây đề” nhưng cây đa, cây đề lại có nhiều người chơi. Ngoài thiên nhiên có cây gì thì người ta thu nhỏ lại để chơi trong nhà, trừ những cây lấy ở đình, chùa ra, còn mang cây vào đình chùa thì lại được”. Ông Nguyễn Văn Ngọ - chủ Nhà vườn Sinh thái Đầm Bạc (Thạch Thất, Hà Nội).

Chơi cây để chữa bệnh tinh thần

Trở lại với chuyện Hòa "taxi”- tức Lại Quang Phúc chủ nhân mới của cái cây, ông này kể: “Khi ông Ngọ nói giá đó, tôi thấy dáng thế mới giật mình, mua luôn dù nó đang bị gãy một cành chính. Cái cây được tôi đặt tên là "ngọc thực" bởi ngày xưa đói, gạo ăn các cụ rất quý thường gọi là ngọc thực. Quan niệm “gạo có ma, đa có thần” nhưng đó là những cây to ở trong nhân gian, những cây trồng ở đầu làng, đầu đình. Còn trong việc chơi sinh vật cảnh tuy vẫn là cây gạo, cây đa ấy nhưng chỉ dáng thế nhỏ, dạng bon sai, người ta lại có suy nghĩ khác, cây gạo lúc đó tượng trưng cho sự no ấm.

Tôi thèm có một cây gạo cách đây khoảng 17 năm rồi, lúc festival cây cảnh lần thứ nhất tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, có cây dáng trực, ra hoa rất đẹp. Lúc đó người ta đã đòi 50 triệu nhưng tôi trả 35 triệu mà họ không bán. Về sau, tôi cứ nuôi ước mộng có một cây gạo bởi vì là người đam mê cây cảnh.

Cây gạo dáng độc đáo của ông Hòa 'taxi'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cây gạo dáng độc đáo của ông Hòa "taxi”. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đây là cây gạo thứ hai tôi mua, cây đầu tiên tôi bán cho anh “Thọ nhựa” (Nguyễn Gia Thọ - Chủ nhiệm HTX nhựa Song Long - một người rất đam mê cây cảnh) 19 triệu, sau đó lại được bán cho một nhà vườn khác. Dù nó rất già nhưng thực sự đến giờ này vẫn chưa có hoa nên tôi khẳng định đó không phải là cây gạo. Bởi vì, trong dân gian hiện có hai loại cây rất giống nhau từ hình dáng, thân lá đến gai nhưng không phải hễ có gai đã là gạo mà có thể là cây sắn rừng.

Khi tôi mua cây gạo thứ hai này, có người bạn cũng là dân chơi cây cảnh mới thách rằng: “Nếu mà cái cây này nở hoa tôi sẽ trả ông 1 tỉ” vì ông ta cho rằng đó là cây sắn rừng. Dù cậng lá của cây này màu xanh, còn cậng lá của cây sắn rừng màu tím, nhưng lúc đó do các tay của cây chưa già lắm nên đầu óc tôi vẫn nghĩ là nó có vấn đề. Ba năm chăm sóc mà chưa thấy hoa đâu cả, có người khuyên tôi nên dùng thân cây này để ghép cây gạo vào nhưng đùng cái, chưa kịp thực hiện thì đã nảy ra một cái nụ. Tôi mới nghĩ nó là hoa gạo rồi, không cần ghép nữa, giờ cây lại có thêm mấy cái nụ này, chỉ mấy ngày nữa, trước lúc bế mạc triển lãm, chúng sẽ nở. Một khi đã nở thì năm sau cây sẽ còn cho nhiều hoa hơn.

Đến bây giờ thì tôi đã cảm thấy mãn nguyện rồi bởi cây gạo phần lớn là thế trực, mọc thẳng lên từ đất và rất to lớn, còn cây này của tôi dáng thế của nó là trời định, trời sinh chứ không ai có thể làm ra được. 50 năm sau, 100 năm sau cũng không có cây thứ hai. Tôi muốn nuôi dưỡng nó thêm để sang năm cái cành to gấp đôi, cân xứng với cái thân, cái gốc rồi mua một cái chum cổ, bé hơn để đưa vào là toại nguyện. Tiền thì ai cũng thích nhưng tôi muốn có một tác phẩm để đời cho anh em chơi cây cùng có cái mà ngắm”…

Ông Hòa 'taxi'say mê giới thiệu với khách về nguồn gốc, dáng thế của cây gạo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Hòa "taxi”say mê giới thiệu với khách về nguồn gốc, dáng thế của cây gạo. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Gạo cảnh cũng có nhiều cây nhưng nếu không có dáng đẹp đặc biệt thì tôi cũng chẳng muốn khoe ra đâu, quan trọng là chất lượng chứ không phải là số lượng”, ông "Hòa taxi".

Cũng theo ông, dù sinh ra, lớn lên và lập nghiệp ở Bắc Ninh nhưng hiện nay lại đang có vườn cây cảnh ở thị trấn Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. “Tôi là chủ taxi Hòa Thành, hãng taxi đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh nên người ta mới gọi là Hòa "taxi”, giờ nó vẫn còn nhưng đã thuộc sở hữu của người khác. Một khi bước vào thú đam mê cây cảnh, tham vọng sẽ bớt đi, không nghĩ đến chuyện ngày mai phải là ông chủ, kiếm được bao nhiêu tiền nữa đâu.

Khi chuyển về Văn Giang, Hưng Yên sinh sống, gặp ông Nguyễn Văn Thoan (hay còn gọi là “Thoan bò” vì có nghề mổ bò - PV) tôi chỉ nói rằng: “Em ạ, em có bệnh tiểu đường với lại trầm cảm, em vào cây cảnh đi để có một tinh thần tốt”. Và ông ấy về sau trở thành một người chơi cây cảnh có tiếng, từng nhiều lần nói với anh em rằng bệnh trầm cảm của mình khỏi cũng là nhờ chơi cây.

Xưa, kinh tế của tôi còn gấp nhiều lần so với bây giờ, hồi từ năm 2000 trở ra, nói đến “Hòa taxi” ở tỉnh Bắc Ninh là nhiều người biết, trong tay tôi đã có đôi ba triệu đô la Mỹ rồi. Con người ta có kẻ rủi, người may, tình cảm riêng tư từng khiến tôi suy nghĩ đến mức bị trầm cảm nhưng khi bước vào chơi cây cảnh kể từ năm 2002, để có được ngày hôm nay, tôi phải cảm ơn nó. Không phải được về tiền, mà là được về tinh thần thanh thản.

Sau hơn 10 ngày triển lãm, cuối cùng cây gạo cũng nở hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau hơn 10 ngày triển lãm, cuối cùng cây gạo cũng nở hoa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chơi cây cảnh tự nhiên người ta bằng lòng với cuộc sống, dù hôm nay tôi không mua được cái cây này của anh thì thèm lắm nhưng khi đã mua được rồi lại rất vô tư. Tôi mua cây gạo này có mấy chục triệu thôi nhưng vừa rồi có bảo với anh Ngọ (chủ nhân cũ của cái cây - PV) rằng nếu anh giờ có trả 500 triệu cũng không bao giờ bán. Đó không phải là chuyện giá cả nữa mà nó là tâm huyết, chỉ lúc nào khi thấy để trao đổi một thứ nào khác thì mới tính đến...

Ngày 13/7/2020 tôi đã bán một cây duối đẹp vào loại nhất Việt Nam, với giá khá rẻ nhưng sau đó mua được mảnh đất, giờ đất đã có giá gấp 3,5 lần. Ngày 6/8/2021 tôi bán một cây sanh dáng độc long kim cương, rồi mua cái nhà ở Vinhome Ocean park, đồng thời mua một mảnh đất ở Bắc Ninh sau mấy tháng bán giá gần gấp đôi. Tất cả những cái cây đó tôi bán đi vì muốn thay đổi cuộc sống nhưng sau này lại nghĩ, tiền chỉ là một vấn đề thôi, một khi trong tâm cảm thấy thanh bình, mọi chuyện khác sẽ không màng đến nữa”.