Trên các trang mạng đã có những bài viết về chủ đề “Tiếp quản hay Giải phóng Thủ Đô”. Một số các bài viết ấy cho rằng viết “Giải phóng” thay cho “Tiếp quản” là sai với bản chất của sự kiện và sai với các văn bản lịch sử, sai cả chỉ thị của Bác Hồ. Tất nhiên một số bài viết còn đưa ra những chứng cứ, hình ảnh rất “lịch sử” để chứng minh là “Tiếp quản Thủ Đô” mới đúng. Có bạn viết còn nhấn mạnh “Giải phóng là phải có đánh nhau, có đổ máu. Chính phủ Pháp trao lại chính quyền cho Việt Minh thì phải viết là Tiếp quản mới đúng…
Tôi tra một số từ điển tiếng Việt trên google thì chỉ thấy ghi “Giải phóng là làm cho được tự do, cho thoát khỏi tình trạng bị nô dịch, chiếm đóng” hoặc “Giải phóng là cởi ra, mở ra, thả ra”…Tuyệt nhiên không thấy có “đánh nhau” hay “đổ máu” trong đó. Tôi rất đồng tình với việc Hà Nội dùng từ “Giải phóng Thủ Đô” thay cho “Tiếp quản Thủ Đô”, và chắc cũng không sai với ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại sao vào thời điểm tháng Mười năm 1954, chỉ thị của Bác Hồ, các văn bản của chính quyền và trên các băng rôn, khẩu hiệu chỉ có từ “Tiếp quản” mà không có từ “Giải phóng” là do chúng ta tuân thủ từ ngữ trong các văn bản quốc tế nhằm thực hiện hiệp định Giơ ne vơ. “Tiếp quản” để giữ thể diện cho nước Pháp, và để việc chuyển giao chính quyền bớt đổ máu. Tôi nói bớt đổ máu là vì nếu không có 9 năm kháng chiến, không có chiến thắng Điện Biên Phủ, với rất nhiều hy sinh của bộ đội và nhân dân ta thì không thể có sự kiện “Tiếp quản Thủ Đô” được đâu. Chúng ta phải dùng từ “Giải phóng Thủ Đô” để lớp trẻ hiểu rõ bản chất của sự kiện và những ai cố tình hiểu sai từ “Tiếp quản Thủ Đô” mà Bác Hồ đã dùng thì nên tỉnh ngộ.
Nhân dịp này tôi cũng xin trao đổi thêm về một số thông tin trên mạng là cố nhạc sỹ Văn Cao đã "tiên tri" được không khí ngày “Giải phóng Thủ Đô” để viết ca khúc “Tiến về Hà Nội” trước ngày Giải phóng Thủ Đô những 5 năm (1949). Những gì diễn ra trong ngày 10 tháng Mười ở Thủ Đô Hà Nội sao mà phù hợp với giai điệu, lời ca trong bài hát “Tiến về Hà Nội” đến thế? Tôi thì nghĩ hơi khác một chút là có lẽ những người phụ trách tổ chức lễ hội cho ngày “Giải phóng Thủ Đô” năm ấy đã bị “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sỹ Văn Cao chi phối. Kịch bản lễ hội hình như dựa một phần vào lời ca “Tiến về Hà Nội”. Tất nhiên, với lực lượng và kinh tế còn hạn hẹp của chính quyền ta khi đó thì không thể có không khí đầy đủ, hừng hực như trong bài hát:
“Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về...
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh.”
Trên thực tế, bộ đội ta chỉ diễu binh tiếp quản Hà Nội từ ba hướng. Hướng Tây xuất phát từ sân Quần Ngựa (gọi là từ ô Cầu Giấy). Cánh quân này là những chiến sỹ của Trung đoàn Thủ Đô, tiến vào “Thành cổ Hà Nội’ bằng của Đông và đóng quân trong đó.
Hướng Nam xuất phát từ “Việt Nam học xá”, khu vực đại học Bách Khoa Hà Nội, (gọi là ô Cầu Dền). Cánh quân này sau đó đóng quân ở khu vực “Đồn Thủy” (bệnh viện 108, bệnh viện Hữu Nghị) và “Đấu Xảo” (Cung Văn hóa Hữu Nghị).
Hướng Tây Nam, xuất phát từ Sân bay Bạch Mai, Chủ tịch Ủy ban quân quản Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng đi theo hướng này và vào “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Băc.
Cố nhạc sỹ Văn Cao đã lấy hình tượng ngôi sao năm cánh để tạo thành hình ảnh 5 của ô trong ca khúc “Tiến về Hà Nội” bất hủ của mình – là tôi đọc được ở đâu đó.
Hà Nội, 18/10/2024
N.V.N.