Cha tôi Đào Duy Anh

13/04/2024 20:52

Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của ông Đào Duy Anh, có lẽ tôi là người có điều kiện nhất để viết về các kỉ niệm có liên quan đến ông, để hiểu con người của ông.

Cha tôi sinh ra trong một gia đình trí thức nhỏ ở nông thôn, ông nội tôi Đào Đình Diệp làm đề lại ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Ông tôi mất sớm, bà nội tôi tần tảo buôn bán để nuôi gia đình, khá đông người. Cũng vì vậy nên cha tôi phải đi làm sớm để kiếm tiền nuôi các em ăn học. Ông tôi có bảy người con với bà nội tôi.

Cha tôi bắt đầu học chữ Hán, sau mới chuyển sang học chữ quốc ngữ. Sau khi đã học xong tiểu học ở Thanh Hóa, ông vào Huế, thi vào trường Quốc học. Năm 1923, học xong Cao đẳng tiểu học, đi làm giáo viên ở Đồng Hới để kiếm tiền nuôi các em ăn học. Từ đấy bắt đầu cuộc đời tự lập và tạo nên sự nghiệp của mình.

Năm 1925, ông thôi dạy học định vào Sài Gòn làm báo. Đi qua Huế gặp cụ Phan Bội Châu và qua Đà Nẵng gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông quyết định ở lại miền Trung, hoạt động trong Đảng Tân Việt cách mạng, cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng lập tờ báo Tiếng Dân và làm trợ bút. Tờ báo Tiếng Dân là tờ báo đầu tiên xuất bản ở Trung Kì.

Trong thời gian chuẩn bị ra báo, ông vào Sài Gòn tìm mua sách báo tiến bộ của Pháp và Trung Quốc. Về Huế, ông lập ra Nhà xuất bản Quan Hải tùng thư để xuất bản các cuốn sách nhỏ nhằm phổ biến các kiến thức về khoa học xã hội cho thanh niên hồi bấy giờ. Từ các sách báo của các nhà nhân văn Pháp của thế kỉ Ánh sáng, sách về chủ nghĩa Mác của Nhà xuất bản Xã hội do những người cộng sản Pháp gửi sang qua thủy thủ tàu viễn dương, các sách về triết học và văn hóa phương Đông của Trung Quốc, ông đã cùng các bạn soạn và dịch các cuốn sách nhỏ về khoa học xã hội nhằm giới thiệu cho trí thức trẻ nước ta các kiến thức về khoa học xã hội. Sau này nhiều nhà cách mạng đã cho biết đã được giác ngộ cách mạng qua các sách này. Tất cả ra được mười ba cuốn cho đến lúc cha tôi bị bắt. Với công việc này, cha tôi bắt đầu bước vào sự nghiệp nghiên cứu mà sau này ông cống hiến cả cuộc đời.

Cũng trong thời gian này, ông tham gia Đảng Tân Việt cách mạng là một đảng yêu nước có xu hướng tiến bộ của trí thức miền Trung. Chính đảng này đã đào tạo cho Đảng Cộng sản một thế hệ các nhà cách mạng sau này tham gia Đảng Cộng sản. Ông được cử giữ chức Tổng bí thư đảng. Vào năm 1929, ông bị Pháp bắt cùng với người đồng chí sau này là mẹ tôi. Sau thời gian ở tù, ông quyết định thôi hoạt động chính trị để tập trung vào công việc nghiên cứu khoa học. Quyết định này ông đã giữ suốt cả cuộc đời của mình, ngay cả sau khi cách mạng thành công.

Trong thời gian tham gia đảng Tân Việt, ông đã gặp mẹ tôi là con một gia đình quan lại ở Huế. Ông nội của mẹ tôi là cụ Trần Tiễn Thành, là một trong những quan đầu triều của vua Tự Đức, sau được cử làm Phụ chính của vua trẻ, sau khi vua Tự Đức qua đời. Ông ngoại tôi là Trần Tiễn Hối, đã thi đậu đầu xứ, làm đến chức Tổng đốc An Tĩnh. Mẹ tôi là học sinh trường nữ học Đồng Khánh Huế. Sau khi học xong được giữ lại làm giáo viên. Bà đã kí tên xin trả tự do cho cụ Phan Bội Châu và tham gia truy điệu cụ Phan Chu Trinh nên bị thôi việc. Bà đã tham gia thành lập hội nữ công với cụ Đạm Phương là mẹ của nhà báo Hải Triều và đã lập tờ báo Phụ nữ tùng san, là tờ báo phụ nữ đầu tiên của miền Trung. Sau khi lấy cha tôi, bà đã buôn bán, lập trường tư thục nữ để giúp đỡ ông về mặt kinh tế và giúp đỡ nhiều trong việc nghiên cứu của cha tôi.

Việc tham gia hoạt động chính trị này đã tạo ra cho gia đình chúng tôi một truyền thống gia đình cách mạng: tôi có ba người chú, tham gia các phong trào cách mạng, bị bắt đi tù ở Côn Đảo, đến sau đảo chính Nhật mới được về tham gia cách mạng và kháng chiến. Một người cô cũng tham gia cách mạng bị giam ở Huế, sau làm cán bộ phụ nữ; một thím và một chú rể tham gia hoạt động cách mạng, đã cống hiến suốt đời cho sự nghiệp này.

*
*    *

Lúc tôi đã bắt đầu hiểu biết, tôi thấy cha tôi làm việc suốt ngày. Nếu không phải đi dạy học ở các trường tư thục như trường Phú Xuân, trường Thuận Hóa, trường Thiên Hựu (Providence) thì ông ngồi làm việc suốt ngày trong phòng làm việc. Ông rất nghiêm khắc, vì vậy ba anh em chúng tôi rất sợ ông mà chỉ gần gũi nhiều với mẹ chúng tôi.

Gia đình chúng tôi rất đông, ngoài gia đình nhỏ còn có các chú, cô, một số bà con từ Thanh Hóa và con các bạn của cha tôi đến học ở Huế. Cha tôi rất nghiêm do đấy cả nhà rất sợ ông. Tuy vậy, trong giờ ăn cả nhà hội họp bàn các chuyện thời sự, mở mang nhiều kiến thức cho chúng tôi.

Trong các lúc rảnh rỗi sau bữa ăn tối, bao giờ cha tôi cũng dành thời gian hỏi về tình hình học tập của chúng tôi, theo dõi rất sát. Ông rất chú ý đến việc giáo dục tôi. Tôi bắt đầu đi học ở trường nữ tu sĩ Jeanne d’Arc, một trường dạy tốt nhất ở Huế bấy giờ. Ở trường này chỉ học tiếng Pháp mà không học tiếng Việt. Tiếng Việt tôi học ở nhà do mẹ tôi dạy. Sau hai năm học ở trường Pháp, tôi được chuyển về học lớp ba ở trường Nữ giáo do mẹ tôi thành lập để dạy nữ sinh miền Trung đến học ở Huế. Hai năm sau, tôi vào học ở trường Thiên Hựu là trường do các cha cố Công giáo dạy. Học ở trường này ba năm thì chuyển về học ở trường Quốc học. Ở trường này tôi học ban cổ điển, chỉ học tiếng Pháp, tiếng La-tinh và tiếng Anh. Do đấy cha tôi đã tổ chức cho tôi học tiếng Việt với các học sinh sống trong nhà và thuê thầy đồ dạy tôi học chữ Hán. Tất cả sự giáo dục này được tính toán một cách toàn diện nhằm đào tạo một người làm việc nghiên cứu sau này. Chính sự chuẩn bị đó sau này đã giúp tôi trong việc học tập và làm việc.

Tuy vậy trong việc giáo dục, cha tôi còn chú ý đến cả việc tham gia hoạt động xã hội. Từ năm sáu tuổi, tôi tham gia vào tổ chức Hướng đạo sinh, lúc đầu là Sói con, sau là Thiếu sinh, hội họp và cắm trại, học nhiều điều có ích trong cuộc sống sau này. Vì vậy ngay từ nhỏ tôi đã biết nấu ăn, may vá, làm công việc thủ công, hoạt động xã hội, làm việc từ thiện. Tôi còn được cùng cha tôi và các bạn của ông tham gia đi du lịch, thăm các danh lam thắng cảnh vùng Huế và các tỉnh miền Trung. Trong các cuộc đi chơi này tôi được nghe các cuộc thảo luận về lịch sử, văn hóa giữa các nhà nghiên cứu, bắt đầu học thói quen nghiên cứu.

Các bạn thân nhất của cha tôi là ông Bùi Ái, người Hà Tĩnh, cậu của ông Cù Huy Cận, là một nhà phiêu lưu đã từng đi Nga, đi Pháp. Lúc nhà tôi không còn là trường học nữa, ông thuê nhà của nhà tôi. Thường ông kể chuyện cho chúng tôi nghe về các nước ông đã đi, mở rộng tầm nhìn của chúng tôi về nhiều vấn đề.

Ông Tôn Quang Phiệt là hiệu trưởng trường Thuận Hóa cũng có thời kì ở chung với nhà tôi. Ông Phiệt là bạn hoạt động Tân Việt của cha tôi, sau thôi hoạt động chính trị về lập trường dạy học cùng cha tôi. Sau này ông hoạt động chính trị trở lại, làm chủ tịch tỉnh Thừa Thiên, rồi làm chủ tịch Quốc hội của nước ta.

Ông Nguyễn Thiệu Lâu là một nhà địa lí, tốt nghiệp ở Pháp, làm việc ở Viện Viễn đông Bác cổ ở Hà Nội, vào Huế nghiên cứu về địa lí lịch sử, từng ở nhà tôi. Ông đã cùng cha tôi đi du lịch nhiều nơi, có lúc tôi được đi theo, nghe các ông trao đổi nhiều vấn đề. Chính việc cộng tác với ông Nguyễn Thiệu Lâu đã giúp cha tôi sau này viết cuốn Lịch sử Việt Nam qua các đời.

Ông Nguyễn Đỗ Cung, họa sĩ từ Hà Nội, đã có thời gian vào Huế dạy học ở trọ nhà tôi. Ông đã dạy tôi vẽ, kể nhiều chuyện về hội họa. Ông đã dạy vẽ cho chúng tôi ở trường Quốc học.

Ông Đặng Thai Mai ở Hà Nội, là dân biểu Trung Kì, những kì vào họp Viện dân biểu cũng ở nhà tôi.

Ông Tạ Thu Thâu một nhà cách mạng từ Sài Gòn, ra Huế theo lời mời của chính phủ Trần Trọng Kim cũng đã từng ở nhà tôi một thời gian ngắn.

Sau này ra Hà Nội, cha tôi quen biết với các ông Hồ Hữu Tường, Nguyễn Hữu Đang.

Thời gian tản cư về Thanh Hóa cha tôi ở gần làng Thường Tín, nơi tập trung các văn nghệ sĩ của khu Bốn. Cha tôi thân nhất với các ông Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Đức Quỳnh, Trương Tửu… họ thường cùng cha tôi trao đổi nhiều vấn đề.

*
*    *

Công việc nghiên cứu đầu tiên của cha tôi là soạn cuốn từ điển Hán Việt. Công việc này đã góp phần vào việc xây dựng cho khoa học xã hội Việt Nam như ý kiến của ông Nguyễn Khắc Viện. Cụ Phan Bội Châu đã khuyến khích việc làm này và đã đề tựa cho tập 1. Cha tôi vẫn thường xuyên lên thăm cụ ở Bến Ngự; thường tôi được đi theo và nghe hai người trao đổi về nhiều vấn đề.

Sau khi đã xuất bản hai cuốn từ điển Hán Việt và Pháp Việt, cha tôi quyết định đi vào nghiên cứu về lịch sử. Để bắt đầu công việc nghiên cứu ông đã mua rất nhiều sách báo của Pháp và Trung Quốc. Công việc này do mẹ tôi giúp, vì bà lập hiệu sách Vân Hòa bán sách báo và giấy bút cho học sinh. Cha tôi đã đi thăm nhiều nhà của các thế gia ở miền Trung để mượn và sao chép nhiều tài liệu lịch sử viết, quí giá mà ngay các thư viện cũng không có. Ở nhà tôi luôn có một nhà nho giúp cha tôi sao chép các sách mượn được và dạy tôi học chữ Hán. Vì vậy, nhà tôi có một tủ sách rất phong phú. Chính tủ sách này, bao gồm không những sách nghiên cứu mà cả sách văn học bằng tiếng Việt và Pháp, đã gây cho chúng tôi thói quen thích sách báo và hiểu biết rộng về kiến thức chung.

Ngoài việc dạy học và nghiên cứu trong sách báo, ông đã cùng với một người bạn là ông Nguyễn Thiệu Lâu một nhà địa lí, tốt nghiệp ở Pháp, làm việc ở Viện Viễn đông Bác cổ ở Hà Nội đi khảo sát để nghiên cứu về địa lí lịch sử. Năm 1942, ông cùng cha tôi đạp xe đạp từ Nha Trang lên Đà Lạt để khảo sát thực địa. Sau chuyến đi này cha tôi bị viêm phổi và bắt đầu bị bệnh lao. Chính việc cộng tác với ông Nguyễn Thiệu Lâu, cha tôi đã bắt đầu công việc nghiên cứu về địa lí lịch sử tổng kết trong cuốn Lịch sử Việt Nam qua các đời.

Trong thời gian bị bệnh lao phổi, cha tôi phải về nghỉ ở làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, nơi ông Cả Khiêm, anh của cụ Hồ Chí Minh sinh sống. Chính ở đây cha tôi đã bắt đầu nghiên cứu các vấn đề về cổ sử và về nguồn gốc dân tộc Việt Nam. Hàng tuần vào ngày nghỉ, tôi phải đạp xe về thăm ông và mang tài liệu mà ông cần.

Sau Cách mạng tháng Tám, cha tôi từ chối các công việc chính trị do chính phủ đề nghị, chỉ nhận dạy lịch sử ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng công việc này không kéo dài được lâu vì Hà Nội phải đi tản cư trong cuộc toàn quốc kháng chiến.

Tủ sách của cha tôi năm 1946 được chuyển phần lớn ra Hà Nội. Trước toàn quốc kháng chiến, tủ sách đã được chuyển về Thanh Hóa nhưng do chuyến tàu ngày 19 tháng 12 bị kẹt ở Cầu Guột, Hà Nam và tủ sách bị mất. Để cứu các sách còn lại, cha tôi đã trở về Huế đang đánh nhau với Pháp để cứu vài sọt sách còn lại ở Huế, chở ra Thanh Hóa.

Thời gian tản cư ở Thanh Hóa, cha tôi hoàn thành cuốn Việt Nam lịch sử giáo trình, tham gia dạy các lớp huấn luyện văn hóa kháng chiến do các trí thức, văn nghệ sĩ mở để đào tạo lớp trí thức, văn nghệ sĩ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Tôi cũng được tham gia khóa học đầu tiên của lớp này ở làng Cổ Bôn (nay thuộc xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Trường này đã tổ chức được ba lớp, đào tạo ra nhiều văn nghệ sĩ và trí thức nổi tiếng của nước ta.

Mặc dù bị mất các tài liệu sách vở nhưng cha tôi vẫn tiếp tục làm việc theo một hướng khác: hướng điền dã để xây dựng địa chí Thanh Hóa. Ông đã cùng các bạn đi lên các huyện miền núi của Thanh Hóa để nghiên cứu về người Mường. Ông còn đến làng Bản Thủy, thuộc huyện Cẩm Thủy mà dân làng dùng ngôn ngữ riêng để giao tiếp với nhau, tiếng không giống tiếng Việt cũng không phải là tiếng Mường. Nhờ sự giúp đỡ của học sinh trường Trung cấp Nông lâm đóng ở làng này ông đã lập cả một bản từ vựng của ngôn ngữ đặc biệt để tìm hiểu về hiện tượng cá biệt này.

Năm 1950, cha tôi được điều ra Việt Bắc làm việc ở Bộ Giáo dục và Ban Văn Sử Địa. Đây là cơ hội để ông trở lại nghiên cứu về cổ sử và lịch sử Việt Nam. Nhưng sau cuộc đi từ Việt Bắc về Thanh Hóa và Nghệ An để lấy tài liệu, ông lại bị lao trở lại. Trong điều kiện rất thiếu thốn thuốc men, mẹ tôi phải đi bộ rất xa để mua thuốc và chăm sóc. Lúc bệnh đã thuyên giảm, phải đưa ông về Thanh Hóa để dưỡng bệnh. Ở đây, ông tham gia dạy ở trường dự bị đại học. Trong thời gian Cải cách ruộng đất, ông cũng có đi tham gia nhưng chủ yếu là để cứu các tài liệu của nhiều nhà địa chủ sắp bị đưa ra đốt cháy.

Sau hòa bình lập lại ông dạy ở Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp Hà Nội, cho đến vụ việc Nhân văn - Giai phẩm thì chuyển về Viện Sử học. Trong thời gian này ông đã xuất bản hai cuốn Cổ sử Việt Nam và Lịch sử Việt Nam và một loạt các bài về vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam. Thời gian cuối, ông làm việc hiệu chỉnh các tư liệu dịch từ chữ Hán, làm Từ điển Truyện Kiều, dịch thơ Nguyễn Trãi, Khóa hư lục của Trần Thái Tông, dịch Đạo đức kinh của Lão Tử, Sở từ của Khuất Nguyên.

Trong cuốn Nhớ nghĩ chiều hôm, cha tôi có nói về cái hứng thú sáng tạo của nhà sử học cũng như của người nghệ sĩ. Chính sự say mê nghiên cứu, tập trung vào suy nghĩ đã giúp ông thắng được bệnh lao phổi hai lần trong điều kiện thiếu thốn thuốc men chữa bệnh. Sau lần ốm thứ hai, về Hà Nội chiếu điện thì thấy một lá phổi đã teo lại nên không còn khả năng bị nhiễm bệnh nữa.

Đối với tôi tuy không phải là một nhà sử học, nhưng trong việc nghiên cứu của tôi các kiến thức về lịch sử, về văn hóa đã giúp tôi rất nhiều trong việc áp dụng tiếp cận lịch sử để giải quyết các vấn đề hiện đại như: vấn đề lịch sử tiến hóa của nông nghiệp, phát triển nông thôn, làng xã, kinh tế hộ nông dân, thể chế kinh tế… Sự hiểu biết rộng rãi là cơ sở để phát triển các mối quan hệ liên ngành.

 

 Đào Thế Tuấn    
Bạn đang đọc bài viết "Cha tôi Đào Duy Anh" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309