Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét lần đầu trong kỳ họp tháng 10/2024 và tiếp tục được thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách vào cuối tháng 3 vừa qua.
Sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các đại biểu, dự thảo luật hiện nay đã có những điều chỉnh đáng chú ý, đặc biệt liên quan đến các dòng xe hybrid và xe bán tải hai hàng ghế (cabin kép).
Tín hiệu tích cực cho thị trường xe xanh
Theo đó, bản dự thảo mới đề xuất áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hybrid - dòng xe vận hành bằng cả động cơ xăng và điện - ở mức 70% so với thuế suất áp dụng cho xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.
Điểm mới trong đề xuất lần này là việc loại bỏ sự phân biệt giữa các dòng xe hybrid sạc ngoài (PHEV) và sạc trong (HEV). Thay vào đó, một chính sách áp dụng chung cho tất cả xe hybrid sẽ được xây dựng và Chính phủ sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm nghiên cứu, quy định chi tiết.

Việc bỏ phân biệt giữa HEV và PHEV được giới chuyên môn đánh giá là bước đi hợp lý, phù hợp với xu thế Phát triển giao thông bền vững. Các hãng xe tại Việt Nam hiện đang tích cực thúc đẩy dòng xe hybrid ra thị trường, tuy nhiên doanh số vẫn còn khiêm tốn do giá bán cao hơn xe truyền thống khoảng 15%.
Theo thống kê, tổng doanh số xe hybrid năm 2024 tại Việt Nam đạt 9.866 xe, chiếm 0,2% thị phần ô tô. Việc điều chỉnh chính sách thuế được kỳ vọng sẽ giảm giá bán, thúc đẩy tiêu dùng và góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường.
Lợi ích kinh tế dài hạn dù giảm thu ngân sách trước mắt
Theo ông Nguyễn Ngọc Thái - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thuế và Tư vấn KPMG Việt Nam, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe hybrid có thể làm giảm khoảng 5.000 tỷ đồng/năm thu ngân sách, nhưng sẽ mang lại lợi ích kinh tế bền vững hơn nhiều.
Cụ thể, nghiên cứu của KPMG chỉ ra rằng, nếu chính sách giảm thuế được áp dụng rộng rãi, Việt Nam có thể tiết kiệm 26.000 tỷ đồng chi phí nhiên liệu và 28.000 tỷ đồng chi phí nhập khẩu dầu thô trong suốt vòng đời của xe hybrid.

Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam - bà Nguyễn Thị Cúc - cũng cho rằng nên áp dụng mức thuế đồng đều 50% cho cả HEV và PHEV, thay vì mức 70% như dự thảo đề xuất.
Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, chính sách thuế cần đủ hấp dẫn để thay đổi hành vi tiêu dùng, trong bối cảnh người Việt vẫn còn e dè với các công nghệ mới như hybrid.
Tranh luận về thuế suất xe bán tải cabin kép
Ngoài xe hybrid, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt còn đề cập đến việc tăng thuế với xe bán tải chở hàng cabin kép - loại xe vừa có khả năng chuyên chở hàng hóa, vừa chở được tối đa 5 người.
Đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến phản đối, trong đó có Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo VCCI, xe bán tải cabin kép chủ yếu phục vụ nhu cầu vận tải nhỏ, hoạt động kinh doanh tại vùng nông thôn, miền núi hoặc các khu vực ngoài đô thị.
Tăng thuế đột ngột sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đối tượng sử dụng chính gồm các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Dữ liệu từ KPMG Việt Nam cho thấy, 64% chủ sở hữu xe bán tải là cá nhân kinh doanh tự do, kỹ sư, nông dân, trong khi 36% còn lại là cơ quan, tổ chức như Bộ Công an, Bộ Y tế, Viettel, doanh nghiệp BOT giao thông,...
Theo ước tính, việc tăng thuế suất sẽ khiến sản lượng xe bán tải giảm 36%, gây thất thu 7.700 tỷ đồng trong giai đoạn 2024 - 2030, đồng thời ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư mở rộng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô.
Đại biểu Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - nhấn mạnh rằng xe bán tải cabin kép hiện phổ biến ở vùng sâu, vùng xa và được sử dụng chủ yếu cho sản xuất kinh doanh. Do đó, cần xem xét kỹ đối tượng chịu ảnh hưởng trước khi điều chỉnh chính sách thuế.
Đa số ý kiến đề xuất áp dụng lộ trình tăng thuế hợp lý trong 3 năm, và chỉ áp dụng sau 1 năm kể từ khi luật được thông qua, nhằm tạo thời gian thích ứng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Cách tiếp cận này sẽ hài hòa giữa mục tiêu tăng thu ngân sách, đảm bảo công bằng thuế, và bảo vệ quyền lợi người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế ở vùng nông thôn, miền núi - nơi xe bán tải được xem là phương tiện sản xuất, vận chuyển không thể thiếu.