Mang tới sự thuận lợi
Tuổi cao, nhiều bệnh, nên bà Nguyễn Thị Nga, 70 tuổi (ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên đến khám tại Bệnh viện Xanh Pôn. Trước đây, bà Nga đi khám bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), căn cước công dân (CCCD), nhưng hiện nay chỉ cần xuất trình CCCD có gắn chip là có thể làm các thủ tục khám chữa bệnh, chỉ cần nhập mã số là có hết thông tin...
Nhiều người dân khi đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện khi áp dụng chuyển đổi số cũng đều được đón nhận sự thuận tiện này. Để có được những tiện ích trên, dữ liệu về người có đăng ký BHYT được cập nhật liên tục trong hơn 5 năm qua và liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia của Bộ Công an, kết nối với hơn 13.000 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên toàn quốc. Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nguyễn Thế Mạnh cho biết, từ thực tế hoạt động của ngành cho thấy, dữ liệu là yếu tố then chốt giúp ngành BHXH thay đổi phương thức quản lý, hỗ trợ cho công việc khi khối lượng công việc ngày càng tăng và nay là tinh gọn bộ máy.
“Dễ nhận thấy là khi có dữ liệu lớn, trong đợt dịch COVID-19, BHXH đã hỗ trợ kịp thời cho hơn 5 triệu lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chỉ trong 1 tháng triển khai. Với tích hợp dữ liệu, người dân chỉ cần mang CCCD có gắn chíp đi KCB BHYT làm thủ tục nhanh gọn từ 10 phút xuống 30 giây. Dữ liệu đồng bộ cũng đã giúp chi trả chuyển khoản cho người lĩnh lương hưu ngay từ đầu tháng…”, ông Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ.
Không chỉ ngành BHXH, nhiều ngành, đơn vị cũng đã phát triển ứng dụng tương tác với người dân, bước đầu mang lại hiệu quả thông tin minh bạch tới người dân như ứng dụng e-Tax của ngành Thuế, ứng dụng chăm sóc khách hàng của ngành điện, các ứng dụng của ngân hàng… Sự thuận tiện từ quá trình chuyển đổi số mang tới nhiều tiện ích mà người dân đều cảm nhận được. Đây cũng trở thành động lực khiến nhiều đơn vị, doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc.
Chia sẻ tại diễn đàn chuyển đổi số, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TBS Group (TBS Group), “ông lớn” trong ngành giày da tại Việt Nam cho biết, cách đây khoảng 14 năm, các số liệu trong hoạt động sản xuất của công ty đều thực hiện trên giấy thủ công, mất nhiều thời gian và cần nhiều nhân lực và lại dễ xảy ra sai sót. Sau đó, công ty quyết định đầu tư hàng triệu USD để thực hiện cuộc “cách mạng” chuyển đổi số. Từ một ngành nghề với đặc thù sử dụng lao động lớn, sản xuất thủ công, hiện nay việc sản xuất đã được tự động hóa, số liệu cũng được số hóa để ban lãnh đạo công ty nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động của chuỗi doanh nghiệp. Đáng chú ý, công ty cũng áp dụng công nghệ thực tế ảo để làm việc với các đối tác nước ngoài, rút ngắn thời gian và mang đến hiệu quả trông thấy.
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, việc sớm đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống SAP đã mang lại hiệu quả to lớn cho công ty trong việc điều hành sản xuất, nắm bắt thị trường, định hướng đầu tư và giảm đáng kể chi phí quản lý. Mấu chốt của chuyển đổi số là tư duy số, con người số và hạ tầng số, cả 3 nội dung này đã được công ty thực hiện đồng thời đến nay…
Phương thức sản xuất mới
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, trong 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, chuyển đổi số là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời, quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.
Quá trình chuyển đổi số đã được Bộ Thông tin và Truyền thông định hướng theo từng năm, riêng năm 2024 có chủ đề: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững”. Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025 của các bộ, ngành, địa phương phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của chuyển đổi số, theo tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”; gắn kết chặt chẽ với hoạt động cải cách quy trình, thủ tục hành chính, hiện đại hóa hoạt động hành chính của cơ quan nhà nước...
Những lợi ích nhờ chuyển đổi số từ các doanh nghiệp lớn đang dần lan tỏa tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môitrường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đối với Việt Nam, chuyển đổi số đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của cả khu vực Nhà nước và tư nhân. Tốc độ tăng trưởng về kinh tế số là hơn 20%/năm.
Ông Trần Minh Tuấn nhấn mạnh, năm 2024, tỷ trọng kinh tế số/GDP đạt 18,3%, trong đó, doanh thu lớn nhất là từ công nghiệp thông tin và truyền thông (ICT) với khoảng 150 tỷ USD. Nhóm các ngành đóng góp lớn nhất là thương mại điện tử (khoảng 30%), nội dung số (khoảng 10%) và tài chính, ngân hàng. Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bởi kinh tế số tăng trưởng gấp 3 - 4 lần tăng trưởng GDP.