CCB.Nguyễn Vân Hậu: Ký ức người lính Sư đoàn 304 (Kỳ 9)

17/05/2022 20:28

Chúng tôi là những người lính tình nguyện Việt Nam giúp Nhân dân Campuchia trở về Tổ quốc đợt đầu tiên. Nhiều đơn vị vẫn đang ở lại với cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt để ngăn chặn Khmer Đỏ quay trở lại. Đến ngày 25-9-1989, những người lính tình nguyện Việt Nam cuối cùng hoàn thành nghĩa vụ quốc tế mới rời khỏi đất nước Chùa Tháp. Cũng phải 10 năm ròng rã, bằng một nửa thời gian của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chứ có ít ỏi gì.

Kỳ 9: Di sản “Bộ đội Cụ Hồ” ở xứ Chùa Tháp.

“Đoàn quân nhà Phật” ngày trở về.

Người dân Campuchia gọi quân tình nguyện Việt Nam, “Bộ đội Cụ Hồ” là “Đoàn quân nhà Phật”, họ đã hoàn thành 4 mục tiêu đặt ra khi ấy: (1) Bảo vệ  Tổ quốc khỏi họa xâm lăng và xóa bỏ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, cứu nhân dân Campuchia. (2) Không để cho Khmer Đỏ quay trở lại. (3) Phải cắt đứt được mọi nguồn tài trợ nước ngoài cho Khmer Đỏ. (4) Giúp bạn thực hiện sự nghiệp xây dựng đất nước mình. 

f1-1652793742.jpg
Quân tình nguyện Việt Nam ngày trở về năm 1989 để lại di sản hòa bình cho đất nước Chùa Tháp.

Một người đồng đội đàn anh của tôi chiến đấu gần 10 năm ở K - anh Quốc Minh, đăm chiêu nói rằng: Nhìn bức ảnh chụp đồng đội hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, rút quân về nước với gương mặt đanh sắc lại mà thắt lòng! Có người hỏi vì sao họ không cười vui với khúc khải hoàn ca khi chiến thắng trở về?

Vì sao ư? Vì họ nhớ hàng ngàn đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường K và nhiều anh em không toàn vẹn thân thể còn nằm lại rãi rác trong những cánh rừng Khộp ở Tà Sanh, Pailin (Battambang, cực tây Campuchia) 6 tháng không một hạt mưa, đầy lũ sói hoang. Nhà thơ Vương Trọng, năm 1984 trong một lần đi thực tế ở chiến trường Battambang đã phải nghẹn ngào:

“Mưa chỉ nằm trong chiêm bao

Mưa chỉ nằm trong trang cổ tích”

                                                      (Tà Sanh, Thơ Vương Trọng).

Vì sao ư? Vì họ nhớ những lúc nhiều đồng đội chết khát trong rừng Khộp mùa thay lá, đi mấy ngày không một giọt nước, gùi nước khó hơn gùi đạn, trận đánh không thành, chiến binh lã đi vì không có nước.

 

“Ai từng qua cơn khát khô môi,

Khát khô môi là bắt đầu cơn khát

Bạn tôi khát đến khi không nói được

... Bạn tôi khát đến khi không đi được

Nằm nhìn trời mà tưởng nhớ đến dòng sông

Ước một cây chuối rừng

Bập răng vào nhai cho thoả thích

Nhắc nhìn trời cầu mong một cơn mưa”...

                                                            (Tà Sanh, thơ Vương Trọng).

Vì sao ư? Vì họ nghĩ về hàng ngàn đồng đội phải mang thương tích, tất cả anh em còn rất trẻ, trở về đời thường chỉ với chiếc ba lô đựng bộ quân phục cũ, ít tiền phụ cấp phục viên, xuất ngũ, bộn bề lao vào lo toan cuộc sống.

f2-1652793759.jpg
Tác giả ngày trở về Tổ quốc từ chiến trường K-Tháng 3-1979.

Vì sao ư? Vì đất nước còn nghèo, lòng kiêu hãnh và tự trọng của người lính không cho phép họ kêu ca, phàn nàn kẻo mang tiếng “công thần’, “kiêu binh”! Có biết bao cán bộ, chiến sĩ từ thời chống Pháp đến chống Mỹ, dù cuộc sống đạm bạc họ vẫn giữ khí tiết, sống liêm khiết như một tấm gương cho đời đó thôi!

Vì sao ư? Vì họ là “Bộ đội Cụ Hồ”.

Quyết định sáng suốt và di sản vĩ đại

Ngẫm lại, nếu chế độ Khmer Đỏ cầm quyền ở Campuchia lúc bấy giờ không đụng đến đất nước Việt Nam chúng tôi, không bắn giết dân tôi thì chắc chắn chúng tôi không phải cầm súng, hy sinh và chúng cũng không bị trừng trị. Và biết đâu, cho đến lúc này, chúng vẫn đang tồn tại.

Thật khâm phục tài thao lược và binh pháp của những nhà quân sự và lãnh đạo cách mạng 2 nước Việt Nam, Campuchia, họ đã quyết định tuyên chiến với chế độ Khmer Đỏ do Trung Quốc, Mỹ và nhiều nước khác hậu thuẫn. Đó quả là một quyết định rất sáng suốt, bản lĩnh và vô cùng vĩ đại.

Sự vĩ đại không chỉ là lời ca tụng mà được minh chứng bằng việc đánh tan giặc Khmer Đỏ, đánh cho chúng biến khỏi trái đất, giữ yên bờ cõi; bằng di sản mà quân tình nguyện Việt Nam để lại cho Nhân dân xứ Chùa Tháp là nền hòa bình, ổn định và vĩnh viễn không còn bóng ma Khmer Đỏ diệt chủng tàn bạo. Thật hiếm trên thế giới có một quân đội nào làm được như thế với tinh thần trượng nghĩa.

Chân lý nào mấy ai dễ nhận ra. Mãi 40 năm sau, ngày 16-11-2018, Tòa án quốc tế (ECCC) đã tuyên án: Chế độ Khmer Đỏ phạm tội ác "diệt chủng" trong thời gian cầm quyền từ năm 1975 – 1978; xử tù chung thân 2 cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ là Nuon Chea và Khieu Samphan. Với phán quyết đó, lương tri loài người đã trả lại công lý cho những người lính chúng tôi và cho Nhân dân Việt Nam. Lời phán quyết tuy muộn màng, nhưng khiến những kẻ giả nhân, giả nghĩa hổ thẹn với lương tâm, không dám nói lời xin lỗi Việt Nam cho hợp với văn hóa nhân loại yêu chuộng hòa bình.

Hơn 4 thập kỷ trôi qua, ký ức tự hào của người lính luôn là động lực để những cựu chiến binh chúng tôi biết sống và sống sao cho xứng đáng với những đồng đội đã không may mắn được trở về!

f3-1652793783.jpg
Đồng làng quê miền biên viễn thanh bình ở  Đức Huệ, Long An và cột mốc biên giới hữu nghị trên cánh đồng (Nhìn từ đường tuần tra biên giới)

Tôi luôn mong có dịp trở lại thăm chiến trường xưa. Mãi cuối tháng 10-2018, trong một chuyến công tác về Đức Huệ (Long An), tôi được anh em HĐND, UBND huyện Đức Huệ và Đồn biên phòng Mỹ Quý Tây đưa đi tham quan một vòng trên đường tuần tra dọc biên giới hữu nghị và các casino trên đất bạn. Nhìn cánh đồng thẳng cánh cò bay đang mùa ngập nước, nhìn cột mốc chủ quyền biên giới hữu nghị cắm ngay trên các mảnh ruộng và cảnh làng quê biên giới thanh bình, người dân 2 nước chung sống thân thiện như anh em một nhà, lòng tôi bổng thấy lâng lâng cảm xúc tự hào. Tự hào vì mình và đồng đội đã nối tiếp truyền thống cha anh, giữ yên bờ cõi, đem lại hòa bình cho người dân nước bạn; bảo vệ, xây đắp nên tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia như ngày nay./.

 

Kỳ 10: Cuộc hành quân thần tốc từ Nam ra Bắc.

CCB.Nguyễn Vân Hậu
Bạn đang đọc bài viết "CCB.Nguyễn Vân Hậu: Ký ức người lính Sư đoàn 304 (Kỳ 9)" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309