Mô hình lúa phát thải thấp của HTX Hưng Lợi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Internet.
Bước đầu các mô hình thí điểm trong đề án cho hiệu quả tích cực
Sau gần 40 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam vẫn là ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, là trụ đỡ để công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thực hiện nông nghiệp “Net Zero” (phát thải ròng bằng 0) giúp người sản xuất không chỉ tối ưu hóa tài nguyên, giảm phân bón, nước trong canh tác nông nghiệp, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm chi phí đầu vào mà còn giúp cải thiện hiệu suất, chất lượng sản phẩm. Song song với đó, doanh nghiệp sản xuất – thương mại sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn chung trong sản xuất, sản phẩm theo đúng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, giá trị thương hiệu tăng, dễ thâm nhập các thị trường có giá trị cao.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực và xuất khẩu gạo trên thế giới. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, gia tăng chi phí sản xuất, trong khi thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giảm phát thải carbon.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT tại Quyết định số 1335 ngày 10/5/2024 Phê duyệt kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, có 7 mô hình thí điểm đã được triển khai tại 5 địa phương, gồm: Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và TP Cần Thơ. Kết quả thực hiện 4 mô hình vụ Hè - Thu 2024, tại 3 tỉnh, thành phố với tổng diện tích 196ha, trong đó mô hình tại TP Cần Thơ đã thu hoạch xong, năng suất 6,4 tấn/ha, cao hơn năng suất diện tích ngoài mô hình là 7 tạ/ha.
Mô hình tại tỉnh Trà Vinh, năng suất đạt 6,1 tấn/ha, cao hơn năng suất diện tích ngoài mô hình là 2 tạ/ha. Còn 2 mô hình ở tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng lúa đang thu hoạch, ước năng suất đạt hơn 6,4 tấn/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình trung bình 4,6 tạ/ha, sản lượng lúa giảm phát thải là 1.262 tấn. Vụ lúa Thu - Đông 2024, có 3 mô hình đã gieo sạ 140ha, ước năng suất trung bình đạt hơn 6,3 tấn/ha và sản lượng đạt 157 tấn, dự kiến thu hoạch từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2024. Cục Trồng trọt cũng đánh giá, việc giảm chi phí sản xuất lúa trên cánh đồng thực hiện mô hình, giúp tổng chi phí đầu vào giảm 10-15% so với đối chứng bên ngoài mô hình.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh: “Từ báo cáo của các tỉnh, thành, hầu hết cho thấy rằng nông dân đã tăng thu nhập từ trên 4 triệu đến khoảng 7,5 triệu/ha từ năng suất lúa tăng, giá lúa cao hơn… Đây là con số thực tế tại các mô hình, như ở Cần Thơ tăng thêm khoảng 4 triệu/ha, Trà Vinh tăng thêm khoảng 7 triệu/ha, Sóc Trăng tăng thêm khoảng trên 5 triệu, ở Đồng Tháp là khoảng 2,5 triệu. Đây là con số rất hấp dẫn”.
Về kết quả giảm khí phát thải, theo Cục Trồng trọt, mô hình thí điểm của đề án tại TP Cần Thơ giảm đến 12 tấn CO2 tương đương/ha so với ngoài mô hình để nước ngập liên tục và vùi rơm trên đồng; giảm 5 tấn CO2 tương đương/ha so với nông dân ngoài mô hình có áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ chung trong hợp tác xã nhưng vùi rơm trên đồng. Tại Sóc Trăng, mô hình thí điểm áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải có lượng khí phát thải 9.505kg CO2 tương đương/ha/vụ, trong khi đó ngoài mô hình không áp dụng quy trình phát thải 13.501kg CO2 tương đương/ha/vụ.
Tại Trà Vinh, trung bình 2 mô hình thí điểm áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải có lượng khí phát thải 7.610kg CO2 tương đương/ha/vụ, trong khi đó ngoài mô hình không áp dụng quy trình phát thải 13.065kg CO2 tương đương/ha/vụ. Về liên kết tiêu thụ, tất cả các mô hình đều có doanh nghiệp liên kết thu mua lúa, một số mô hình được các doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua cao hơn so với bên ngoài từ 100 - 150 đồng/kg.
Như vậy, mục đích của Đề án trồng lúa phát thải thấp là giảm chi phí, tăng năng suất và tăng thu nhập cho người trồng lúa, bước đầu các mô hình thí điểm trong đề án đã cho hiệu quả tích cực. Việc triển khai thí điểm mô hình Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại các địa phương đã góp phần thay đổi tư duy của nông dân về quy trình canh tác lúa.
Theo đó, mô hình đã chứng minh giảm chi phí sản xuất từ 20 - 30%, tăng lợi nhuận cho nông dân, giảm phát thải khí nhà kính. Qua các mô hình điểm, cho thấy rằng, tư tưởng của người nông dân trồng lúa đã có chuyển biến tích cực trong thực hiện quy trình canh tác bền vững. Đây là bước ngoặc để chuyển về mặt tư duy, về mặt hành động của người nông dân sang phương thức sản xuất mới.
Cũng theo Cục Trồng trọt, kế hoạch thực hiện thí điểm vụ Đông Xuân 2024 – 2025 ở Sóc Trăng dự kiến sẽ mở rộng mô hình trình diễn ra nhiều huyện, thị xã trên địa bàn toàn tỉnh. Số lượng hơn 65 mô hình với diện tích ước 3.344 ha được thực hiện từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau bao gồm kinh phí trung ương từ Bộ NN&PTNT và nguồn vốn ngân sách địa phương.
Tham quan thực tế cánh đồng lúa của HTX Hưng Lợi (Long Phú), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng và địa phương đã bám sát các mục tiêu đề án đề ra trong triển khai thực hiện thí điểm mô hình tại hợp tác xã. Mô hình đã áp dụng đầy đủ các quy trình kỹ thuật canh tác, đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng canh tác bên ngoài, đặc biệt là trong mô hình đã giảm lượng phát thải gần 4.000kg CO2 tương đương/ha/vụ so với ruộng ngoài mô hình. Đề nghị ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tiếp tục nhân rộng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” một cách bền vững và hiệu quả trong thời gian tới…
Thứ trưởng Trần Thành Nam yêu cầu các tỉnh tham gia thực hiện đề án tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm trong vụ Đông - Xuân tới; tổng hợp các số liệu về mô hình thí điểm để làm sổ tay phổ biến đến nông dân. Đồng thời, các tỉnh tiếp tục triển khai đề án theo kế hoạch đã đăng ký với Bộ NN&PTNT trước đó. Để hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả đề án, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc đồng hành cùng địa phương thực hiện đạt kết quả các mô hình thí điểm. Cùng với đó, dự kiến vào khoảng giữa năm 2025, Bộ sẽ có cơ chế thí điểm chi trả chứng chỉ các bon thấp cho mô hình thí điểm đạt kết quả, khi đo đạc của đơn vị chuyên môn do bộ giao nhiệm vụ thực hiện…
Nguồn vốn cho Đề án không giới hạn
Lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã bày tỏ phấn khởi khi triển khai Chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Tuy nhiên, để yên tâm làm ăn lớn, đầu tư kho bãi, thu mua, xuất khẩu lúa… các doanh nghiệp, hợp tác xã có chung đề xuất là các ngân hàng thương mại cho vay vốn trung và dài hạn.
Về kiến nghị vay thêm vốn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá đó là nhu cầu chính đáng, rất thiết thực. Vì vậy, NHNN sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi.
Tổng giám đốc NHNN (Agribank) Phạm Toàn Vượng cam kết trong giai đoạn thí điểm, ngân hàng không giới hạn quy mô vốn. Đồng thời, ngân hàng sẽ triển khai nhiều chương trình, sản phẩm gắn với từng chuỗi liên kết, từng vùng đặc thù để đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng - tài chính phục vụ cho Đề án một cách ưu việt nhất, góp phần hoàn thành Đề án, gắn với chương trình chuyển đổi số.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL có ý nghĩa rất quan trọng. Qua 1 năm triển khai đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Xác định ngành Ngân hàng là một trong 4 nguồn lực quan trọng hỗ trợ Đề án, thời gian tới, NHNN tiếp tục đôn đốc các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó Agribank là ngân hàng triển khai chủ lực, triển khai cho vay, đảm bảo đúng đối tượng là những thành phần tham gia liên kết…
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định không giới hạn nguồn vốn cho Đề án. Ngân hàng sẽ cho vay theo nhu cầu và khả năng hấp thu vốn của khách hàng. “Trong trường hợp nếu ngân hàng không đủ vốn cho vay, NHNN sẽ hỗ trợ cho vay tái cấp vốn để đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay Đề án”, Phó Thống đốc lưu ý và yêu cầu, NHNN tỉnh tiếp tục quán xuyến hoạt động cho vay của các TCTD trên địa bàn để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống. Đối với Agribank, ngân hàng cần đẩy mạnh cho vay theo Chương trình; xác định việc thực hiện cho vay trong giai đoạn thí điểm là nhiệm vụ chính trị. Song song với đó, cần tăng cường công tác truyền thông, thông tin tại vùng ĐBSCL để các khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân biết và tiếp cận chính sách; kịp thời báo cáo NHNN những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình cho vay theo Chương trình.
Để chương trình đạt được kết quả cao, lãnh đạo Agribank đề nghị bên cạnh sự vào cuộc ngân hàng cần có sự triển khai đồng bộ của các ban, bộ, ngành, chính quyền địa phương trực tiếp tham gia Đề án. Cụ thể, đề nghị Bộ NN&PTNT kịp thời tổng hợp, lập danh sách và công bố các vùng chuyên canh, các liên kết và chủ thể tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL theo quy định tại Quyết định 1490/QĐ-TTg để các TCTD tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay.
Với sự quyết tâm, triển khai đồng bộ của bộ, ngành, địa phương và của các TCTD, Phó Thống đốc Đào Minh Tú tin rằng, đến năm 2030 sẽ có 1 triệu ha lúa, đảm bảo được mục tiêu kép là chất lượng nâng lên và giảm phát thải.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là “lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”. Trong đó sản xuất lúa gạo là ngành sản xuất trọng điểm. Sau khi thí điểm thành công tại ĐBSCL, đề án sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.
Q.Y