Theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó viện trưởng, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Việt Nam đang xuất khẩu nhiều nông sản và nhập nhiều nguyên liệu thô. Nền nông nghiệp thâm canh của Việt Nam đang gặp khó khăn nhất định.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược sản xuất lương thực, thực phẩm bền vững, minh bạch, theo hình thức đổi mới. Có các chính sách hỗ trợ nông hộ nhỏ vùng nông thôn để thực hiện chuyển đổi. Đồng thời, Việt Nam cũng tham vấn các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm.
"Chúng tôi đang phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học hình thành các báo cáo thuyết phục người sản xuất rằng chuyển đổi mô hình nông nghiệp bền vững là rất quan trọng”.
PGS.TS Đào Thế Anh, Phó viện trưởng, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Trong khu vực sông Mekong, tương tự Việt Nam, ông Ply Pirom, Giám đốc Dự án Sản xuất và Tiêu dùng bền vững, WWF-Thái Lan cho biết, Thái Lan gặp một số vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
Việc người dân mở rộng diện tích trồng ngô bằng hình thức đốt rừng hay đốt các phế phẩm nông nghiệp đã gây ra ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến khủng hoảng khí hậu.
Các công ty nông nghiệp ở Thái Lan cũng tích cực tham gia vào việc chuyển đổi này. Cùng với đó, người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng khi thay đổi hành vi tiêu dùng giúp thay đổi chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững.
"Chúng tôi đã nỗ lực phối hợp với các quốc gia khác như Campuchia, Lào trong khu vực Mekong để giải quyết vấn đề này. Thông qua giải pháp áp dụng phương pháp tiếp cận theo chuỗi giá trị, hỗ trợ các nhà sản xuất, tiếp thị, bán lẻ theo từng thành phần chuyển đổi để có năng suất - thu nhập cao hơn và bảo vệ môi trường”.
Ông Ply Pirom, WWF-Thái Lan
Từ góc độ của WWF-Thái Lan, ông Ply Pirom đưa ra 3 nhóm giải pháp cho các nhà hoạch định chính sách, gồm: Bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia và môi trường; Các chiến lược chính sách trong sự chuyển đổi phải đảm bảo chất lượng cuộc sống của người nông dân, bền vững sinh kế; Có khung pháp lý chặt chẽ để bảo vệ thành quả của sự chuyển đổi và phát triển về sau.
Chia sẻ kinh nghiệm từ đất nước Campuchia, ông Sok Silo, Tổng thư ký Hội đồng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (CARD) Campuchia thông tin, vấn đề chuyển đổi hệ thống lương thực bền vững ở Campuchia đang được giải quyết thông qua các chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chiến lược tăng cường đóng góp ngành nông nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh xã hội.
"Khái niệm về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở Campuchia còn khá mới, đòi hỏi đất nước cần có nỗ lực lớn trong việc chuyển đổi các hệ thống xã hội liên quan đến tiêu dùng lương thực thực phẩm bền vững”.
Ông Sok Silo, Tổng thư ký Hội đồng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Campuchia
Do đó, ông Sok Silo cho biết, Chính phủ Campuchia đang triển khai kế hoạch hành động phối hợp giữa các Bộ/ngành về triển khai thực thi chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm. Campuchia có kế hoạch hành động cụ thể giai đoạn 2024 – 2028 với sự tham gia của các Bộ/ngành liên quan tổng hợp các giải pháp nhằm mục tiêu bền vững “từ nông trại đến bàn ăn”.
Tăng quyền sử dụng đất cho nông hộ để đảm bảo sản xuất ổn định
Cùng tham gia phiên thảo luận, ông Robert Cole, Cố vấn Dự án quản trị đất đai khu vực sông Mekong đã giới thiệu về dự án đang triển khai ở các nước Campuchia, Việt Nam, Lào và Myanmar. Dự án nhằm mục tiêu thúc đẩy quyền sử dụng đất được bảo đảm của các nông hộ nhỏ tại các quốc gia này.
Theo ông Robert Cole, dự án tập trung cho việc đảm bảo quyền sử dụng đất của các nông hộ nhỏ, chính là đảm bảo việc sản xuất bền vững, hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa, triển khai việc chuyển đổi nền nông nghiệp.
Hiện nông trại quy mô lớn xuất hiện ngày càng nhiều có vai trò lớn trong các chuỗi cung ứng nhưng đồng thời cũng tạo ra lượng phát thải khí nhà kính lớn. Trong khi các nông hộ nhỏ có rất ít quyền sử dụng đất canh tác phải đi phá rừng để lấy đất sản xuất, không đủ tính ổn định và bảo vệ môi trường, tài nguyên.
“Một mặt khác, các hoạt động canh tác sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều ở những người nông dân đầu chuỗi cung ứng. Do vậy, để có được kết quả đầu ra tốt hơn, cần có những hỗ trợ nhiều hơn đối với những người nông dân – mắt xích đầu tiên của chuỗi”, Cố vấn Dự án quản trị đất đai khu vực sông Mekong chia sẻ.