Chuyện làng - Chuyện phố: “Lưỡi không xương... mó méo tứ tung”

Việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đang được dư luận xã hội rất quan tâm. Chính vì thế, mỗi phát ngôn mang tính chỉ đạo về việc sắp xếp, luân chuyển cán bộ không chỉ ảnh hưởng đến công việc của một cá nhân mà còn tác động sâu rộng đến cả hệ thống.

dt1-nd1-1739780392.webp

Tranh biếm hoạ chống tiêu cực, tham nhũng. Nguồn: Internet.

 

Trường hợp đáng chú ý mà dân làng Phục Vinh bàn luận khi nhân vật Đường Áng còn đương nhiệm “Trưởng thôn” này trong một cuộc phỏng vấn mà báo chí đăng tải ngày 16/12/2024 đã nhấn mạnh kinh nghiệm về công tác cán bộ tại địa phương với tiêu đề  “Tránh chọn Lý Thông, bỏ qua Thạch Sanh khi sắp xếp bộ máy”.

Để “tránh chọn Lý Thông”, ông Đường Áng nhấn mạnh cần bám tiêu chuẩn chức danh cán bộ đã được ban hành, sau đó đánh giá trình độ năng lực, uy tín, trách nhiệm, tâm huyết của cán bộ để chọn người phù hợp. Quá trình đánh giá phải lắng nghe nhiều chiều, nhiều nguồn và chắt lọc thông tin, quan trọng nhất là sự tín nhiệm của tập thể. Tập thể thể hiện tín nhiệm thông qua lá phiếu, công khai minh bạch, tránh việc làm đúng quy trình mà vẫn không chọn đúng người. Lãnh đạo tỉnh sẽ thảo luận kỹ lưỡng nhiều chiều, không áp đặt ý chí chủ quan của người chủ trì, hoàn thành kế hoạch sắp xếp cán bộ.

Ông Đường Áng còn cho rằng: Công tác cán bộ phải căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh rõ ràng, phải đảm bảo sự công khai, minh bạch và tránh việc chỉ làm theo quy trình mà bỏ qua những người thực sự có tài. Mỗi quyết định về công tác cán bộ sẽ quyết định đến sự phát triển của cơ quan, đơn vị và đất nước, đồng thời khẳng định rằng việc chọn sai một lãnh đạo có thể gây tổn hại cho cơ quan đó ít nhất một nhiệm kỳ 5 năm, thậm chí lâu hơn.

Không những vậy, trước đó, ông Đường Áng còn phơi bày "thói đao đức giả" thể hiện qua  “Tâm thư” được đăng tải trên báo chí ngày 16/11/2024 với những lời tâm huyết, trăn trở về công tác cán bộ: “Một bộ phận cán bộ trình độ, năng lực không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; một số ít suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, tham nhũng, tiêu cực, bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự. Đây là bài học đắt giá cần rút ra trong công tác cán bộ và phát huy trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ.”

Rồi ông lên gân lên cốt cam kết mạnh mẽ trong "Tâm thư" về việc lựa chọn cán bộ theo các tiêu chí đạo đức, năng lực, phẩm chất chính trị, và sự công khai, minh bạch. Ông nhấn mạnh công tác cán bộ phải đảm bảo chọn lựa những người thực sự có đức, có tài, vì dân vì nước, với những tiêu chí rõ ràng về đạo đức và hiệu quả công việc; cam kết sẽ không để lọt vào các cấp uỷ những cá nhân có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, tham vọng quyền lực và lợi ích nhóm.

Nhưng sau khi tung “Tâm thư” lên báo chí được hai tuần, mọi việc không diễn ra như kỳ vọng. Dư luận bắt đầu xôn xao khi xuất hiện trên phương tiện truyền thông rằng ông Đường Áng là một trong số hai chục quan chức nơi công tác cũ dính líu đến dự án đô thị biển phải đối mặt đối mặt với những vấn đề pháp lý.

Điều này khiến dân làng cảm thấy thất vọng, khi không ít người đã đặt kỳ vọng vào những lời hứa hẹn trong “Tâm thư”, giáng một đòn mạnh vào uy tín cá nhân và sự nghiệp chính trị của ông ta, làm nảy sinh nghi ngờ về sự không nhất quán trong quan điểm và hành động của người lãnh đạo đứng đầu địa phương.
Đúng là "Lưỡi không xương nhiều điều lắt léo/ Miệng không vành mó méo tứ tung”. Ông Đường Áng từng tung hô trên báo chí rằng cán bộ lãnh đạo phải có năng lực, uy tín và trách nhiệm. Tuy nhiên, chính ông lại không thực hiện những tiêu chuẩn này trong công việc của mình, khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi: Liệu những lời rao giảng của ông có phải là minh bạch, hay chỉ là những câu nói nhằm đánh lừa dư luận, che giấu sai phạm, bảo vệ “uy tín” bản thân?

Dân làng Phục Vinh không ngờ chức Trưởng thôn của ông Đường Áng chỉ kéo dài 9 tháng. Sau khoảng thời gian ngắn ngủi này, ông phải rời khỏi vị trí “Trưởng thôn" Phục Vinh để nhận kỷ luật. Điều này là minh chứng rõ ràng cho việc một người lãnh đạo có thể nhanh chóng mất đi sự tín nhiệm, bất kể trước đó đã thể hiện mình là người có tư tưởng và lý luận rõ ràng về công tác cán bộ.

Dân làng Phục Vinh bức xúc khi chứng kiến ông Đường Áng tiếp tục tái diễn những sai phạm mà người tiền nhiệm đã mắc phải về công tác cán bộ. Dư luận dân làng rộ lên, ông ta đã không “tránh” mà chỉ chọn “Lý Thông” đưa vào những vị trí quan trọng, quyền lực những người là “hậu duệ”, “quan hệ”, “tiền tệ”, bỏ qua “trí tuệ” (bỏ qua Thach Sanh), khiến dư luận không thể không liên tưởng đến việc "lại giẫm vào vết xe đổ" của người tiền nhiệm. Đó là các trường hợp con rể của cựu Bí thư tỉnh Phạm Vấn chẳng có thành tích gì nổi bật vẫn được bổ nhiệm làm Thị trưởng; con đẻ của Cựu Chủ tịch tỉnh Ngọc Hồn bị dư luận đàm tiếu về hủ hoá khi đi kiểm tra ở cơ sở cũng được bổ nhiệm làm huyện trưởng. Trong khi đó, các nhân vật Phạm Vấn, Ngọc Hồn từng là cặp đôi lãnh đạo đứng đầu tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 đều vừa bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự đang trong giai đoạn điều tra, chờ ngày đưa ra xét xử. Rồi trường hợp con gái của cựu Phó Bí thư tỉnh thường trực Trương Tồn chưa có đóng góp gì nhưng cũng được bố trí đứng đầu một đoàn thể mà Trương Tồn từng là cấp phó của Phạm Vấn  là nhân vật có nhiều tai tiếng, cũng bị kỷ luật khiển trách.  Hoặc trường hợp con trai của nhân vật Phụng Tiên từng tai tiếng "đầu trộm đuôi cướp" cũng đứng đầu đơn vị của một huyện mà Phụng Tiên là cựu Giám đốc một Sở đã lộng hành gây ra vụ án oan "Trang trại Đồng Cạn", làm dư luận xã hội rất bức xúc...

Các trường hợp mà dân làng gọi là “quan mượn” là kẻ “tham quan vô lại”, từng bị  quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật về Đảng vẫn được “ưu ái” giáng chức làm Giám đốc Sở Xây dựng. Nhân vật Bùi Đò là kẻ lưu manh, không việc xấu xa nào là không làm, kể cả hành vi bị phỉ nhổ là bạc tình với vợ cũ, “cướp vợ người khác”, kẻ vô văn hoá, từng đứng đầu Sở Văn hoá cũng bị kỷ luật Cảnh cáo cùng đợt với nhân vật “quan mượn” nhưng vẫn được luân chuyển sang làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp...

Tưởng ông Đường Áng có nhiều kinh nghiệm trong công tác cán bộ ở các địa phương khác để về vực dậy địa phương này vừa “Trải qua một cuộc bể dâu/Những điều trông thấy mà đau đơn lòng”. Hoá ra ông ta tuy thoát án tù nhưng cũng bị kỷ luật Cảnh cáo, bị thôi “Trưởng thôn” Phục Vinh, bị cho thôi Trung uỷ, thôi đại biểu dân cử. Bởi ông ta đã vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở đơn vị cũ. Vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn ngân sách nhà nước, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và chính quyền địa phương. Cung “quan lộ” của Đường Áng sau một thời gian ngắn làm “Trưởng thôn” Phục Vinh bị “nốc ao” (Knockout), chấm dứt một cách đầy tiếc nuối ở tuổi 53, tự đánh mất niềm tin trước Đảng và nhân dân.

Ông ta chưa đóng góp gì cho dân làng Phục Vinh. Không biết có kiếm chác được gì khi không ngần ngại làm trái với những điều ông ta rao giảng “Tránh chọn Lý Thông, bỏ qua Thạch Sanh khi sắp xếp bộ máy”. Ông ta còn nghe theo lời xúi của thuộc hạ và phán bảo xằng bậy của thầy phong thuỷ phá tan hoang thảm thực vật ở đồi Hồ Cò là di sản thiên nhiên quý giá có từ hàng trăm năm nay ở miền trung du này, không còn là nơi trú ngụ cho cò, vạc, chim muông "đất lành chim đậu". Do đó, thần phật nơi đây đã quở trách và ông ta đã sớm bị quả báo.

Việc ông Đường Áng bị kỷ luật không chỉ làm ảnh hưởng đến bản thân mà còn là một bài học lớn cho những người lãnh đạo khác về sự nghiêm túc trong công tác quản lý và trách nhiệm với lời nói của mình, trước hết đối với “tân Trưởng thôn” mới được điều động, bổ nhiệm từ đầu tháng 1/2025. Nếu tân “Trưởng thôn” Phục Vinh không học được bài học từ sự việc này, địa phương có thể phải đối mặt với sự thụt lùi 5 năm, như lời cảnh báo của người tiền nhiệm Đường Áng.

Mấy vị Cựu chiến binh trong làng luận bàn sôi nổi quanh bàn trà dịp đầu năm Ất Tỵ, cho rằng: “Quá tam ba bận”, lần này đặt niềm tin và kỳ vọng vọng vào tân “Trưởng thôn” sẽ là người có đủ năng lực và phẩm hạnh để gây dựng lại niềm tin đã bị xói mòn, giải quyết những hậu quả do những người tiền nhiệm tích tụ lại, trước hết vẫn là công tác cán bộ phải loại “trừ Lý Thông” và chọn được “Thạch Sanh” vào guồng máy lãnh đạo, quản lý, đáp ứng lòng tin của dân làng.

Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết".

Qua câu chuyện nhanh chóng mất chức của Đường Áng, dân làng Phục Vinh nhận thấy rằng, mọi lời nói và hành động của cán bộ trong guồng máy lãnh đạo, quản lý đều phải có sự nhất quán “nói đi đôi với làm”. Một lãnh đạo có thể thuyết phục người khác bằng lý thuyết và các nguyên lý tốt đẹp, nhưng nếu không thực hiện đúng những nguyên lý đó trong công việc của mình, sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng "lưỡi không xương... mó méo tư tung" như Đường Áng, khi mà lời nói không đi đôi với việc làm, sẽ gây hại cho chính bản thân ông ta.

Bài học từ sự kiện này là lời cảnh tỉnh không chỉ đối với tân “Trường thôn” Phục Vinh mà cho tất cả chúng ta, rằng sự minh bạch, trách nhiệm và hành động đúng đắn luôn là yếu tố quyết định thành công mang tính bền vững.

Q.Y