Chuyện làng Mè: Bán tháo cả nhà thờ tổ tiên ? (Kỳ 13)

Cấn Vân Đại chán ghét quê nhà vì họ hàng, dân làng  cô lập, xa lánh đã bán với giá rẻ như bèo nhà thờ có từ thời ông cố nội xây dựng để ra thị trấn huyện lỵ xây biệt thự hoành tráng. Nhưng vì mồ mả tổ tiên, Cấn Vân Đại không mang đi theo được vẫn để tại quê.

Dân làng đều ngạc nhiên về Cấn Vân Đại làm đến chức Bí thư kiêm Chủ tịch huyện mà dám bán đổ bán tháo cả nhà thờ tổ tiên để ra nơi phồn hoa phố thị ở nhà mẹ vợ. Mỗi khi hắn về làng do chót bán nhà thờ tổ tiên nên không còn chỗ thắp hương, trở thành kẻ tha hương, mất gốc. Có lẽ vì thế mà ông bà tổ tiên quở trách nên không chỉ Cấn Vân Đại mà cả con cháu hắn luôn gặp tai ương vì vong gia thất thổ.

dt2acb2-1720663809.jpg

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

 

Cấn Vân Đại trở về quê là trở về với dòng sông Cà Bé. Ông ta lang thang trên bờ đê. Dòng sông Cà Bé một chiều cuối hè xám xịt. Những cơn mưa bất chợt ập đến. Thỉnh thoảng những tia chớp rạch bầu trời với tiếng sấm sét ùng oàng. Xa xa kia là dãy núi Tam Sơn vẫn sừng sững như quá khứ tuổi thơ của Cấn Vân Đại. Quê cha đất tổ nó là đây! Nó dám bán cả nhà thờ tổ tiên nay không còn mảnh đất để đặt bàn thờ cắm hương, trở nên lạc lõng và đầy trống vắng. Các cụ, các cố nó đã cống hiến công sức cho con đê này để dòng họ Cấn trở nên vẻ vang nhưng đến đời Cấn Vân Đại và con cháu nó sổ toẹt, xảy ra những sự biến triền miên.

“Quê hương là chùm khế ngọt” nhưng Cấn Vân Đại cảm thấy lạc lỏng, cô liêu. Từng đợt gió tràn về thổi vào làm hắn nổi da gà. Nhà cổ 5 gian ở quê vẫn còn đó nhưng đã sang tên đổi chủ cho người khác, nay chuộc lại họ không đồng ý. Cây sung nơi góc vườn và hàng cau lưu niệm trở nên già cỗi. Bờ tường nhà cổ giờ đã bám rêu xanh. Những hàng cột lim của nhà cổ hàng trăm năm tuổi giờ đang xuống cấp. Nó không thể vào nhà vì đã về tay chủ khác. Đại đứng vọng về phía nhà cổ và vái ba vái rồi vội vã  quay đi. Dòng sông Cà Bé từng đợt sóng vỗ vào bờ đê. Những đợt sóng đánh vào rồi cũng những đợt sóng đó lại rút ra, rồi lại đánh vào bờ đê ì oạp. Hoàng hôn, tiếng cuốc và bìm bịp xen lẫn từ các bụi tre chắn sóng ven sông lại vọng về. Tâm hồn Cấn Vân Đại như bờ sông của con sông Cà Bé kia cứ day dứt mãi về việc khi làm quan huyện bất nhã, bán xới nhà thờ họ Cấn là một tội đồ mà thiên tào đã ghi vào sổ đen để cho nó một tâm hồn đầy vết thương giữa quê cha, đất tổ và sẽ còn phải chịu nhiều hình phạt không thể lường trước được.

Càng nghĩ, Cấn Vân Đại càng thấy dại dột và lo lắng, đắn đo, ngập ngừng một hồi lâu mới gọi điện thoại cho Phụng Tiên - Người mà hắn tôn thờ là “đại ca” từng ăn tiền tấn, cứu nguy nhiều pha gây cấn. Nếu không có sự can thiệp của Phụng Tiên thì Cấn Vân Đại không thể yên vị gần hai khoá Bí thư kiêm luôn Chủ tịch huyện Sông Cà Bé, vừa “đánh trống vừa thổi kèn” trở thành quan tham nhất vùng, mệnh danh là “ông vua con”. Em trai, con gái, con rể của Cấn Vân Đại cũng nhờ “ô che” Phụng Tiên mới không phải vào nhà đá bóc lịch.

Chuông điện thoại reo, Phụng Tiên bấm máy nghe Cấn Vân Đại chào hỏi, rào trước đón sau. Phụng Tiên nghe Cấn Vân Đại than thở, lại gắt:

- Tao còn buồn bằng mấy chú, suốt ngày chỉ có mỗi con béc giê làm bạn ở trong nhà như đang ở tù, biệt giam .... Về hưu rồi cũng không được yên thân.

Phụng Tiên bảo Cấn Vân Đại đến chơi. Dạo này còn bận bịu gì nữa. Cũng đang buồn rầu, cô đơn với bao nỗi lo đè nặng, Cấn Vân Đại như vớ được vàng liền nhận lời tới thăm “đại ca” Phụng Tiên. Cấn Vân Đại lập tức gọi lái xe nhưng Bí thư Huyện ủy kế nhiệm có việc đi vắng. Máu sĩ “quan trường” vẫn còn, Cấn Vân Đại không muốn đi ta xi mà vẫn bấu víu đi xe biển xanh cho oai. Mãi cuối cùng, Cấn Vân Đại cũng gọi được một doanh nghiệp xây trụ sở huyện đường ngày xưa nể tình cho xe ô tô đến nhà đưa đi đến thăm Phụng Tiên ở thành phố tỉnh lỵ.

Trước khi đi, Cấn Vân Đại lục tủ lấy cuốn tiểu thuyết ‘Thăng Quan’ đem đến Phụng Tiên để ông anh lắm mưu nhiều kế có cách nào đối phó với dư luận mà cốt truyện như đóng đinh, tạc vào bia đá phơi bày những trò bẩn thỉu, đểu cáng của “anh em kết nghĩa” cho bàn dân thiên hạ biết. Phụng Tiên mắt long lên, nói liên hồi, nghiến răng ken két, hai cục bọt hai bên mép nổi lên, gọi điện thoại cho đàn em khi đó làm cảnh sát trưởng yêu cầu phải điều tra bỏ tù cái lão nhà văn dám phanh phui sự thật tham nhũng quyền lực để dân tình phỉ nhổ. Vị nguyên là thuộc hạ và cũng từng là nạn nhân bị Phụng Tiên “trấn lột” trước khi về nghỉ hưu, trả lời qua điện thoại :

- Họ có nêu tên anh đâu! Đây là tiểu thuyết văn học, là hư cấu, điển hình hoá, anh đừng vận vào mình ... Tiểu thuyết này do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, không đùa được đâu. Cấp cao nhất của đất nước cũng đã đọc tiểu thuyết này rồi. Có thể nói đây là một trong những tiểu thuyết đầu tiên nói về tham nhũng quyền lực. Không giống cái thời anh làm cứ ghét ai, thù tức với ai là  lập án, buộc án gán tội cho ai cũng được đâu. Làm thế tổn hại âm đức cho con cháu lắm, em không làm được!

Rồi vị thuộc hạ này buông một câu mang tính nghiệp vụ nhà nghề:

- Anh ơi! “Lò” đang nóng đốt hết đấy! Hạ cánh như các vị Phạm Vấn, Ngọc Hồn… có được an toàn đâu. Không khéo lại đến lượt anh thì khốn!

Nghe đàn em thân tín trả lời xẵng như vậy, cả Phụng Tiên và Cấn Vân Đại đều giật mình, chột dạ. Phụng Tiên lại đứng ngồi không yên, đoán già, đoán non:

- Chẳng lẽ gã thuộc hạ kia lại khai báo bị ‘trấn lột’ chiếc giường 1,8 tỷ đồng? Nhận hối lộ trên 1 tỷ đồng là có thể bị án chung thân hoặc tử hình. Nếu thế thì hắn cũng bị liên luỵ!

Q.Y

(Còn nữa)