Trên cở sở bản kháng nghị, Toà tối cao đã giám đốc thẩm khẳng định Toà cấp sơ thẩm xử vụ án “Trang trại Đồng Cạn” sai luật, áp dụng không đúng điều luật, vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Mức án quy định tại Khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự là từ 10 đến 15 năm tù nhưng toà sơ thẩm lại chỉ tuyên phạt cao nhất 5 năm tù giam dành cho hai bị cáo là Ngọc Quý và Lâm Lai. Những bị cáo còn lại đều chỉ bị phạt bằng một nửa mức án đó, thậm chí còn có án treo là không đúng luật định. Mức đền bù thiệt hại về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại dự án “Trang trại Đồng Cạn” không nhất quán, thiếu cơ sở xác thực. Giám đốc thẩm đã quyết định huỷ bỏ tội danh và các hình phạt mà toà sơ thẩm cấp tỉnh xử lần đầu vào cuối tháng 6-2012, trả lại hồ sơ điều tra lại.
Lúc đó, một số bị cáo trong vụ án “Trang trại Đồng Cạn” đã thi hành xong án chỉ có Ngọc Quý tiếp tục bị tạm giam để phục vụ điều tra theo quyết định của giám đốc thẩm. Lâm Lai vì lý do tuổi cao sức yếu xin hoãn đến cuối tháng 10-2020 mới thi hành án và cũng đã thi hành xong.
Khi bắt đầu điều tra lại thì Phụng Tơm có quyết định về nghỉ hưu. Đậu Toa không được lên thay như kỳ vọng mà luân chuyển làm giám đốc sở của tỉnh liền kề. Giám đốc mới được điều chuyển từ người tỉnh khác đến. Phụng Tơm và Đậu Toa kịp thời lập nên một đội ngũ điều tra viên vụ án vẫn là người cũ, lẽ ra những người tham gia điều tra vụ án “Trang trại Đồng Cạn” đã bị giám đốc thẩm quyết định huỷ án phải bị thay thế nhưng họ không thay, vẫn cử những cán bộ điều tra này tham gia tố tụng. Điều đó chứng tỏ điều tra lại vụ án “Trang trại Đồng Cạn” vẫn theo chỉ đạo của Phụng Tơm. Vì nếu vụ án lật ngược lại, Ngọc Quý, Lâm Lai không có tội thì Phụng Tơm và những người tiến hành tố tụng cố tình làm những điều sai trái sẽ bị xử lý, phải vào nhà đá bóc lịch thay Ngọc Quý, Lâm Lai…
Khi biết bản án sơ thẩm lần một bị kháng án, giám đốc thẩm tuyên huỷ, Đậu Bí chủ toạ phiên toà đó thất kinh đã khẩn khoản đến van nài Phụng Tơm chạy xin rút kháng nghị của Toà tối cao. Toà tối cao vẫn giữ kháng nghị, tiến hành trình tự giám đốc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại. Do giám đốc thẩm bác án sơ thẩm, Đậu Bí cũng chỉ bị treo 6 tháng không được tham gia xét xử và cũng phải “cung tiến” khá nặng cho Phụng Tơm chạy chọt để khỏi bị sa thải.
Vụ án đã phải điều tra lại. Lần này, họ mỏi mệt hỏi cung không nhiều. Ngọc Quý có linh cảm mấy vị hỏi cung hình như cảm thấy đang bị Phụng Tơm bắt làm điều thất nhân tâm, cứ như bị tra tấn, lo nghĩ áo ướt đầm mồ hôi. Có vị tự bạch với luật sư:
- Làm điều tra có tự mình được đâu, mệt mỏi lắm, chỉ ước được nghỉ hưu thôi!
Ngọc Quý khi đó tuy vẫn ở trại tạm giam nhưng thư thái, tự tin vào công lý sẽ có ngày được thực thi.
Vì cố tình bưng bít, bảo vệ sai trái lần trước, cơ quan điều tra đưa ra kết luận lần hai không dựa vào hỏi cung với nhiều tình tiết mới xác thực về bản chất vụ án mà kết luận vẫn như cũ.
Ngọc Quý nói tiếp:
- Họ làm tôi từ “đồng chí” với nhau thành thằng tù thì còn cao thấp cái nỗi gì, chưa bị kết tội mà đối xử với tôi như thế có được không?
Ngọc Quý, Lâm Lai cùng các bị cáo không chấp nhận, đề nghị được khiếu nại kết luận điều tra theo luật định nhưng bị khước từ, không đồng ý.
Tháng 2-2015, Toà cấp tỉnh đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai. Phiên toà xét xử sơ thẩm lần hai vẫn với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại dự án “Trang trại Đồng Cạn” như ong vỡ tổ. Ai nói người ấy nghe. Toà sơ thẩm lần hai đã tuyên nâng mức án của Ngọc Quý và Lâm Lai đều lên 10 năm tù (gấp đôi so với mức tuyên sơ thẩm lần một) và các bị cáo còn lại cũng đều nâng mức án lên gấp rưỡi, gấp đôi. Theo lý sự của toà, mức án áp dụng đối với các bị cáo tăng gấp đôi cho phù hợp với quy định tại Khoản 3, Điều 281 Bộ luật Hình sự, là khắc phục sai sót lần trước tuyên quá nhẹ, không đúng với luật định.
Các bị cáo trong vụ án “Trang trại Đồng Cạn” lại kháng án. Toà cấp cao lại mở phiên toà phúc thẩm lần một đã kết luận: “Xác định thiệt hại về vật chất là Uỷ ban Nhân dân phường Đồng Cạn và các hộ nhận khoán không được hưởng số tiền hơn 7 tỉ đồng là chưa chính xác”… Số tiền thiệt hại nói trên chỉ là số liệu ước tính để tham khảo. Hội đồng xét xử thấy không có đủ căn cứ vững chắc để kết luận nên không tính để xác định giá trị thiệt hại trong vụ án.
Trên thực tế thiệt hại này là không có vì Uỷ ban Nhân dân phường Đồng Cạn làm chủ đầu tư thì không tự bồi thường cho mình được. Các hộ dân nhận thầu khoán quỹ đất II thì không còn hợp đồng. Lẽ ra vụ án phải được kết thúc. Toà cấp cao phải tuyên các bị cáo vô tội thì lại tuyên “huỷ án sơ thẩm điều tra lại”. Tuy vậy, Phụng Tơm tuy đã nghỉ hưu và những người tiến hành tố tụng vụ án này vẫn lo cuống quýt, tít mù.
Phụng Tơm ngầm chỉ đạo không thay cán bộ điều tra cũng như công tố viên vẫn là Phụng Thạch Nơ, chỉ thay chủ toạ phiên toà để vẫn cố giữ hồ sơ như cũ. Mặc dù tại toà, Phụng Thạch Nơ mặt đực nghệt, thuỗn ra như lưỡi cày, lúng túng ngơ ngác, đuối lý, không tranh luận nổi với luật sư và các bị cáo Ngọc Quý, Lâm Lai, luôn luôn bị dồn vào thế bí như kẻ “mù luật”. Sau mỗi phiên xử, Phụng Tơm càng lo âu, quát tháo ầm ĩ:
- Nếu thay cán bộ điều tra và công tố viên thì rất có thể thay đổi hồ sơ vụ án, dẫn đến trắng án, các bị cáo không có tội thì lập tức “gậy ông đập lưng ông”. Tốn phí mấy cũng phải lo liệu để tuyên các bị cáo có tội thì mình mới yên thân được.
Để đảm bảo khách quan và thượng tôn pháp luật, các bị cáo trong vụ án “Trang trại Đồng Cạn” đã nhiều lần đề nghị thay cán bộ điều tra, công tố viên nhưng đều bị từ chối. Họ vẫn cố duy trì cán bộ điều tra và công tố viên cũ nhằm áp đặt bằng được tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại dự án “Trang trại Đồng Cạn”. Cái chốt của án này là hành vi của các bị cáo có gây ra thiệt hại hay không? Những lý lẽ, lập luận trong các bản án sơ thẩm, phúc thẩm đều không có tính thuyết phục, cứ luẩn quẩn, loanh quanh, càng tranh luận càng lòi cái “sai”, “đâm lao phải theo lao”.
Cuối cùng những người tiến hành tố tụng vụ án “Trang trại Đồng Cạn” đã nại ra khái niệm mới về thiệt hại do “bị lỡ vụ”. Trong bản án sơ thẩm lần 3 diễn ra cuối tháng 11-2016, Toà án tỉnh liệt kê thiệt hại của hơn 240 hộ dân không sản xuất được “bị lỡ vụ” và Uỷ ban Nhân dân phường Đồng Cạn, các hợp tác xã ở địa phương này không thu được sản phẩm khoán trên diện tích đất thu hồi. Tổng giá trị thiệt hại buộc các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường là hơn 4,5 tỉ đồng. Phụng Thạch Nơ coi khái niệm đền bù “bị lỡ vụ” là “sáng kiến” hay nhưng khi đưa ra tranh luận tại toà thì không có bằng chứng và cơ sở nào để tính toán ra con số thiệt hại nói trên. Đó là con số do những người tiến hành tố tụng nguỵ tạo ra, trong đó Phụng Thạch Nơ đã cất công nhiều đêm đi vận động hướng dẫn những hộ người nhà viết đơn đòi đền bù.
Tuy thế, đến phiên xét xử phúc thẩm lần hai của Toà cấp cao vẫn kết luận: Chấp nhận kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự của các bị cáo… Sửa bản án hình sự sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh… buộc các bị cáo… phải liên đới bồi thường các khoản thiệt hại tổng số tiền từ 4,5 tỉ đồng xuống còn hơn 3 tỉ đồng.
Ngọc Quý và Lâm Lai đã dẫn các văn bản của thành phố tỉnh lỵ và của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh khẳng định không có thiệt hại của cái gọi là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại dự án “Trang trại Đồng Cạn”. Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã quyết định: Huỷ bỏ quyết định cuối tháng 11-2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về “Thu hồi và giao đất cho Uỷ ban nhân dân phường Đồng Cạn lập dự án giao đất làm trang trại tại khu vực phường này thuộc thành phố tỉnh lỵ”. Giao Uỷ ban Nhân dân thành phố tỉnh lỵ chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Trồng trọt và các cơ quan có liên quan xác định thiệt hại do việc ngừng sản xuất từ tháng 5-2009 cho đến nay để xây dựng phương án bồi thường thiệt hại lỡ vụ cụ thể đến từng hộ xong trong tháng 9-2012. Uỷ ban Nhân dân thành phố tỉnh lỵ giữ vai trò chủ trì cùng các sở, ngành liên quan đã làm hết trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ mà Uỷ ban nhân dân tỉnh giao xong trong tháng 9-2012 nhưng kết quả là các hộ dân ở đây vẫn sản xuất bình thường không có đơn đề nghị bồi thường. Như vậy là thiệt hại “lỡ vụ” bằng không, và chấm dứt trong tháng 9/2012. Vậy sao cơ quan điều tra và những người tiến hành tố tụng vụ án “Trang trại Đồng Cạn” còn cố tình nặn ra “thiệt hại lỡ vụ”?
Người làm chứng cùng họ Phụng với Phụng Thạch Nơ bị hỏi vặn lại, đuối lý, vội vã rời khỏi toà vì sợ bị luật sư bóc mẽ sự dối trá thì bẽ mặt vì chẳng gì thì cũng là người họ Phụng của làng Đồng Cạn. Luật sư dự phiên toà còn đọc cả danh sách các hộ dân không có ruộng đất, không canh tác gì ở khu vực dự án nhưng vẫn nằm trong danh sách 242 hộ dân do cơ quan điều tra lập nhưng toà vẫn lờ đi và cố tình tuyên họ bị thiệt hại khiến những hộ bị khai khống ngơ ngác không biết mình thiệt hại gì?
Phiên toà phúc thẩm lần 2 của Toà án cấp cao diễn ra đầu tháng 9-2017 vẫn tuyên chấp nhận kháng cáo về phần trách nhiệm dân sự của các bị cáo…, buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường các khoản thiệt hại tổng cộng số tiền hơn 3,3 tỉ đồng.
Bản án phúc thẩm của Toà án cấp cao có hiệu lực ngay sau khi tuyên án. Cho đến nay chưa có đơn đòi bồi thường của Uỷ ban Nhân dân phường Đồng Cạn và các hợp tác xã nông nghiệp. Chỉ có 25/242 hộ dân có đơn đòi bồi thường là do sự xúi giục của Phụng Thạch Nơ.
Cục thi hành án dân sự ở địa phương này đã ra quyết định trên cở sở thống kê thiệt hại của 25 hộ dân; Quyết định bổ sung nội dung: Tổng số tiền phải trả cho một số hộ dân và kỷ phần cụ thể bồi thường đối với hai ông Lâm Lai, Ngọc Quý và các bị án.
Trên cơ sở đó, có thể khẳng định: Toàn bộ quỹ đất hơn 25 ha liên quan đến vụ án “Trang trại Đồng Cạn” không có “lỡ vụ” và không có thiệt hại gì. Chuyện thật tinh vi thời a còng (@) cứ như người đùa dai ?
Đây là vụ án do Phụng Tơm cố tình tạo dựng để hạ gục Ngọc Quý trước Đại hội nhiệm kỳ trước, gạt ra khỏi chốn “quan trường”, trả mối thù riêng đối với Lâm Lai từng là “anh em kết nghĩa” nhưng bị nghi ngờ “có tình cảm không trong sáng” với vợ hắn lúc đương quyền. Điều dễ nhận thấy, vụ việc “Trang trại Đồng Cạn” bị “hình sự hoá” quá mức mà Uỷ ban Nhân dân, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh đã nhiều lần khẳng định bằng văn bản “không có việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang dự án nhà ở đô thị”, “chưa giao đất tại thực địa cho hộ nào làm trang trại”, “vẫn đang trong giai đoạn bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch”. Vì vậy không thể có vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại dự án “Trang trại Đồng Cạn”.
Chẳng qua đó chỉ là vụ việc bị Phụng Tơm lộng hành đẩy đi quá xa, gây thiệt hại không chỉ cho các cá nhân và gia đình các bị cáo, mà còn gây khó khăn cho các cơ quan và các cấp chính quyền địa phương khi giải quyết kết luận bản án mà không có cơ sở chắc chắn để xác định thiệt hại do các bị cáo gây ra. Do đó, một trong những nhức nhối của địa phương này là sự bất công, công lý chưa được thực thi trong vụ án “Trang trại Đồng Cạn”. Ngọc Quý - người bị tạm giam 5 năm 9 tháng đúng bằng mức án lò xo co lại, chỉ bằng 1/2 mức án mà toà sơ thẩm cấp tỉnh tuyên phạt, đã ra khỏi trại tạm giam, coi như đã thi hành xong án. Đa số những người được toà án coi là bị hại nhưng lại không hề có đơn đề nghị được thi hành án. Chỉ có một số ít người họ hàng với Phụng Thạch Nơ và do ông này xúi giục thì mới có đơn đòi bồi thường mà chẳng có ai giám sát làm rõ sai phạm này. Đây là một nghịch lý khiến Ngọc Quý càng vững tin làm đơn yêu cầu Toà án tối cao giám đốc thẩm, tái thẩm lại vụ án.
(Còn nữa)
Q.Y