Tinh hoa làng nghề Việt: Làng rèn Bàn Mạch (Vĩnh Phúc) bền bỉ phát triển, không bị mai một

Xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc gồm 3 làng ở vùng quê thuần nông nhưng nghề sống chính không sống bằng nông nghiệp mà chủ yếu đều sống bằng làng nghề truyền thống. Đó là làng rèn Bàn Mạch cùng hai làng nghề mộc là Vân Giang và Văn Hà, đều được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận từ năm 2006, là những địa điểm mang đậm nét văn hoá đặc trưng gắn với lịch sử lâu đời tại địa phương, trong đó nổi bật là làng rèn Bàn Mạch bắt đầu thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Nằm giữa lòng xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, làng rèn Bàn Mạch không chỉ đơn thuần là một ngôi làng truyền thống mà còn là một công xưởng cơ khí sôi động. Với gần 700/hơn 900 hộ sống chủ yếu bằng nghề rèn, nơi đây đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển của một làng nghề Việt Nam.

dtabc-1727425982.jpg

PV Nongthonvaphattrien.vn (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc ngày 26/9/2024. Ảnh: Tiến Dũng.

Khi bước vào làng rèn Bàn Mạch, âm thanh vang lên từ những chiếc đe, tiếng búa nện rền rĩ cùng với những tia lửa từ các thanh sắt đỏ rực đã tạo nên một không khí hết sức nhộn nhịp. Những lò rèn đỏ lửa hối hả làm việc để đáp ứng đơn hàng, sản phẩm từ Bàn Mạch ngày càng được biết đến không chỉ ở trong nước mà còn ra ngoài biên giới.

Mặc dù trải qua không ít thăng trầm của lịch sử cũng như biến động của thị trường, song, các làng nghề truyền thống nơi đây không chỉ được bảo tồn mà còn ngày càng khẳng định được tên tuổi và lan tỏa rộng rãi. Thương hiệu hàng rèn thủ công Lý Nhân, với các sản phẩm như liềm, hái, cuốc, dao, rìu và kéo… đã có chỗ đứng trên thương trường nhờ vào chất lượng và sự tinh tế, linh hoạt trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

dt2bm2-1727426434.jpg
Ảnh: Tiến Dũng.

Theo Bí thư Đảng uỷ xã  Lỗ Tất Thắng (thứ hai từ phải sang); Phó chủ tịch xã Lý Nhân Trần Hùng Mạnh (hàng đầu bên phải), thu nhập từ nghề rèn cao gấp nhiều lần so với nghề nông, từ nhiều đời nay trở thành nguồn sống chính của người dân nơi đây. Trong thời kỳ hiện đại, Bàn Mạch đã nhanh chóng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ rèn đầu tư máy móc hiện đại như máy mài, máy cán thép và máy dập để nâng cao năng suất lao động. Điều này không chỉ giúp giảm bớt sức lao động mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu làng nghề. Nghề rèn tại Bàn Mạch không chỉ đơn thuần là một nghề thủ công mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa và đời sống của người dân. Người dân Bàn Mạch đã khéo léo giữ gìn những giá trị văn hóa và bí quyết nghề rèn, từ việc nhồi lưỡi thép đến kỹ thuật bổ thép với nước, không dễ gì có thể tìm thấy ở những vùng khác. Từ những ngày xa xưa, khi làng chỉ biết đến nông nghiệp, nghề rèn đã bắt đầu hình thành và phát triển. Nhờ vào sự tiếp nối và phát triển của các thế hệ, nghề rèn Bàn Mạch đã vượt qua khó khăn để khẳng định được vị thế của mình. Thu nhập bình quân đầu người ở xã Lý Nhân năm 2023 đạt 60 triệu đồng, năm 2024 phấn đấu lên 64 triệu đồng, trong đó thu nhập bình quân ở làng rèn Bàn Mạch cao hơn hai làng nghề mộc Vân Giang, Văn Hà.

dt3bm3-1727426576.jpg

Ông Vũ Văn Bình thợ rèn làng Bàn Mạch (bên trái) trao đổi với PV Nongthonvaphattrien.vn . Ảnh: Tiến Dũng.

Bản thân Phó chủ tịch xã Lý Nhân Trần Hùng Mạnh hiện là thợ rèn loại giỏi của làng nghề rèn Bàn Mạch cho biết: Làng rèn này hiện làm ra sản phẩm theo hai hướng công nghệ: Những hộ vẫn làm nghề rèn theo lò nung truyền thống bằng than đá thì chất lượng sản phẩm tốt hơn những hộ chuyển sang đầu tư công nghiệp lò điện làm ra nhanh nhiều sản phẩm hơn nhưng chất lượng không thể bằng lò nung bằng than đá. Nhưng số hộ làm nghề rèn theo lò nung truyền thống bằng than đá chỉ còn vài chục hộ, còn đa số chuyển sang rèn bằng công nghệ lò điện. Bản thân gia đình Trần Hùng Mạnh vẫn duy trì nghề rèn lò nung bằng than đá rèn những măt hàng khó làm, chất lượng cao như các loại dao thái, chặt, lọc, dao phay, dao bầu, dao mỏ (quắm)… Hàng ngày ít nhất cũng có hai ô tô tải chở sản phẩm làng rèn Bàn Mạch đi giao cho khách hàng. Từ khi xuất hiện đại dịch CoVid19 (cuối năm 2019) đến nay, làng rèn Bàn Mạch bắt đầu tiêu thụ sản phẩm trên mạng điện tử, nay tiếp tục duy trì, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ trên nền tảng số như facebook, Tik Tok đã nâng lên mức 15 đến 20% sản phẩm.

dt14bm14-1727428346.jpgÔng Vũ Văn Bình đang rèn dập dao từ phôi thép nung than đá bằng búa tay.
dt11bm11-1727427054.mp4
Sản phẩm dao mỏ (dao quắm) của gia đình ông Vũ Văn Bình. Ảnh: Tiến Dũng.

Lãnh đạo xã Lý Nhân đã cử người hướng dẫn chúng tôi đến thăm xưởng rèn truyền thống lò nung bằng than đá của ông Vũ Văn Bình, làm nghề rèn từ khi 9 tuổi, nay 48 tuổi, đã 38 gắn bó với nghề rèn. Xưởng rèn của ông không thuê lao động bên ngoài mà chủ yếu là con, cháu trong gia đình cùng làm ra các loại sản phẩm một số loại dao, gần đây nhiều người vùng miền núi mua loại dao mỏ (dao quắm) sản xuất bằng lò thủ công truyền thống được khách hàng tín nhiệm. Ông Vũ Văn Bình chia sẻ: Để có một con dao tốt, mọi công đoạn đều rất quan trọng, từ việc chọn sắt, nung đến mài. Những bí quyết truyền thống được truyền lại qua các thế hệ, từ cách tôi sắt đến kỹ thuật mài, đã tạo nên những sản phẩm sắc bén, bền bỉ.

dt16bm16-1727429673.jpgẢnh: Tiến Dũng.

Chúng tôi cũng đã ghé thăm xưởng rèn Trọng Bình của ông Trần Văn Trọng (ngoài cùng bên phải) quy mô rộng gần 1000 m2, là một trong những xưởng sản xuất lớn làm ra nhiều sản phẩm của làng rèn Bàn Mạch. Xưởng rèn này hiện có sản phẩm từ 50 đến 60 dao các loại, cùng các nông cụ... Lúc cao điểm, xưởng rèn Trọng Bình có tới 50 đến 60 công nhân làm việc, nay chỉ còn thuê 15 công nhân, trong đó có 10 công nhân làm phôi thép cung ứng nguyên liệu "đầu vào" cho các các hộ cùng làng rèn mỗi tháng từ 100 tấn đến 200 tấn phôi thép và 5 lao động (KCS) kiểm tra chất lượng sản phẩm, đóng gói, giao dịch, thu ngân. Thu nhập của công nhân làm ở xưởng rèn Trọng Bình từ 6 đến 15 triệu đồng/tháng, tuỳ theo tính chất công việc. 

dt8bm8-1727427615.jpg

Phòng trưng bày sản phẩm của xưởng rèn Trọng Bình ngay cạnh xưởng sản xuất. Ảnh: Tiến Dũng

Ngoài ra, xưởng rèn Trọng Bình còn là đầu mối giao khoán phôi thép, bao tiêu sản phẩm cho 100 hộ của làng rèn Bàn Mạch. Thách thức đặt ra đối với xưởng rèn Trọng Bình cũng là khó khăn chung của làng nghề Bàn Mạch là chi phí “đầu vào” cho sản xuất tiếp tục tăng, thị trường không ổn định, bị canh tranh gay gắt. Đã có những lúc lao đao vì dao nhập ngoại của Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản... tràn vào với giá rẻ. Nhưng sau một thời gian dân ta dùng dao ngoại tuy mẫu mã đẹp bóng loáng nhưng chất lượng kém, nhanh cùn, khó mài, mau hỏng, thua kém không bằng dao truyền thống của Bàn Mạch, họ đã quay lại dùng dao, kéo của làng rèn Ban Mạch tiện dụng, khi bị cùn dễ mài sắc được ngay. Dù đối mặt với sự cạnh tranh từ hàng hóa ngoại nhập, nhưng với chất lượng và tính bền bỉ, sản phẩm rèn Bàn Mạch vẫn giữ được lòng tin của người tiêu dùng. Nhiều chợ bên kia biên giới đã xuất hiện hàng hóa từ Bàn Mạch, chứng tỏ giá trị sản phẩm của làng nghề truyền thống này.

dt13bm13-1727427813.jpg

Dao thái của xưởng rèn Trọng Bình tại làng rèn Bàn Mạch. Ảnh: Tiến Dũng

dt14-bm14-1727428131.jpg

Cuốc của xưởng rèn Trọng Bình tại làng rèn Bàn Mạch. Ảnh: Tiến Dũng

dt15bm15-1727429449.jpg

Gói dao sau khi đã KSC để đóng thùng bàn giao cho khách hàng.

Hiện xưởng rèn Trọng Bình đã nâng phương thức giao dịch bán hàng trên mạng điện tử chiếm 30% sản phẩm. Tuy vậy, khâu tuyên truyền, quảng bá sản phẩm làng nghề rèn Bạch Mạch còn rất yếu, mang tính tự phát, cần phải tăng cường trong thời gian tới thì mới có thể kết hợp với phát triển du lịch làng nghề. Muốn vậy, Bàn Mạch cần phải phát triển thêm dịch vụ văn hoá ẩm thực như phải có cửa hàng ăn uống, thậm chí cả nhà nghỉ dưỡng, hướng dẫn tham quan đình, chùa, nhà văn hoá, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của du khách, nhất là khách nước ngoài. Hiện nay, khách đến Bàn Mạch chỉ xem rèn, muốn uống một cốc cà phê cũng chưa có thì làm sao thu hút được du khách.

dt6-bm6-1727428575.jpg

Phôi thép do xưởng rèn Trọng Bình sản xuất cung ứng cho các hộ khác trong làng nghề rè Bàn Mạch làm ra các sản phẩm dao, nông cụ. Ảnh: Tiến Dũng

dt9bm9-1727428768.jpg

Xưởng rèn Trọng Bình kiểm tra kỹ chất lượng sản phẩm bằng vi tính trước khi xuất xưởng giao cho khách hàng. Ảnh: Tiến Dũng.

Năm 2023, Bàn Mạch là một trong số 28 làng đầu tiên được tỉnh Vĩnh Phúc chọn đầu tư xây dựng khu thiết chế Làng văn hóa kiểu mẫu  mở ra cơ hội mới cho địa phương trong khai thác các thế mạnh làng nghề gắn với phát triển du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững. Sức sống lâu bền của các làng nghề cùng không gian văn hóa mang đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ với những kiến trúc đình, chùa, đầm sen, cây gạo cổ thụ là cây di sản, là tiềm năng lớn để Lý Nhân phát triển du lịch, đưa sản phẩm nghề truyền thống thành những sản phẩm quà tặng phục vụ khách du lịch. Làng nghề rèn Bàn Mạch cũng đã bắt đầu đón nhiều đoàn khách về tham quan, mua sắm các sản phẩm truyền thống, trong đó có những du khách đến từ Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Úc... Nhất là chuyến tham quan tại làng nghề của đoàn Hoa hậu các nước tham gia cuộc thi Hoa hậu Du lịch Thế giới 2022 đã tạo ấn tượng tốt đẹp, giúp hình ảnh làng nghề rèn của xã Lý Nhân được đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế biết đến.

dt1a-1727428950.jpg

Du khách nước ngoài đến thăm làng nghề rèn Bàn Mạch.

Từ xa xưa, làng rèn Bàn Mạch nổi tiếng với những sản phẩm dao thép hiếm có vùng nào sánh kịp. Ngay cả những người dân trong làng cũng không ai biết rõ nghề rèn bắt đầu từ bao giờ, nhưng suốt hàng trăm năm qua nghề rèn vẫn được cha truyền con nối, âm thầm, bền bỉ phát triển mà không hề bị mai một. Để đảm bảo sự phát triển bền vững, làng nghề Bàn Mạch đã được quy hoạch xây dựng thành khu sản xuất riêng, không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn bảo vệ môi trường sống của người dân. Làng rèn Bàn Mạch không chỉ là một làng nghề truyền thống, mà còn là minh chứng cho sức sống và sự phát triển bền bỉ của văn hóa Việt Nam. Với những nỗ lực gìn giữ và phát triển nghề rèn, người dân Bàn Mạch đang góp phần khẳng định vị thế của nghề rèn trong bối cảnh hiện đại, đồng thời truyền lại cho các thế hệ sau những giá trị quý báu của cha ông.

V.X.B - N.T.D
27.9.2024