Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhiều địa phương trong cả nước đã tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó chuỗi cung ứng sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông lầm thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 8/2021 ước đạt gần 3,4 tỷ USD, giảm 21,6% so với tháng 8/2020 và giảm 22,0% so với tháng 07/2021. Nguyên nhân chính do dịch Covid-19 đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, chế biến của nhiều DN/nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu, nhiều DN/nhà máy chỉ hoạt động ở 30-40% công suất, thậm chí phải đóng cửa do có F0.
Trong khi đó, phản ánh của nhiều địa phương cho thấy, do quy định phòng chống dịch Covid-19, việc thực hiện giãn cách xã hội khiến nhiều nơi nông dân không thể sản xuất như trong điều kiện bình thường, nhiều nơi có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất.
Tuy nhiên, cũng trong đại dịch, nhiều hình thức tiêu thụ nông sản mới đã được phát huy, trong đó có việc giao dịch trên các sàn thương mại điện tử; các nông dân ĐBSCL cũng tích cực tham gia các đầu mối kết nối, làm combo nông sản. Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cũng nhiều lần khẳng định: Chuyển đổi số sẽ là chìa khóa để phát triển nông nghiệp hiện đại, thúc đẩy các mối liên kết trong tương lai.
Phát biểu chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến, nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt chia sẻ, mặc dù trong bối cảnh dịch Covid - 19 đang diễn ra phức tạp nhưng chúng ta vẫn rất cố gắng để tổ chức buổi trực tuyến ngày hôm nay. Làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra ở hầu khắp các lĩnh vực. Nhiều lĩnh vực đã áp dụng chuyển đổi số và đem lại những hiệu quả nhất định.
Thực tiễn cho thấy những thành công của nông nghiệp gần đây cũng có nhiều đóng góp từ việc triển khai hệ thống giải pháp phát triển khoa học công nghệ tận dụng thành tựu của nền công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong nông nghiệp là một giải pháp tổng thể góp phần nâng cao hiệu quả toàn ngành, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả.
Bản thân ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nhiều các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực.
Tiềm năng của chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam là rất lớn vì được sự ủng hộ cao từ các cơ quan, bộ, ngành cho đến các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp. Chuyển đổi số đã mang lại những kết quả tích cực không chỉ trong chất lượng, năng suất mà còn cải thiện đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng toàn cầu, không ai có thể đi ngược lại được. Do đó, cần phải làm tốt hơn, đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất trong tương lai. Nói cách khác, tiến hành nông nghiệp thông minh là tất yếu trong thời đại ngày nay.
Năm nay đã là năm thứ 7, Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức chương trình Tự hào nông dân Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây ngày càng có nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc nói riêng và nông dân Việt Nam nói chung đã áp dụng thành công chuyển đổi số trong những mô hình nông nghiệp của họ và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy, việc tuyên truyền của báo chí cũng như việc áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp là điều tất yếu.
Làm thế nào để thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp hiệu quả, làm thế nào để nông dân tiếp cận với những phương thức thương mại hiện đại, để trả lời những câu hỏi đó, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: CHUYỂN ĐỔI SỐ NÔNG NGHIỆP: KHÔNG THỂ CHẬM TRỄ.
Bứt tốc chuyển đổi số trong nông nghiệp
Đánh giá những tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động của khuyến nông, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, rất nhiều tác động bất lợi gây hậu quả nghiêm trọng cho nên sản xuất. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được Bộ NNPTNT giao là đầu mối hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trên toàn quốc. Hoạt động của chúng tôi rất nhiều sự kiện, diễn đàn, dự án triển khai đến bà con nông dân.
Trước đây trong kế hoạch xây dựng nội dung thực hiện theo phương pháp truyền thống, công tác tập huấn, công tác hiện trường trực tiếp tại các mô hình sản xuất, nhưng khi Covid-19 xuất hiện, chúng tôi thấy rằng việc chuyển đổi ngay hình thức truyền thống sang sử dụng công nghệ thông tin, trong đó việc chuyển đổi số, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, chi tiết.
Cụ thể, biến lớp học truyền thống thành lớp học online trong các môi trường khác nhau. Thông qua hình thức này, chúng tôi tương tác rất cụ thể đến bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa để có nhưng phương pháp tiếp cận mới.
Bên cạnh đó, qua hình thức online, khuyến nông viên cũng đã tiếp cận được công nghệ số, hướng dẫn bà con bằng thông qua hình thức online.
Diễn đàn Khuyến nông @ đã trở thành thương hiệu nhưng do giãn cách, không thể tập trung đông người, chúng tôi đã tổ chức diễn đàn online đến hàng chục điểm cầu khác nhau, với hàng trăm người tham gia, rất nhiều câu hỏi, vấn đề nóng được nông dân gửi đến các chuyên gia, nhà khoa học.
Đến nay, gần như các kế hoạch của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chuyển trạng thái diễn để hoạt động khuyến nông được diễn ra bình thương trong điều kiện mới.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam thông tin, Việt Nam chúng ta bắt đầu đề cập đến việc chuyển đổi số. Đối với ngành nông nghiệp đã bắt đầu khởi động chuyển đổi số nhưng đang chậm một chút hơn so với các ngành nghề khác.
Thứ nhất liên quan đến đặc điểm ngành nông nghiệp sản xuất phân tán theo địa phương với 8,6 triệu hộ nông dân nhỏ lẻ tham gia. Thứ hai, tính chuyên nghiệp của nông dân chưa có. Bên cạnh đó, muốn chuyển đổi số thì phải có thông tin dữ liệu về nông dân.
Chúng tôi nghĩ, những khó khăn trên cũng chính là cơ hội cho nông dân và ngành nông nghiệp là khó khăn nhất. Chúng ta hình dung trước đây nông dân vùng sâu, vùng xa muốn tham gia các hoạt động của Trung tâm khuyến nông quốc gia rất khó khăn. Tuy nhiên, nếu chúng ta thực hiện chuyển đổi số thành công thì chúng ta sẽ vươn cánh tay đến vùng xa xôi nhất.
Với một chiếc điện thoại thông minh, nông dân vùng sâu vùng xa không chỉ tham gia các lớp tập huấn khuyến nông mà còn giúp tham gia được nhiều dịch vụ khác. Đơn cử, như Trung Quốc áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số đã rút ngắn các khoảng cách về địa lý.
Ngoài ra, với hệ thống truyền thống rất khó khuyến khích các hộ làm tốt. Tuy nhiên, với công nghệ số, chuyển đổi số sẽ cá nhân hoá được những hộ làm tốt, có tư tưởng kinh doanh, marketing tốt. Nông dân trồng nhãn giỏi ở Hưng Yên, trồng vải giỏi ở Bắc Giang có thể đứng lên giới thiệu bán hàng. Điều này sẽ tạo thành phong trào và động lực nông dân.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương triển khai đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, giúp nông dân tiếp cận với phương thức thương mại hiện đại. Có mặt tại buổi tọa đàm trực tuyến, ông Dương Tôn Bảo –Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: Các sản phẩm nông nghiệp của các hộ sản xuất kinh doanh sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm, giao dịch mua bán trên 2 sàn thương mại điện tử: Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và voso.vn của Tổng Công ty cổ phần bưu chính Viettel.
Theo đại diện Bộ TT&TT, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn thương mại điện tử (TMĐT) là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã… trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.
Trên thế giới, Việt Nam không phải là một trong những nước đi đầu về ban hành chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên đi sau nhưng lại là tiên phong, bởi ngay từ đầu chúng tôi đã xác định nông nghiệp là 1 trong 8 ngành trọng điểm để áp dụng chuyển đổi số.
Năm nay có lẽ là năm khởi đầu và cũng là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số nông nghiệp.
Cụ thể, năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp ở Việt Nam. Còn nhờ, mới thời gian đầu năm, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tỉnh Băc Giang phải giãn cách xã hội trên diện rộng. Trong bối cảnh đó,vải thiều Bắc Giang đang đến độ chín và thu hoạch, việc thúc đầy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trở lên cần thiết hơn bao giờ hết.
Nắm bắt được tình hình đó, Bộ TT&TT với thế mạnh về công nghệ đã liên kết với Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương đã xây dựng sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn, để nâng tầm giá trị nông sản Việt và tiêu thụ nông sản Việt Nam.
Thành công với chúng tôi ở thời điểm đó là không có từ giải cứu trên truyền thông mà là thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Sở hữu hai sàn thương mại điện tử, chúng tôi đã vào cuộc với Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương, và chúng ta đã có một kết quả ấn tượng – con số ấn tượng về tỷ lệ tiêu thụ thông qua sản thương mại điện tử.
Lần đầu tiên có sàn thương mại điện tử make in Việt Nam, xuyên biên giới qua thị trường Châu Âu. Chỉ trong 4 ngày sản phẩm nông sản Việt Nam đã có mặt ở những nước Châu Âu.
Ra mắt cuốn sách hướng dẫn chuyển đổi số cho người nông dân
TS Lê Quốc Thanh từng nhấn mạnh quan điểm: Quá trình chuyển đổi số sẽ giúp nông dân không chỉ bán sản phẩm đó mà còn bán cả giá trị của sản phẩm đó. Trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vẫn duy trì hoạt động tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình mà không bị gián đoạn, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa duy trì khôi phục sản xuất.
Đúng như chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, đó là hướng tới nền nông nghiệp có trách nhiệm, minh bạch. Chúng tôi cho rằng, đây là những chỉ đạo rất tích cực để hướng đến một nền nông nghiệp bền vững. Chúng tôi vẫn nói, người nông dân người ta vẫn bán sản phẩm thông thường thì rất là khó. Chính bởi vậy, công nghệ số phải được số hóa lý lịch sản phẩm của nông dân, và tích lũy giá trị như vậy chúng ta có nền nông nghiệp mình bạch, minh bạch từ nguồn gốc, giá trị sản xuất.
Để làm tốt vấn đề này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai nhiều kế hoạch. Trong đó, các mô hình từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc, phải có mã vùng... Các doanh nghiệp, sàn TMĐT họ rất mong muốn được tiếp cận những sản phẩm chất lượng như vậy.
Song hành với đó, TTKNQG liên tục tổ chức các lớp đào tạo, huấn luyện cho người nông dân, thông qua hoạt động này họ sẽ biết đâu là vùng truy suất, đâu là VietGAP, đâu là hữu cơ. Từ đó, sản phẩm của người nông dân có thể bán được sản phẩm từ khi bắt đầu sản xuất. Chứ không phải thu hoạch xong mới đi tìm kiếm thị trường…thì công nghệ số sẽ giúp được người nông dân như vậy.
Hôm nay có một thông tin rất mừng, đó là ra mắt cuốn sách hướng dẫn chuyển đổi số cho người nông dân. Đây sẽ là kho tàng kiến thức cho nông dân, từ đây họ sẽ biến thành những mô hình cụ thể, chia sẻ thông tin trong nông nghiệp như thế nào.
Chuyển đổi số: Dịch Covid-19, nông sản không cần giải cứu mà đã có giải pháp
TS Đào Thế Anh – Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, dịch Covid-19 vừa là thách thức cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, người dân chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Hoạt động của Tổ công tác 970 với hơn 1.400 đầu mối kết nối – cung ứng tiêu thụ nông sản cũng cho thấy điều này.
Chúng tôi nghĩ rằng kết nối tiêu thụ nông sản năm 2021 có sự thay đổi về tư duy. Mấy năm trước chúng ta hay dùng từ giải cứu nông sản. Trong dịch Covid-19, bắt đầu chúng ta phải thay đổi, phải có sự vào cuộc liên ngành, không chỉ ngành nông nghiệp, công thương mà còn ngành công nghệ.
Trong nguy có cơ, Covid bắt chúng ta phải thay đổi, chuyển đổi sang chuyển đổi số. Ai là người phải thay đổi tư duy? Đầu tiên là những hộ trực tiếp sản xuất, sau đó là cán bộ ngành nông nghiệp, công thương....
Chúng ta thay đổi giải pháp, dần dần ứng dụng công nghệ số, bắt đầu là ứng dụng internet, sau dần những nền tảng thông minh.
Chúng tôi đánh giá rất cao những hoạt động của tổ công tác 970 trong thời gian vừa qua.
Tại điểm cầu Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Đối với Hà Tĩnh, bưởi Phúc Trạch là sản phẩm được thực hiện chuyển đổi số đầu tiên. Đây cũng là sản phẩm mà nhiều năm qua, cán bộ Trung tâm Khuyến nông đã dày công chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm phát triển về cả số lượng và chất lượng, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập,đưa cây bưởi Phúc Trạch trở thành cây trồng chủ lực của huyện Hương Khê.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã thành lập Tổ công tác chuyển đổi số ngay tại đơn vị. Tổ công tác đã nhanh chóng tiếp nhận công nghệ từ đơn vị tư vấn.
Đồng thời, phối hợp cùng 19 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê tập huấn cài đặt app, vận hành hệ thống xây dựng cơ sở dữ liệu số để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi, từng bước số hóa, quản lý điện tử trên môi trường mạng từng bước được hoàn tất.
Đến nay, Hà Tĩnh đã cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc, đăng ký tài khoản, nhập liệu cho 162 tài khoản doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và 2.825 tài khoản thành viên. Từ đó, nhằm minh bạch thông tin, giúp người quản lý và người tiêu dùng nắm rõ nguồn gốc, đưa sản phẩm bưởi Phúc Trạch đến với khách hàng một cách nhanh nhất, tin cậy nhất.
Trong thời gian chưa đầy 1 tháng, Tổ công tác đã số hóa trên diện tích 990 ha. Cũng trong thời gian đó, Trung tâm cũng đã phối hợp cùng Công ty CP iCheck hoàn thiện Cổng thông tin buoiphuctrach.gov.vn và app Bưởi Phúc Trạch. Đến nay sau 22 ngày, Hương Khê đã tiêu thụ được 70% sản lượng Phúc Trạch với số lượng 14.000 tấn, trong đó một số lượng lớn bưởi Phúc Trạch đã được tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.
Sau bưởi Phúc Trạch Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân thực hiện chuyển đổi số trên các sản phẩm nông nghiệp khác, cụ thể tiếp theo là trên sản phẩm cam Chanh, cam Bù nhằm giúp nông dân đưa giá trị sản phẩm nông nghiệp của Hà Tĩnh đến tận tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh: Có hạ tầng tốt, chuyển đổi số thành công là tất yếu
Đánh giá về chuyển đổi số bưởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia chia sẻ, có thể nói đây là trường hợp thành công trong chuyển đổi số. Kết quả bắt nguồn từ cả 1 quá trình, câu chuyển của bưởi Phúc Trạch. Chúng tôi vẫn nhớ trước đây Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam làm chỉ dẫn địa lý cho giống bưởi này. Đây là quá trình tích hợp các viện nghiên, nhà khoa học để cho ra hoa, đậu qua để bưởi Phúc Trạch ngon như hiện nay.
TTKNQG đã có khá nhiều dự án, chuyển giao giống bưởi, cam tại Hà Tĩnh. Câu chuyện chuyển đổi ra sao? truy xuất nguồn thế nào? đâu là truy xuất vùng trồng, VietGAP…từ đó tích hợp lại đúng vào thời điểm này khi chúng ta chuyển đổi số thì đã có hạ tầng rất sẵn sàng, nó đã thể hiện rất tốt.
Tại Bắc Giang, từ khoa học công nghệ, khuyến nông, thương hiệu được xây dựng nền tảng tốt. Chính vì vậy chúng tôi chỉ đạo TTKN Hà Tĩnh tiếp tục tổng hợp, chia sẻ, đánh giá. Đây là mô hình chúng tôi sẽ nhân rộng để chia sẻ, nhân rộng ra các địa phương.
Cũng từ các nền tảng đã được xây dựng từ trước, kết quả hiện nay là giai đoạn chúng ta chuyển đổi số, theo quan điểm của tôi đánh giá rất cao, trong đó sự vào cuộc của UBND tỉnh Hà Tĩnh, chỉ đạo TTKN tỉnh đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn TMĐT.
Tôi cũng chia sẻ thêm, như Bộ trưởng Lê Minh Hoan vẫn chia sẻ “Nâng tầm nông sản Việt” không chỉ để lan tỏa giá trị sản phảm, tập quán, sinh thái mà cả văn hóa, môi trường. Và Hà Tĩnh đang là điểm sáng như vậy.
Tập trung giải pháp để chuyển đổi số
Nói về giải pháp để tập trung chuyển đổi số, TS Đào Thế Anh nhấn mạnh: Đối với chuyển đổi số trong nông nghiệp, tôi nghĩ có 3 mảng chính, đó là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Chính phủ số là phần việc của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp sẽ làm. Với tư cách là một cơ quan nghiên cứu, chúng tôi đang cùng với các doanh nghiệp công nghệ thông tin để nghiên cứu các sản phẩm kinh tế số, nền tảng số mới phù hợp với các vùng miền.
Thứ hai, chúng tôi mong muốn tham gia thiết kế xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ phục cho bà con nông dân tiếp cận với công nghệ số. Hiện nay, các dịch vụ công mà ngành nông nghiệp cung cấp nông dân tiếp cận vẫn tương đối khó khăn. Ứng dụng nền tảng số sẽ chúng ta đưa hết lên được như các hướng dẫn về danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, các loại phân bón, các tiến bộ kỹ thuật, các giống mới… để bà con khi dùng điện thoại thông minh có thể tra cứu được hết.
Thứ ba, theo tôi, cần tăng cường đào năng lực, kỹ năng về bán hàng online cho nông dân, hợp tác xã, trong đó vai trò của HTX rất quan trọng. Hiện nay, Viện khoa học nông nghiệp có thành lập câu lạc bộ đổi mới sáng tạo ngành rau hoa quả. Buổi tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần, câu lạc bộ này đều có những buổi đào tạo online về công nghệ sản xuất, kỹ năng bán hàng cho nhóm này.
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, nông dân thông minh như kỳ vọng của Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng đặt ra, ông Lê Quốc Doanh cho rằng, chúng ta không thể nào không chuyển đổi số thành công nếu chậm trễ. Muốn thành công thì phải bắt đầu từ ngay bây giờ. Chúng tôi thấy rằng, với đặc thù rất đa dạng, không gian lớn, mỗi đơn vị, ngành phải xây dựng kế hoạch để chuyển đổi số rất cụ thể. Chuyển đổi số phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, từ dữ liệu hóa làm cơ sở cho chuyển đổi.
Trung tâm khuyến nông quốc gia đã bắt đầu xây dựng đề án chuyển đổi số trong hệ thống khuyến nông, hoạt động khuyến nông phải được ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin, phải có cơ sở dữ liệu đầy đủ và đề án này chúng tôi đã cùng 1 số đơn vị công nghệ để triển khai.
Là một quốc gia nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm tới 63% dân cư, 66% số hộ, 68% người làm việc; nông nghiệp chiếm tỷ trọng 13,96% trong GDP, mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là tồn tại của nền nông nghiệp nước ta nhiều năm qua, do đó, hy vọng rằng, chuyển đổi số sẽ khắc phục triệt để tồn tại này.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản Việt Nam bế tắc, những thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ bị tác động lớn; cộng thêm tác động kép của hạn hán, xâm nhập mặn và bão lũ, nền nông nghiệp Việt Nam chứng kiến cảnh nông dân mất mùa, doanh nghiệp phá sản và hàng loạt khó khăn trước mắt.
Cùng với đẩy mạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng thị trường nội địa, chuyển đổi số được xem là "thang thuốc" hiệu quả cho tương lai nông nghiệp Việt. Và chuyển đổi số được nhắc đến không chỉ như một xu thế ngắn hạn mà là một hành trình xuyên suốt liền mạch để thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp Việt Nam.
Để chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách được ban hành cần phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính thực tiễn cao nhằm huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ, toàn diện nông nghiệp thông minh 4.0, từ đó, chủ động đầu tư công nghệ phù hợp với từng vùng sinh thái và quy mô sản xuất để tạo ra một luồng sinh khí mới.
Đặc biệt, đầu tư vào tư duy cho người dân là quan trọng nhất. Nếu có tư duy tốt, có các chương trình phát triển tư duy trực tiếp cho người dân, cứ cho 1 triệu người, có khoảng 10 nghìn người áp dụng tư duy chuyển đổi số thì cũng thay đổi cả triệu người.
Quan trọng hơn cả là cần sự kết hợp của cả chính sách và trình độ dân trí để chuyển đổi số thành công trong nông nghiệp.
Thực tiễn cho thấy những thành công của nông nghiệp gần đây cũng có nhiều đóng góp từ việc triển khai hệ thống giải pháp phát triển khoa học công nghệ tận dụng thành tựu của nền công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số trong nông nghiệp là một giải pháp tổng thể góp phần nâng cao hiệu quả toàn ngành, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả.
Bản thân ngành nông nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến nhiều các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng trong hầu hết các lĩnh vực.
Tiềm năng của chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Việt Nam là rất lớn vì được sự ủng hộ cao từ các cơ quan, bộ, ngành cho đến các doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp nông nghiệp. Chuyển đổi số đã mang lại những kết quả tích cực không chỉ trong chất lượng, năng suất mà còn cải thiện đáng kể về cách thức quản lý, phương thức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng toàn cầu, không ai có thể đi ngược lại được. Do đó, cần phải làm tốt hơn, đầu tư nhiều hơn về công nghệ, phần mềm để có thể tăng hiệu quả quản lý, sản xuất trong tương lai. Nói cách khác, tiến hành nông nghiệp thông minh là tất yếu trong thời đại ngày nay.
Tại buổi tọa đàm trực tuyến, các khách mời, chuyên gia đã thảo luận, đặt câu hỏi và đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn để việc ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực NN&PTNT thực sự hiệu quả.