Các bậc cao niên nơi đây cho biết, cây đa này mới trồng khoảng bốn chục năm nay, chưa phải là cây cổ thụ, nhưng thân cây phải vài ba người ôm không xuể. Tuy vậy, mọi người đều coi là “cây thiêng”, vì xuất phát từ quan niệm: “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”, nghĩa là những loại cây như đa, gạo, đề... nói chung đều có ‘thần’ trú ngụ nên phải dè chừng, đề phòng, tránh xa...
Không biết có thần thánh gì không nhưng cây đa bên đường toả bóng mát giữa phố thị từ lâu đã trở nên thân quen với mọi người bỗng dưng bị bật gốc đổ sụp cũng làm cho nhiều người tiếc nuối, trăn trở, có người tỏ ra lo lắng dường như báo trước điềm gì?
Hai ảnh mà bạn đọc cung cấp kể trên kèm theo minh hoạ bài viết cho thấy, cây đa này khi trồng đào hố nông cạn, không có rễ cắm sâu mà rễ chùm chàng màng trên mặt đất. Khi tán cây đa to cao gặp gió lốc quật đổ bật tung cả chùm rễ, chứ không phải báo trước điềm gì. Từ vụ cây đa bị gió lốc quật đổ này có thể rút ra kinh nghiệm trồng cây bóng mát hai bên đường phố hoặc bất cứ nơi nào cũng phải đào hố sâu một chút để nếu cây sống được sẽ cắm rễ sâu không chàng màng rễ chùm trên mặt đất dễ bị gió bão gãy đổ như cây đa nọ.
Nhân việc cây đa ở phố thị đứng vững trước siêu bão số 3 (Yagi) vào đầu tháng 9 vừa qua mà đến ngày đầu tháng 10/2024 bỗng dưng bị đổ sụp, mấy vị Cựu chiến binh nơi đây trong buổi “trà dư tửu hậu” bàn chuyện nhân tình thế thái đã nhắc đến chuyện thật như bịa về “cây sưa đỏ” ở trong khuôn viên Văn phòng Tỉnh uỷ bỗng dưng bị chết đứng, được khắc hoạ trong tiểu thuyết CÂY THAY LÁ của Quân Yên do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 5/2024.
Cây sưa đỏ là loại gỗ quý hiếm, có nơi gọi là huỳnh đàn, là cây có giá trị rất cao, được bán với giá từ vài chục đến gần trăm triệu đồng trên mỗi ki-lô-gam. Dư luận khi đó rộ lên rằng cây sưa này bị bức tử, bị đổ thuốc chết. Nhân vật Phạm Vấn, Bí thư Tỉnh uỷ khi đó với tư duy “lái buôn”, tha hoá, biến chất, cứ được giá cao hơn là bán, đã giao cho Văn phòng Tỉnh uỷ phù phép bán đổ bán tháo để trục lợi. Văn phòng này đã nhờ Chi cục kiểm lâm đo tính khối lượng gỗ. Kiểm lâm không chặt hạ cây sưa mà để nguyên cây vẫn đứng, chỉ làm phép tính đại khái cho hợp lệ. Sau khi đo xong đã vội vàng bán "của chùa" cho thương lái gỗ ở Kinh Bắc với giá hơn 5 tỉ đồng, chỉ bằng 1/10 giá trị thật của nó?
Chính vì thế mà có nhiều lời ong tiếng ve về cái chết của cây sưa đỏ cổ thụ hơn 100 năm tuổi là do bị “bức tử”. Ban đầu Phạm Vấn cho người tỉa cành, sau đó sai cánh lái xe văn phòng lấy dầu luyn thải dùng để bôi trơn hộp số ô tô đổ vào gốc cây sưa này để đầu độc làm nó úa vàng lá rồi chết? Thời buổi này có những kẻ làm giàu lẹ đến như vậy. Thông qua mua và bán một phi vụ như cây sưa đỏ bỗng dưng chết đứng đã có thể kiếm được nhiều tỉ đồng? Cây trồng lâu năm cũng như người sống mà lâu nay dân gian vẫn bảo đó là Mộc Tinh là "cây thiêng" nên có lẽ vẫn ám vào Phạm Vấn, lần này chắc đang kéo lưới trời đến không chỉ quây Thạch Phí, Phạm Vấn, Ngọc Hồn, Trương Tồn, Phụng Tiên mà cả Trần Bố, Đậu Hoán, cặp đôi đứng đầu tỉnh đương nhiệm... đều “thân bại danh liệt”. Đỉnh điểm là cả Bí thư Tỉnh uỷ Thuỳ Lê, Chủ tịch tỉnh Lý Tơ đã bị khởi tố, bắt tạm giam từ đầu tháng 3/2024 để điều tra về tội nhận hối lộ “khủng” đang chờ ngày đưa ra xét xử.
X.V