Chuyện làng - Chuyện phố: Ngày vía Thần Tài - Cầu mong may mắn, tài lộc trong năm mới

Thần Tài trong tín ngưỡng phương Đông là vị thần đảm nhiệm việc trông coi tiền tài, đem tài lộc may mắn cho gia chủ.

dt1-via-than-tai-1738833377.jpg

Cúng vía Thần Tài mang sẽ mang lại nhiều may mắn. Ảnh: Internet.

 

Có rất nhiều sự tích kể về Thần Tài. Tuy nhiên, sự tích được biết đến nhiều nhất là chuyện Thần Tài uống rượu say, lỡ chân ngã xuống trần gian.

Ông mất trí nhớ, không việc làm nên sống lang thang, ăn xin sống qua ngày. May thay, ông gặp một vị chủ quán tốt bụng và được mời vào ăn.

Điều kỳ lạ là từ khi ông lão ăn xin bước vào, quán ăn lúc nào cũng đông khách, người ra vào tấp nập. Thấy sự lạ, chủ quán giữ ông lão ở lại với mục đích giúp việc làm ăn buôn bán được thuận lợi.

Sau một thời gian, ông lão ăn xin bắt đầu lấy lại trí nhớ và quay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng. Từ đó, để tưởng nhớ ông, người dân lập bàn thờ cúng và chọn ngày này làm ngày vía của ông và gọi là ngày vía Thần Tài.

Hằng năm, vào mùng 10 tháng Giêng, mọi người sẽ sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài để cầu tài lộc, may mắn, sung túc cho cả năm.

Ngày vía Thần Tài là ngày lễ quan trọng trong tín ngưỡng văn hóa của người Việt, đặc biệt đối với những người làm kinh doanh, buôn bán. Ngày này được xem là dịp để mọi người cầu mong may mắn, tài lộc trong năm mới.

Năm 2025, ngày vía Thần Tài là 10/1 âm lịch, tương ứng với thứ Sáu ngày 7/2 dương lịch.

Vào ngày vía Thần Tài, hầu hết các gia đình, công ty, cửa hàng… sẽ sắm lễ vật để cúng, cầu xin một năm mới may mắn, làm ăn thịnh vượng.

Theo tín ngưỡng dân gian, vào ngày này, gia chủ nên lau dọn bàn thờ Thần Tài sạch sẽ, gọn gàng. Sau đó, gia chủ chuẩn bị đồ cúng tươm tất, đủ đầy.

Dân gian truyền miệng rằng, Thần Tài rất thích món cua biển và thịt lợn quay, chuối chín vàng. Vì vậy, vào ngày vía Thần Tài, gia chủ nên làm mâm cúng mặn để dâng.

Ngay từ sáng mùng 10 tháng Giêng, các gia đình nên có những việc làm biểu thị sự chào đón Thần Tài, chào đón tài lộc.

Theo cha ông ta từ xưa, người dân muốn năm mới được may mắn, công việc hanh thông, đắc tài đắc lộc, tiền bạc rủng rỉnh nên mua vàng vào ngày vía Thần Tài hàng năm để lấy may.

Nhưng theo nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng có đề cập trong sách Thần Đất - Ông Địa & Thần Tài cho biết, theo quan niệm từ xưa "mùng 9 vía trời mùng 10 vía đất", do đó ngày mùng 10 tháng Giêng thực chất không phải là ngày vía Thần Tài mà là ngày vía đất. Tuy nhiên, vì 2 vị thần này có nhiều mối liên hệ với nhau nên thường được đề cập chung và thờ chung một khám thờ, không thể tách rời.

Trong khi đó, trong cuốn sách Đại Nam quốc âm tự vị của tác giả Huỳnh Tịnh Của lại giải thích rằng Thổ thần và Tài thần đều là “Thần Đất, thần giữ tiền bạc”. Sự nhập nhằng này xuất phát là do sự thay đổi qua từng thời kỳ về phát triển nông nghiệp, thương nghiệp ở nước ta.

Đến đầu thế kỷ XX, khi thương nghiệp bao gồm tiền, vàng bạc có vị thế hơn đất đai, ruộng vườn thì Thần Tài mới trở thành vị thần đại diện cho sự phát tài và được thờ phụng phổ biến cho đến ngày nay.

Chuyên gia văn hóa, TS Đinh Đức Tiến (khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc mua vàng cầu may dịp đầu năm đáp ứng nhu cầu chính đáng của con người, tạo động lực để họ phấn đấu.

Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh, việc mua vàng đầu năm cũng được xem là một hình thức tiết kiệm.

Trong khi đó cũng có ý kiến cho rằng sau Tết guyên đán là ngày Vía Thần tài, người dân có nhu cầu mua vàng lấy may tăng cao, dẫn đến giá vàng cũng tăng mạnh mỗi năm vào dịp này. Năm nay, giá vàng cũng có xu hướng tăng liên tiếp kể từ dịp Tết Nguyên đán.

Nhiều chuyên gia khuyến cáo người dân không nên đổ xô đi mua vàng vào ngày vía Thần tài, bởi vào ngày này giá vàng có mức giá cao hơn ngày thường, sau ngày mùng 10 giá vàng sẽ quay đầu giảm giá, mà lại phải chen lấn, xô đẩy khi mua lúc giá cao.

Theo SJC.com.vn: Giá vàng ngày 6/2 được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết: Vàng miếng SJC (loại 1 lượng, 10 lượng, 1 kg) ở mức 88,2 - 91,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); vàng nhẫn (loại 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ) giao dịch ở mức 88,1 - 90,6 triệu đồng/lượng.

Dưới đây là Văn khấn ngày vía Thần Tài tham khảo trong cuốn Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin:

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

- Con lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

- Con kính lạy ngài Hoàng thiên, Hậu thổ chư vị Tôn thần.

- Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.

- Con kính lạy Thần Tài vị tiền.

- Con kính lạy các ngài thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.

Tín chủ con là:…

Ngụ tại:…

Hôm nay, ngày… tháng… năm 2025

Tín chủ thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án kính mời ngài Thần Tài vị tiền.

Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm.

Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)