Lãnh đạo Chính phủ vừa họp với thành phố Hà Nội, các Bộ, ngành có liên quan và thống nhất triển khai đường Vành đai 4 với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng (giảm hơn 9.200 tỷ đồng so với phương án trước đây).
So với tờ trình lần đầu tiên vào giữa năm 2021, tờ trình vừa được UBND thành phố và tư vấn vừa trình bày với lãnh đạo Chính phủ có nhiều nội dung thay đổi theo hướng rút gọn dự án.
Cụ thể, trong tờ trình gửi Chính phủ tháng 10/2021, tổng mức đầu tư dự án Vành đai 4 được thành phố Hà Nội và nhà đầu tư đề xuất là 95.045 tỷ đồng, nay được điều chỉnh xuống còn 85.813 tỷ đồng, giảm hơn 9.200 tỷ đồng. Với phương án thi công, tờ trình trước đó, UBND thành phố và tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh thống nhất hoàn thành năm 2030, nay được điều chỉnh là năm 2025.
Sau khi các nội dung trên được lãnh đạo Chính phủ thống nhất, cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký tờ trình số 126/TTr-CP gửi Quốc hội, nội dung ghi rõ là: Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (PPP). “Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với những nội dung đã được Chính phủ thống nhất”, Tờ trình của đại diện Chính phủ nêu.
Theo tờ trình, dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài 112,8km, đi qua địa phận: Thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Dự án có tổng mức đầu tư 85.813 (nguồn vốn gồm ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương, nhà đầu tư PPP); trong đó có 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Dự án được đầu tư với mục tiêu, xây dựng tuyến đường Vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, tạo không gian phát triển mới, điều tiết dân số cho khu vực nội đô và sử dụng đất đai hiệu quả.
Hoàn thành Vành đai 4 năm 2025
Về quy mô dự án, Tờ trình của Chính phủ thông tin: tuyến đường có chiều rộng mặt cắt ngang hoàn chỉnh từ 90 – 135 mét, tương đương 14 làn xe cho cả làn đường cao tốc đi trên cao và đường đô thị song hành 2 bên.
Đối với đường trên cao sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn cao tốc, vốn thực hiện được đầu tư theo hình thức PPP hợp đồng BOT. Sau khi đường cao tốc thi công xong và thông xe nhà đầu tư sẽ triển khai thu phí. Hệ thống thu phí tuyến đường được áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng, có hệ thống giám sát trực tuyến; tổ chức quản lý, vận hành khai thác phù hợp, đảm bảo thống nhất, đồng bộ và tiết kiệm chi phí đầu tư.
Hệ thống giám sát giao thông được đầu tư hệ thống giám sát thông minh, hiện đại, thuận lợi trong việc kiểm soát, xử lý vi phạm và điều khiển giao thông toàn tuyến. Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được chia thành 7 dự án thành phần; tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng đường song hành triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công; riêng dự án thành phần 3 (đầu tư theo phương thức PPP): hệ thống đường cao tốc toàn tuyến và tuyến nối 9,7 km do UBND Thành phố Hà Nội là cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng (giảm hơn 9.200 tỷ đồng so với phương án thành phố Hà Nội và Nhà đầu tư báo cáo năm 2021). Nguồn vốn này được huy động, gồm: ngân sách Trung ương: 28.200 tỷ đồng; ngân sách địa phương: 28.203 tỷ đồng (Thành phố Hà Nội: 23.594 tỷ đồng; Hưng Yên: 1.509 tỷ đồng; Bắc Ninh: 3.100 tỷ đồng); Nhà đầu tư BOT 29.410 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án, năm 2025 (rút ngắn 5 năm so với báo cáo của thành phố Hà Nội và Nhà đầu tư năm 2021).