CCB.Nguyễn Vân Hậu: Ký ức người lính Sư đoàn 304 (Kỳ 10 – Hết Phần 1)

Đầu tháng 3-1979, các sư đoàn, lữ đoàn thuộc Quân đoàn 2, Quân đoàn 3 của ta từ K rút về nước rồi hành quân thần tốc bằng nhiều phương tiện: Máy bay, tàu biển, tàu hỏa, ô tô ra chi viện cho mặt trận biên giới phía Bắc.

Kỳ 10: Cuộc hành quân thần tốc từ Nam ra Bắc.

Đặt chân lên mảnh đất của Tổ quốc

Con tàu mang tên Sông Bé băng băng theo hải trình trên biển rộng bao la. Lần đầu tiên đi biển nên ai cũng cảm thấy thật thú vị, tranh nhau lên boong đón bình minh và xem đàn cá heo tung tăng, nhào lộn.

Tàu lắc lư theo từng cơn sóng, đến ngày thứ hai thì tôi bị say sóng, đi đứng loạng choạng, nhiều người nằm bẹp không buồn gượng dậy.

Sau 2 đêm và gần 2 ngày, chiều 7-3-1979, tàu vào cửa biển Vũng Tàu, một người đồng đội reo lên:

- Đến đất liền rồi anh em ơi!

Chúng tôi chạy lên boong, phóng tầm mắt nhìn ra 2 bên bờ sông cho thỏa nổi nhớ bao ngày xa Tổ quốc, lòng thầm thổn thức: - Đất Mẹ thân yêu ơi, chúng con đã về!

Tàu di chuyển chậm, mãi gần 7 giờ tối mới cập cảng Sài Gòn, chúng tôi ai nấy đều xúc động khi đặt chân lên mảnh đất của Tổ quốc. Đoàn xe quân sự băng qua phố phường Thành phố Hồ Chí Minh tấp nập, lộng lẫy về đêm. Người dân đứng 2 bên đường, tay vẫy chào những người con vừa đi xa trở về, có người hỏi với theo:

- Nam Zang (Phnom Pênh) zề hả !

- Vâng!...Dạ!... Mấy chiến sĩ đứng trên xe mui trần vừa đưa tay vẫy, vừa nhao nhao trả lời các cô chú bên dưới, giọng miền Bắc có, miền Trung có.

q1-1653129226.jpg
Tác giả lần đầu đến Hà Nội tháng 3-1979. Ảnh chụp tại TT Gia Lâm, Hà Nội.

Đêm đó, chúng tôi ngủ lại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất trong tiếng gầm rú của máy bay cất hạ cánh suốt đêm. Nằm trên một chiếc bàn dài chập ngủ chờn, tôi cảm giác như người đang bị nhồi lên, nhồi xuống theo từng cơn sóng biển. Sực tỉnh giấc, tôi muốn tìm một mảnh giấy và cây bút để viết thư báo tin cho gia đình biết mình đã trở về, thế nhưng không kiếm đâu ra được, đành chịu, vì có lệnh tập trung chuẩn bị lên máy bay.  

Lần đầu đến Hà Nội 

Chuyến bay trưa 8-3-1979 hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, đó là lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân đến Thủ đô Hà Nội yêu dấu, nơi mà sau này, tôi nhiều lần trở lại học tập, công tác với biết bao kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời. Tôi tranh thủ xin giấy viết thư về báo tin cho gia đình, không quên ghi mấy dòng nhật ký, như một thói quen.

q4-1653129501.jpg
Đơn vị tôi đổ quân ở sân bay Gia Lâm ngày 8-3-1979 trong cuộc không vận lớn nhất lịch sử QĐNDVN từ Nam ra Bắc.

9.3.79. Đêm qua ngủ 1 giấc ngon ngoại thành Hà Nội - Sống trong gia đình mẹ Chữ (xã Gia Thụy) được mẹ chăm sóc đùm bọc như những đứa con ruột thịt. Còn tôi, từ ngày bước vào bộ đội hôm nay mới được sống những ngày vui thế này. Niềm vui hiếm có của đời lính. Ngày mai sẽ là nơi biên cương, chiến trận. 

10.3.79. Hôm nay là ngày cuối cùng ở thôn Sài Đồng (Gia Thụy, Gia Lâm). Buổi chia tay với gia đình thật quyến luyến, chúng tôi cứ đứng tần ngần, chần chừ mãi tôi mới bước ra sau cùng.

Khoảng 9 giờ tối thì chúng tôi chia tay gia đình mẹ Chữ, hành quân bộ sang Ga Yên Viên (Gia Lâm), nơi đoàn tàu quân sự đang chờ sẳn.

11-3-1979. Hơn 2 giờ sáng, đoàn tàu xình xịch chuyển bánh lao đi trong đêm. Tôi căng mắt nhìn ra cửa sổ con tàu, thấp thoáng những ngôi nhà, làng mạc, cánh đồng… tất cả đang chìm trong giấc ngủ. Chúng tôi đi bước vào trận mới, giữ cho những giấc ngủ bình yên. Suy nghĩ miên man rồi tôi ngủ thiếp đi tự lúc nào, cho đến khi toa tàu giật khục và tiếng còi tàu hụ một hồi dài. Trời tờ mờ sáng, tàu đến ga Đồng Quang (Thái Nguyên) và dừng hẳn.

Thái Nguyên – Lạng Sơn và tình người hậu phương

q2-1653129243.jpg
Nhật ký của tác giả ghi dọc đường hành quân  từ chiến trường K về nước, ra biên giới phía Bắc.

Người dân thành phố Thái Nguyên thức giấc, ngạc nhiên thấy đầy sắc áo xanh bộ đội với những khuôn mặt đen sạm của đoàn quân từ chiến trường K vừa trở về. Đơn vị tôi tập kết ở một khu đất rộng gần ga Đồng Quang, rồi lên xe hành quân qua thành phố giữa rừng tay vẫy chào, giữa những lời chan chứa yêu thương, ngọt ngào và cả lời trêu chọc đáng yêu của nam nữ sinh viên, thanh niên thành phố tiễn đưa người lính ra mặt trận.

- Em yêu các anh bộ đội! Yêu nhất cái anh đen đen kia kìa !

- Anh cũng yêu em! Cho anh hôn một cái em gì xinh đẹp ơi!

- Anh bộ đội ơi, xuống bế em lên xe theo với!

- ...

Lính ta cũng chẳng phải vừa, tranh nhau đối đáp, với tay chạm vào tay các cô gái đứng vẫy chào bên dưới, như muốn mang theo chút tình người hậu phương ra chiến trận.

Đoàn xe nối tiếp nhau, những gói quà bất ngờ được trao vội khi xe đang chạy, có khi là túi mận, gói xôi, gói khoai mì của mấy cô gái nhịn ăn sáng, hay mấy điếu thuốc lá của các chàng trai … Trong số đó, có một gói quà gói bằng giấy báo cũ được đưa lên, một anh lính trên xe chở trung đội tôi vươn người chụp vội đã làm rơi xuống đường, gói quà bung ra mới thấy toàn là sách. Những người tặng nhìn theo với ánh mắt trách móc, tưởng chúng tôi từ chối không nhận quà … Xe không thể dừng, chúng tôi chỉ biết nhìn bóng người tiễn đưa xa dần, tự trách mình vì đã phụ lòng người tặng.

Hôm sau, đơn vị tạm dừng đóng quân ở một bản thuộc huyện Bắc Sơn (Lạn Sơn), cả trung đội băn khoăn khi nhắc chuyện gói quà, quyết định giao cho tôi viết một bức thư gửi nhờ Báo Tiền Phong chuyển lời cảm ơn đến các bạn thanh niên, sinh viên Thái Nguyên và xin lỗi vì thiếu cẩn thận nên đã làm rơi, lấm bẩn bùn đất. Bức thư chẳng biết có được đăng báo hay không, vì thời đó, một tờ báo còn hiếm thấy hơn cả chiếc smartphone bây giờ. Dù biết rằng những người lính năm xưa và những người tặng quà đều đã già, nhưng tôi vẫn cầu mong họ đọc được những dòng tâm sự này để thông cảm cho chúng tôi.

Đoàn xe quân sự tiếp tục đưa đơn vị tôi tiếp cận mặt trận Lạng Sơn, chiếm lĩnh trận địa, chuẩn bị cho cuộc phản công toàn tuyến biên giới phía Bắc đánh đuổi giặc Tàu xâm lược.

q3-1653129263.jpg
Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 hành quân từ Thái Nguyên mang theo tình người hậu phương  ra mặt trận - tháng 3-1979

Trước khi khép lại Phần 1 “Ký ức người lính Sư đoàn 304”, tôi gọi hàng trăm cuộc điện thoại về Hội Cựu chiến binh và UBND các xã để hỏi tìm những người đồng đội cùng khẩu đội 12ly7 của tôi năm xưa. Ngoài Thọ, Chung (Thanh Hóa) vẫn giữ liên lạc, Tôn (cùng quê, đã mất), tôi đã tìm được thêm Tạ Văn Dũng, Liễn (nay Vĩnh Linh, Quảng Trị). Đặc biệt, tôi đã gặp qua điện thoại hàng giờ với khẩu đội trưởng Vũ Quang Cảnh người chỉ huy dũng cảm, gan dạ (đã bị thương trong chiến đấu)  gần 45 năm qua tôi quyết tâm tìm cho bằng được; mừng vui biết anh ấy bây giờ  chủ một trang trại VAC, có cuộc sống ổn định nơi quê nhà Ninh Giang, Hải Dương.

 

Tuy vậy, tôi vẫn canh cánh trong lòng vì còn 3 người cùng khẩu đội đã sát cánh cùng tôi trên chiến trường K nay bặt tin; đó là Ánh, Ba ở huyện Gia Lâm (Hà Nội), là Minh ở Tuyên Hóa (Quảng Bình). Mong sao các anh ấy khỏe mạnh và đọc được những dòng này để chúng tôi có cơ duyên gặp lại nhau./.

(Phần 2: Ký ức người lính Sư đoàn 304 nơi biên cương phía Bắc.) 

Hoa Van

Hoa Van

10:28 23/05/2022

Bài ký 10 kỳ của tác giả khá ấn tượng, cảm ơn tác giả và tạp chí Nông nghiệp ngông thôn