CCB. Nguyễn Vân Hậu: Ký ức người lính sư đoàn 304 (kỳ 6)

Nongthonvaphattrien - Kỳ 6: Tổ quốc trong trái tim người lính: Nơi chiến trường xa, nỗi nhớ Tổ quốc cứ cồn cào, bâng khuâng đến khó tả, ngự trị trên hết trong trái tim mỗi người chứ không phải là nổi nhớ người thân, gia đình. Ai cũng muốn được trở về nơi nào đó, miễn rằng ở đó là đất nước mình, có đồng bào mình, nghe tiếng nói của người Việt mình, thế là mãn nguyện rồi.

 

Bâng khuâng nỗi nhớ

Đã hơn một tháng vào sinh ra tử trên chiến trường K, trải qua nhiều trận đánh, những chiến sĩ mới hơn một tuổi quân như chúng tôi có vẻ đã khá dạn dày trận mạc. Cho đến bây giờ, tôi vẫn rất ấn tượng với hình ảnh những đồng đội tôi tay lăm lăm súng, dũng cảm tiến lên phía trước. Khói thuốc súng quện với bụi bặm lâu ngày không được tắm rửa khiến cho khuôn mặt ai cũng đen nhẻm; từ xa, chỉ còn nhận ra nhau bằng đôi mắt và hình dáng.

Bọn lính Pol Pôt và chế độ Khmer Đỏ ở Campuchia hung bạo, tàn ác là thế nhưng khi bị ta đánh đòn tổng lực, phủ đầu, chúng thất thủ và tan rã chỉ trong vòng chưa đầy 8 ngày. Chiến dịch mở màn ngày 31-12-1978 thì đến ngày 7-1-1979 Thủ đô PhnomPenh đã được giải phóng.

ccb1-1651766013.jpg
Tác giả ở chiến trường K, tháng 2-1979. Lúc này được trang bị mũ vải mềm, không mang sao, cùng sát cánh chiến đấu với quân Cách mạng Campuchia.

Tàn quân địch từ chỗ bị đánh tan tác bắt đầu tập hợp lại, tăng cường hoạt động du kích, phục kích dọc các tuyến giao thông đi qua rừng núi; tập kích phá hoại cầu đường và các điểm chốt của bộ đội ta.

Sau những ngày hành quân truy quét địch, khẩu đội 12ly7 của tôi và một tiểu đội bộ binh hành quân hơn 10 km nhận nhiệm vụ đóng chốt bảo vệ cây cầu Toek Sab trên Quốc lộ 4 nối thủ đô PhnomPenh với cảng Sihanoukville, cạnh đó là phum Smach Daeng. Đây là nơi đóng quân khá lâu, vì thế, chúng tôi có dịp tiếp xúc với vài người dân. Lúc đầu họ e dè, nhưng dần dà rồi họ rất quý bộ đội Việt Nam. Chúng tôi cũng hạn chế tiếp xúc vì ngôn ngữ bất đồng, mặt khác, phải cảnh giác vì biết đâu trong số đó có bọn Khmer Đỏ trà trộn.

Anh em cứ ngỡ là đóng chốt bảo vệ chiếc cầu sẽ được gần sông Prek Toek Sab, tắm giặt thoải mái, nhưng khi múc nước dội thử thì con sông này toàn nước mặn. Chúng tôi may mắn tìm được một giếng nước ngọt nằm cạnh một kho đạn cũ của địch, cách chốt vài trăm mét. Cứ một hai ngày, anh em thay nhau canh gác để đi lấy nước đựng vào các thùng đạn đem về dùng.

Từng ngày chậm chạp trôi qua nơi chiến trường xa Tổ quốc, khi mặt trời đỏ lòm sắp lặn sau dãy núi, bóng chiều tà man mác và hoàng hôn dần buông, mỗi chúng tôi ai cũng bồn chồn trong lòng nhớ về đất mẹ, nổi nhớ cứ cồn cào, quay quắt, bâng khuâng đến khó tả. Ai cũng nhận ra rằng, nỗi nhớ Tổ quốc ngự trị trên hết trong trái tim mỗi người chứ không phải là nỗi nhớ người thân, gia đình. Ai cũng muốn được trở về nơi nào đó, miễn rằng ở đó là đất nước mình, có đồng bào mình, nghe tiếng nói của người Việt mình, thế là đã mãn nguyện rồi.

Bữa liên hoan nhớ đời

Là một chốt độc lập tiền tiêu, chúng tôi phân công nhau tự nấu ăn hàng ngày với những bữa cơm đạm bạc, nuốt khó trôi vì chỉ có muối và bột canh được hậu cần cấp phát. Thi thoảng, anh em đi hái được ít rau tàu bay, rau má, nhưng những thứ đó rồi cũng cạn kiệt, phải đi xa, tiềm ẩn nguy hiểm vì bọn Pôn Pốt gài mìn, phục kích hoặc bắn tỉa, không thể đánh đổi mạng sống được.

Có hôm đơn vị đi truy quét địch ngang qua các phum, sóc (xóm, làng) không một bóng người; chỉ có hàng đàn heo, gà, vịt cứ quấn lấy chân lính vì chúng đói ăn lâu ngày. Tuy vậy, chúng tôi được quán triệt trước khi sang Campuchia rằng: Chúng ta là bộ đội Cụ Hồ, chiến đẩu đánh đuổi bọn giặc Pôn Pốt – Ieng Sary xâm lấn để bảo vệ nhân dân; đồng thời, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả giúp nước bạn khỏi họa diệt chủng, không ai được đụng đến bất cứ thứ tài sản gì của dân, cho dù chỉ là “cái kim, sợi chỉ”, chiến lợi phẩm thu được phải báo cáo và nộp lên trên. Lính ta tuy thèm được một bữa ăn có thịt nhưng không dám vì vi phạm kỷ luật chiến trường sẽ bị xử lý rất nặng. Ấy thế, nên có lần Dũng - cùng khẩu đội tôi – thấy một con bê con không may bị dính chặt vào mảng nhựa đường như keo dính chuột đã lấy nước dội rồi cứu nó ra, không ai nghĩ đến sẽ giết thịt nó.

ccb2-1651766074.jpg
Gia đình các CCB Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 chiến đấu ở chiến trường K 1979 gặp lại năm 2019 nhân 40 năm chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam (Tác giả đứng thứ tư từ phải sang).

Chúng tôi nghe kể lại, khi đóng quân gần sân bay quân sự Shihanouk (nay là sân bay quốc tế) khu vực ngã ba quốc lộ 4 đi cảng Sihanoukville và cảng quân sự Ream, thấy lính khổ, có lần một sĩ quan hậu cần trung đoàn quyết định để lính bắn một con heo để cải thiện bữa ăn cho bộ đội. Không may, khi “anh nuôi” vừa đem con heo bị giết vào bếp chuẩn bị làm thịt thì tình cờ Thủ trưởng Sư đoàn đi kiểm tra chiến trường phát hiện được. Lập tức đồng chí sĩ quan hậu cần bị vệ binh bắt giải về giao cho Quân pháp xử lý, nghe đâu bị giáng cấp; còn con heo kia bị buộc phải đem chôn, tiêu hủy.

Quá thèm thực phẩm tươi sống, khẩu đội tôi bàn nhau cử 2 người ra cánh đồng hoang gần đó bắt cá, vừa an toàn, không sợ vấp phải mìn, vừa không vi phạm kỷ luật chiến trường; nhưng đi cả buổi, người lấm lem, cá thì nhiều mà chẳng bắt được con nào. Hôm sau, anh em đánh quả liều đem theo lựu đạn cho nổ ở một đoạn kênh, cá chết nổi trắng mặt nước, vớt được gần một bao tải mấy chục kg vác về chốt. Cá lóc (miền Trung quê tôi gọi là cá tràu, mỗi con từ 0,5kg – 1kg) thì chặt khúc và luộc, đầu cá thì nấu cháo, số còn lại đem phơi khô để giành.

Chiều hôm đó, cả khẩu đội rất vui được một bữa liên hoan cơm với thực đơn cá lóc luộc chấm muối hột, bữa ăn ngon nhất kể từ ngày bước vào chiến dịch. Nói là liên hoan nhưng cũng như mọi lần, nồi cơm, cá để ở khu vực bếp Hoàng Cầm, mỗi người tuần tự đến lấy một bát sắt cơm, một khúc cá, ít muối và bột canh đựng vào 1 chiếc lá cây rồi đem về vị trí tác chiến của mình trên chốt thưởng thức, không được ngồi tụ tập, đề phòng địch pháo kích hoặc tập kích vào lúc chiều chạng vạng tối. Đến đêm, ai còn đói thì ăn thêm cháo đầu cá lóc ngon tuyệt. Đó là một bữa liên hoan nhớ đời.