Phát triển làng nghề và sản xuất tiểu thủ công nghiệp đang là hướng đi giúp thay đổi bộ mặt nông thôn, đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nổi bật trong đó phải kể đến xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường với 2 làng nghề mộc là Vân Giang, Văn Hà và làng nghề rèn Bàn Mạch đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Toàn xã hiện có gần 700 hộ làm rèn và gần 500 hộ làm mộc với tổng số lao động trong 3 làng nghề hơn 2.000 người.
Cùng với việc đổi mới công nghệ, nhanh nhạy trong nắm bắt mở rộng thị trường, sản xuất tiểu thủ công nghiệp của xã đã có những bước phát triển mạnh, các sản phẩm làng nghề ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, các sản phẩm rèn Bàn Mạch không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài
Ông Phùng Văn Đô, Giám đốc Hợp tác xã Rèn Thanh niên xã Lý Nhân cho biết: Với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương cùng nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công, hợp tác xã có điều kiện đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Đặc biệt, hợp tác xã đã cho ra mắt bộ dao nhà bếp 8 con. Với mẫu mã đẹp cùng chất lượng tốt và tính ứng dụng cao, bộ sản phẩm liên tiếp được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh vào năm 2021, cấp khu vực phía Bắc năm 2022 và đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023.
Hiện trung bình mỗi tháng Hợp tác xã Rèn Thanh niên xã Lý Nhân sản xuất và tiêu thụ từ 4.000 - 5.000 sản phẩm dao, cuốc, xẻng, cào... không chỉ được tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước mà nhiều sản phẩm dao, kéo của hợp tác xã đã có mặt ở một số nước châu Âu. Nhờ đó, hợp tác xã đang tạo việc làm cho 10 lao động, thu nhập 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.