Chuyện làng - Chuyện phố: Lãng phí “khủng” ở vùng “đất phủ” bao giờ chấm dứt ?

Trong cái nắng hanh hao vàng của mùa thu Giáp Thìn có dịp trở lại Vĩnh Phúc, lướt qua vùng quê "đất phủ" Vĩnh Tường, đường sá được bê tông hoá, không còn lầy lội mỗi khi mưa xuống. Nhà nào cũng có điện thắp sáng, được dùng nước máy sạch. Nhiều hộ xây nhà cao cửa rộng, trang thiết bị phục vụ đời sống khá đầy đủ, không đến nỗi kém cạnh so với thị thành, trở thành những vùng quê đáng sống.

Diện mạo đổi thay của vùng quê này cũng không che lấp được sự thật đáng buồn đang phơi bày trước bàn dân thiên hạ, mà báo chí, truyền thông từng đăng tải công khai về những công trình, dự án ngỗn ngang, dang dở, hoang tàn đều do Tập đoàn Phúc Sơn mà Nguyễn Văn Hậu (biệt danh là Hậu Pháo) cũng quê ở vùng đất này hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng, trúng thầu đầu tư. Hắn đã bị khởi tố, tạm giam để điều tra tội “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” từ 26/2/2024. Tiếp theo đó, cả Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch tỉnh và một loạt quan chức các cấp tỉnh, huyện bị bắt tạm giam về tội “nhận hối lộ” cùng nhiều cán bộ ở tỉnh này bị kỷ luật Đảng, chính quyền vì liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn. Thành thử những công trình, dự án đó đều đắp chiếu mà dân nơi đây gọi là “chết không chôn được” !

Chính vì vậy, người dân vùng quê trung du này rất thấm thía khi đọc bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vừa đăng tải trên báo chí, truyền thông, chỉ rõ: “Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống ‘giặc nội xâm’ đầy cam go, phức tạp, là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng ta vững mạnh, là đạo đức, là văn minh”... Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhắc lại lời Bác Hồ căn dặn: "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ"; Người chỉ rõ "Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến..."; "Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô"...

dt1vt1-1729006811.jpg

Trung tâm Chợ đầu mối Vĩnh Tường - la liệt kiot đóng cửa vì không có người mua bán. Ảnh: Xuân Hậu- Vietnamnet.vn/internet

 

Đúng vây! Soi rọi ý kiến nêu trên của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, liên hệ với thực tiễn ở Vĩnh Phúc thì thật là xót xa về tình trạng lãng phí “khủng” được phơi bày mà ai cũng nhìn thấy, chưa biết đến bao giờ chấm dứt ? Đó là những công trình, dự án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn như Dự án đầu tư và nâng cấp đê tả sông Hồng được đầu tư từ ngân sách nhà nước và được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt từ năm 2010, với thời gian thực hiện trong 5 năm (2010-2015). Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo nâng cấp đê tả Sông Hồng kết hợp đường giao thông kéo dài khoảng 28km, gồm 17km qua Vĩnh Tường và 11km qua huyện Yên Lạc. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương là 70%, còn lại 30% là ngân sách tỉnh. Chủ đầu tư dự án  là UBND huyện Vĩnh Tường, đơn vị tư vấn lập dự án là Công ty Cổ phần tư vấn Kiến trúc ICA Việt Nam. Trong dự án này, Tập đoàn Phúc Sơn nhận 2 gói thầu số 1 và số 3 với tổng số vốn đầu tư khoảng hơn 940 tỷ đồng. Hai gói thầu này nhiều lần bị UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Vĩnh Tường thúc giục vì chậm tiến độ đề ra, ảnh hưởng tới sự phát triển của địa phương đến nay vẫn dang dở, chưa xong.

Dự án khu Trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn (giai đoạn 2) nằm trong danh sách các dự án chậm tiến độ được tỉnh Vĩnh Phúc công khai với tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 1.668 tỷ đồng. Theo giấy phép chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án phải hoàn thành vào cuối năm 2021. Dự án này của Tập đoàn Phúc Sơn có tổng quy mô hơn 127ha, trong đó giai đoạn 1 có diện tích khoảng 15,5ha, giai đoạn 2 có diện tích khoảng 111,8ha. Quy mô dân số dự kiến cả hai giai đoạn là 15.788 người cũng đang dang dở.

Dự án Khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường ban đầu do Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Bất động sản Thăng Long làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Đến năm 2019, dự án đã được chuyển nhượng cho Tập đoàn Phúc Sơn. Hiện nay, dự án đã trải qua tổng cộng 4 lần điều chỉnh quy hoạch, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại vẫn trong cảnh hoang vắng. Tổng diện tích của dự án này trên 186ha, thuộc địa phận 3 xã Lũng Hòa, Tân Tiến và Yên Lập thuộc phía Tây huyện Vĩnh Tường. Trong đó, phần đô thị có diện tích gần 93ha; phần chợ, kho vận chuyển có diện tích hơn 61ha... Dự án nằm xuyên qua khu đất có tuyến đường quốc lộ 2 chạy qua, là một phần của dự án mở rộng đường Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì đang triển khai. Dự án này từng có giai đoạn khiến nhiều người chú ý vì giá bán sang tay lên tới 30-60 triệu đồng/m2 (thời điểm chưa được bán, chỉ ký hợp đồng góp vốn). Đến nay, những người “trót” đầu tư vào dự án này đang đứng ngồi không yên. 

Dự án Khu đô thị mới Tứ Trưng - Vĩnh Tường là một trong số các dự án lớn của Tập đoàn Phúc Sơn ở Vĩnh Phúc. Dự án có quy mô 30,2ha, trong đó đất ở là 12,6ha, đất công trình dịch vụ thương mại là 1.384m2. Dự án có tổng số 400 căn liền kề, biệt thự, shophouse, căn hộ. Vào tháng 6/2021, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã cấp giấy phép xây dựng cho Tập đoàn Phúc Sơn, doanh nghiệp này được tỉnh giao đất đợt 1 để thực hiện dự án. Năm 2022, dự án này bị Sở Xây dựng Vĩnh Phúc “điểm tên” trong danh sách 28 dự án bất động sản chưa được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư hạ tầng nham nhở.

Hiện nay chưa có con số thống kê cụ thể, chuẩn xác và cũng chưa có hộ nào khai báo thiệt hại, nhưng lãnh đạo thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) ước phải hàng nghìn tỷ đồng của nhiều hộ ở thị trấn này đầu tư mua căn hộ của Trung tâm thương mại - nhà ở và Chợ đầu mối nông sản, nhà ở khu đô thị mới Tứ Trưng là những công trình thuộc đất liền kề các xã lân cận của Tập đoàn Phúc Sơn, kể cả ở Nha Trang (Khánh Hoà). Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn là một vụ án rất phức tạp, liên quan đến nhiều địa phương, trong đó có Thổ Tang vẫn đang trong quá trình điều tra, chưa biết lúc nào kết thúc. Những dự án này đã gặp phải nhiều vấn đề pháp lý và tài chính, khiến không ít hộ ở Thổ Tang rơi vào tình trạng khó khăn vẫn âm thầm chịu đựng. Sự đổ bể của Tập đoàn Phúc Sơn đã khiến không ít hộ dân ở Thổ Tang cảm thấy lo lắng và bất an về tương lai tài chính của mình, nhất là những hộ vay vốn của ngân hàng phải chịu lãi suất hàng tháng.

Vĩnh Phúc đang đứng trước một thách thức lớn trong việc chấm dứt tình trạng lãng phí liên quan đến các dự án dở dang kéo dài nhiều năm, mà nổi lên là liên quan đến các “đại gia” chủ doanh nghiệp tư nhân. Đối với Tập đoàn Phúc Sơn đang đợi cơ quan chức năng điều tra làm rõ, đưa ra xét xử về nhiều tội danh rất phức tạp, trong đó có tội về “đưa và nhận hối” khủng với không ít quan tham ở tỉnh này. Để làm được điều đó, cần sự chung tay của toàn xã hội, từ lãnh đạo đến người dân. Chỉ khi có sự quyết tâm và hành động cụ thể, chúng ta mới có thể hy vọng vào một tương lai phát triển bền vững, không còn lãng phí như đã, đang diễn ra ở Vĩnh Phúc.

Q.Y