Chuyện làng - Chuyện phố: Lưới trời lồng lộng, kẻ lộng hành khó thoát ! - Kỳ 21 (Kỳ cuối)

Những kẻ lộng hành như Phụng Tơm (còn gọi là Phụng Tiên), Phụng Thạch Nơ, Đào Phó (còn gọi là Thạch Phí)… dân chúng nơi đây đều biết cả. Các bị cáo trong vụ án “Trang trại Đồng Cạn” như Ngọc Quý, Lâm Lai… đều được người dân thương cảm, biết bị oan nhưng chưa cứu được.

Còn không ít những vị tham gia tố tụng nhân danh này nọ, hai tay đều “nhúng chàm”… như Phụng Tơm, Phụng Thạch Nơ, Hoàng Quấn, Đậu Bí, Đào Phó… đều bị dư luận xã hội, “toà án lương tâm” dày vò, là những kẻ vô cảm, thất nhân tâm đều bị dân chúng xa lánh, trở nên cô độc... Những người có lương tâm đều trăn trở, day dứt chưa giải cứu được những cán bộ bị oan sai…! Nhưng “Luật nhân quả” đang giáng xuống đầu những kẻ gây ra những bức xúc xã hội nơi đây.

dt2a-1723127958.jpg

Tranh biếm họa về chống tiêu cực, tham nhũng. Nguồn: Internet.

 

Biết Ngọc Quý và Lâm Lai có đơn gửi đến các cấp có thẩm quyền để cứu xét vì có niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Phụng Tơm run bắn, lên cơn co giật, bị trầm cảm... Về hưu hắn ru rú trong xó nhà lo sốt vó khi người đứng đầu Đảng, Nhà nước tuyên chiến: Chống tiêu cực, tham nhũng “không có vùng cấm và ngoại lệ”. Phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và ngay trong cơ quan chống tham nhũng. Hàng loạt tướng tá, quan chức dính líu đến tiêu cực, tham nhũng dù đã về hưu vẫn bị truy cứu trách nhiệm, bị kỷ luật, bị đưa ra xét xử, phải vào nhà đá bóc lịch.

Do vậy, sự lộng hành và những sai phạm đối với Phụng Tơm và những người tiến hành tố tụng vụ án “Trang trại Đồng Cạn” khó thoát, “hạ cánh” rồi vẫn chưa chắc được an toàn mà sẽ có lúc pháp luật rờ tới làm sáng tỏ công lý để lập lại trật tự kỷ cương xã hội, gây dựng lại lòng tin của nhân dân.

Một vị cựu chiến binh đến thăm động viên, nắm tay Ngọc Quý an ủi:

- Thôi ông ạ! Lưới trời lồng lộng! Thưa nhưng khó lọt lắm. Luật pháp còn có thể nhầm nhưng “luật quả báo” thì không nhầm bao giờ, “có nhân có quả”. Những kẻ thất nhân tâm như Phụng Tơm, Phụng Thạch Nơ, Đào Phó… khó thoát, nhất định phải bị trả giá.

Quả báo đến với những quan tham và kẻ thất nhân tâm ở địa phương này dường như đến nhanh hơn sự suy nghĩ của nhiều người. Cặp đôi lãnh đạo đứng đầu tỉnh là Thuỳ Lê, Lý Tơ bước vào nửa cuối nhiệm kỳ này đã phải vào nhà đá bóc lịch, vướng vào tội “nhận hối lộ” của Tập đoàn Tiền Nổ trở nên “thân bại danh liệt”. Đào Phó khi đương nhiệm gom góp tiền của gửi sang xứ Kangaroo để “con dâu” hờ làm ăn rồi bị chiếm đoạt, đành “chịu đấm mà cấm khóc”, đã bị kỷ luật Cảnh cáo về Đảng khi phụ trách lĩnh vực dạy nghề. Ngọc Hồn cũng bị kỷ luật Cảnh cáo về Đảng, bị các chủ nợ đem “quan tài” đến cổng nhà để đòi lại tiền thả thính bôi trơn hứa dành cho dự án nhưng không được. Hoàng Trương Cù cuối đời đổ đốn thèm khát con trai, bị lừa tình lẫn lừa tiền bẽ bàng với thiên hạ. Hạ Hoà từng làm “kiểm tra, kiểm mẹ” khi đương quyền hạch sách, dạy bảo cán bộ vi phạm, khi về nghỉ hưu lấn chiếm đất công bị dân tố giác, buộc phải trả lại. Tư Túc bị ung thư sớm về cõi vĩnh hằng. Trương Tồn bị nhận diện “mất đoàn kết” loại ra khỏi quan trường, cũng đang sống dở, chết dở.  Hoạ vô đơn chí! Khi hạ cố xuống làm Giám đốc sở đã vụng trộm “ăn phở” tại phòng làm việc với “cave nhà” bị chồng nhân viên kế toán cơ quan bắt quả tang,“dạy”cho Trương Tồn một đòn nhừ tử phải đền “tiền tấn” rồi mới được tha, liền trốn đi viện điều trị lâu dài. Xấu hổ quá, Trương Tồn đành phải xin nghỉ hưu sớm. Hoàng Quấn là người ký truy tố vụ án “Trang trại Đông Cạn”, về nghỉ hưu được vài năm, bỗng dưng phát bệnh vào bệnh viện điều trị được ít ngày lăn đùng ra chết. Hỏi gặng mãi bác sĩ điều trị hé lộ cho biết vị Hoàng Quấn bị mắc chứng “suy giảm miễn dịch”, là bệnh khó nói của cánh đàn ông, ủ bệnh từ lâu rồi nhưng xấu hổ, giấu giếm, cố chịu, đến khi vào viện quá muộn, chỉ được một tuần là nhắm mắt xuôi tay về với tiên tổ. Nhà vị này đâu đến nỗi nghèo túng mà tại sao không đi chữa bệnh, lại cố giấu bệnh, chết tức tưởi? Cấn Vân Đại, nguyên Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Sông Cà Bé đang đi bộ sát hè đường bị ô tô lái nhanh vượt ẩu đâm trọng thương, bị tụt lưỡi nói ngọng. Nguyễn Ky, nguyên đứng đầu một huyện Ba Dễ sống buông thả, đang phải gánh hậu quả bị vợ coi khinh. Vợ vị này không chịu nổi phải ly thân vào thành phố phía Nam sống với con cháu. Bởi vì khi đương nhiệm vị này tha hoá, thậm thụt sống với “bồ nhí” là nhân viên văn phòng kém nhiều tuổi có con riêng, không chỉ bị vợ mà cả bà con dòng tộc, xóm giềng tẩy chay ê chề.

Đặc biệt, Phụng Tơm kẻ “buộc án gán tội” vụ án “Trang trại Đông Cạn” cùng nhiều vụ việc động trời khác, khi đương nhiệm lộng hành, gây thù chuốc oán với nhiều người, khi nghỉ hưu thường xuyên hứng chịu bị ném cứt vào cửa cổng, “sống không bằng chết”. Dù có chết nhưng vẫn lưu lại vết nhơ bẩn không bao giờ rửa sạch. Về nghỉ hưu, hắn ta không dám vác mặt đi đâu. Có lần hắn bày tỏ lo xa với thân hữu “có khi chết cũng không được yên”, sợ sẽ bị đào mồ cuốc mả vì làm quá nhiều việc thất đức. Phạm Vấn thì bị kỷ luật cách hết các chức vụ về Đảng lúc đương nhiệm, gần đây lại bị dư luận đem ra mổ xẻ sự tham lam vì vẫn giữ nhà công vụ để cho thuê trục lợi, thật mất mặt. Mà vị này cũng đâu đến nỗi, có nhà ở quê, nhà ở tỉnh lỵ, nhà ở đô thành, vậy mà vẫn tham, vẫn tính toán kiếm chác, không biết giàu có để làm gì? Con trai vị này tiếp tục lao vào nghiện ngập “phá gia chi tử”...

 Những quan tham nêu trên… mãi là bia miệng gắn với những câu chuyện bi hài bị nguyền rủa là “những con sâu làm rầu nồi canh” ở trong tỉnh.

Điểm lại những sự việc xảy ra trong mấy nhiệm kỳ trước, nhất là nhiệm kỳ này,  công tác cán bộ trong bộ máy lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở là vấn đề mấu chốt, là nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.

Những ngày cuối hạ đầu thu, hai bên đường phố tỉnh lỵ , những hàng sấu, lộc vừng, bằng lăng, xà cừ… tỏa tán lá xanh biếc như hy vọng một sự đổi thay đến với những người dân tỉnh trung du này.

(HẾT)
Q.Y