Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025): Phóng viên GP 10 góp phần làm rạng danh truyền thống vẻ vang của TTXVN: "Bây giờ mới hiểu vì sao các ông chiến thắng" (Bài 3)

Là một trong những người cuối cùng rời căn cứ ở R thuộc chiến khu D tỉnh Tây Ninh giáp biên giới Campuchia, chúng tôi ngồi sau thùng xe ô tô tải để về tiếp quản Sài Gòn giải phóng, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Thấm thoát mới ngày nào, nay đã 50 năm.

3041975-1744891693.gif

Xe tăng 390 của Quân Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975. Ảnh do  nữ Nhà báp Pháp Françoise Demulder chụp. Nguồn: lichsuvietnam.info

 

Đêm cuối cùng trước khi rời khỏi R – biệt danh nơi chiến khu “gian lao mà anh dũng”, ai nấy đều náo nức không ngủ được. Về khuya trong rừng, trời có sương, hơi lạnh, chúng tôi gom củi đốt lửa ngồi quây quần sưởi ấm trong mái nhà lợp lá trung quân, uống nước trà Blao (Bảo Lộc, Lâm Đồng) chính hiệu củ măng. Còn một ít đậu xanh và đường thốt nốt, chúng tôi nấu chè ăn cho đỡ đói lòng chờ đến sáng sớm, ô tô vào cứ (chiến khu) đón về tiếp quản Sài Gòn. Đêm hôm đó, bỗng dưng bao ký ức hiện lên. Mới ngày nào tốt nghiệp Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Vũ Xuân Bân cùng một số bạn học cùng lớp Khoa Sử như Lê Doãn Tặng, Đinh Thị Minh Huệ, Phạm Nhật Nam, Cao Phong, Đỗ Hảo, Nguyễn Thu Hương, Bùi Thanh Liêm, Đoàn Việt, Lê Quang Tuyến, Vũ Tiến Thục (đã mất năm 2009), Trần Viết Thuyên (hy sinh trên đường Trường Sơn tại Atôpơ (Lào) ngày 2-4-1973), Phan Đình Khôi… được  tuyển ngay đi học tiếp lớp phóng viên chiến trường khóa GP10 của TTXVN để vượt Trường Sơn tăng cường cho Thông tấn xã Giải Phóng (còn gọi là Giải Phóng xã – GPX), thấm thoắt đã hơn 2 năm ở trong rừng với bao điều trăn trở. Biết là gian khổ nhưng ít người từ chối, sẵn sàng chấp nhận lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng “Tất cả vì giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

392a-1744898325.jpg

Bức ảnh này do phóng viên Trần Quang Minh chụp đầu năm 1974 nhóm phóng viên chiến trường GP 10 Thông tấn xã Giải phóng tại chiến khu "miền Đông giam lao mà anh dũng". Ngoài cùng bên phải là Lý Văn Tích, tiếp đến là Nguyễn Sỹ Thủy, Phạm Cao Phong (đã qua đời ngày 20/8/2020), Vũ Xuân Bân, Vũ Kim Sơn.

12n1-1744899700.jpg

Ảnh này chụp ngày 12/10/2020 tại TP Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 60 năm thành lập TTXGP đón nhận danh hiệu anh hùng thời kỳ chống Mỹ cứu nước, kết hợp họp mặt lớp phóng viên GP10. So với ảnh trên chụp cách ảnh sau 46 năm nhưng rất tiếc Phạm Cao Phong (đã về với tổ tiên ngày 20/8/2020, thọ 72 tuổi) nhưng có thêm Trần Quang Minh tác giả chụp ảnh trên. Từ phải sang: Lý Văn Tích, Nguyễn Sỹ Thuỷ, Vũ Xuân Bân, Trần Quang Minh, Vũ Kim Sơn.

 

Học xong lớp phóng viên khóa GP10, chúng tôi được về ăn tết nguyên đán và nghỉ 1 tuần chia tay tạm biệt cha mẹ, người thân ở quê nhà để chuẩn bị bước vào những ngày gian khổ hành quân vượt Trường Sơn. Buổi sáng hết phép chia tay cha mẹ, người thân, tôi mới thổ lộ “con ra Hà Nội để nhận nhiệm vụ mới đi B” (đi nhận công tác tại chiến trường miền Nam). Cả nhà nghe tin đó đều ngạc nhiên “tốt nghiệp đại học” mà lại phải đi B, tưởng là được làm việc tại một cơ quan nghiên cứu nào đó ở Hà Nội để hưởng “vinh hoa, phú quý”. Tôi còn nhớ như in hôm mẹ tiễn tôi lên đường ra đến bờ đê nam sông Mã, mẹ tôi khóc nức nở khi tôi vẫy tay chào và nhắn hẹn “con đi công tác xa có lẽ khi nào giải phóng miền Nam con mới về thăm quê nhà”… Biết thông tin đột ngột đó, mẹ tôi bị sốc, cụ cứ thẫn thờ như người mất hồn vì thương tôi, là con trai duy nhất trong gia đình, lại phải đi B, tức vào chiến trường – nơi mũi tên hòn đạn – không biết sống chết ra sao! Vài tháng sau đó, vào buổi chiều đi chăn trâu ở ngoài đồng, mẹ tôi bần thần vì thướng nhớ con trai nên không tránh kịp trời mưa dông bất chợt và bị cảm lạnh, ốm một trận “thập tử nhất sinh”, may mà qua được nhưng bị di chứng lạnh cóng chân tay, sức khỏe yếu hẳn đi…

dt1at-scan111-1744903011.jpg

Cựu phóng viên GP10 Cử nhân Toán Lý Nguyễn Anh Tuấn (bên phải) được nêu ở gần cuối bài viết cùng với Vũ Xuân Bân luyện thể thao tại cứ TTXGP ở R (biên giới Tây Ninh - Campuchia tháng 6/1973).

 

Sài Gòn giải phóng rồi! May quá, tôi chỉ mới nếm trải vài ba trận sốt rét khi năm 1974 được cử đi thực tế chiến trường tại "miền Đông gian lao mà anh dũng". Cụ thể là chiến trường Long Khánh – Bà Rịa – Vũng Tàu, có cả gần tháng trời ở trong hang trên núi Minh Đạm nằm ngay sát bờ biển vô cùng gian khổ. Tại đây cuộc đấu tranh với nguy quân, nguỵ quyền diễn ra quyết liệt. Tôi đã viết những bài báo đầu tiên “ Dưới chân núi Minh Đạm”, “Sự thức tỉnh muộn màn” của một sĩ quan nguỵ, “Trên vành đại Úc hôm nay”… phát trên bản tin thời sự Thông tấn xã Giải Phóng và TTXVN đều được Đài phát thanh Giải Phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó đọc là nguồn cổ vũ động viên rất lớn, làm tôi rất phấn chấn về nghề nghiệp. Cũng chính tại đây, tôi đã không ít ngày đói cơm, nhạt muối, sốt rét hành hạ. Thật may mắn đến ngày giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi vẫn còn sống để được về quê gặp lại cha mẹ, người thân, như nhắn hẹn ngày nào đã thành hiện thực.

4b-1744899066.jpg

Cựu phóng viên Báo Văn nghệ Giải phóng Phạm Quang Nghị đạp xe đạp đi trước và cựu phóng viên Thông xã Giải phóng Vũ Xuân Bân đạp xe đạp đi sau tại đường mòn biên giới Tây Ninh - Campuchia một buổi chiều cuối năm 1973. Ảnh do Phạm Quang Nghị cung cấp.

 

Tất cả quần áo, tài sản của mỗi người chỉ gói gọn trong chiếc ba lô cóc. Sau những năm tháng gắn bó ở trong cứ tuy chưa nhiều nhưng đến giờ phút chia tay, mọi người đều có tâm trạng “…Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn…” (Chế Lan Viên). Suốt đêm không ngủ nhưng nét mặt ai nấy đều không phờ phạc, lộ rõ phấn chấn trong ngày vui toàn thắng của đất nước. Buổi sáng ngày đầu tháng 5 năm ấy (1975), trời nắng trong xanh, ô tô bắt đầu rời cứ, rừng bỗng xào xạc như xao xuyến tiễn đưa chúng tôi trở về nơi đô thành. Dọc hai bên quốc lộ 22 đi về thị xã Tây Ninh, cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (nửa đỏ nửa xanh), cờ đỏ sao vàng rợp trời.

Những tháng ngày ở trong cứ bao quanh là rừng, tầm nhìn bị hạn chế, nay chúng tôi được phóng tầm mắt nhìn xa tít tắp đồng lúa chín vàng với những xóm làng bát ngát đang tràn ngập niềm vui chiến thắng. Tòa thánh đạo Cao Đài Tây Ninh hiện ra trước mắt với những đường nét kiến trúc độc đáo, lâu nay chỉ được biết qua sách báo nay được mục sở thị. Tòa thánh này cách Thị xã Tây Ninh khoảng 5 km, cách núi Bà Đen khoảng 8 km, có 12 cổng đi vào, bên trong đều xây dựng kiểu Tam quan, đắp chạm hình Tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) và hoa sen. Cổng chính cao và rộng hơn các cửa khác, đắp lưỡng long tranh châu, hoa sen, cùng ba cổ pháp: quyển sách Xuân Thu, hình Bát vu và Phất trần. Đạo Cao Đài chọn ba cổ pháp trên để nói lên sự đồng nguyên của Phật giáo, Tiên giáo, Nho giáo trong nền Đại đạo. Trong ngày vui toàn thắng tháng 4/1975, những tín đồ đạo hữu Cao Đài mặc áo trắng đứng rất đông trước cổng chính Tòa thánh vẫy chào khi xe ô tô chúng tôi đi qua.

Chẳng mấy chốc, Củ Chi “đất thép thành đồng” – nơi có địa đạo nổi tiếng – đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Địa đạo Củ Chi cách trung tâm Sài Gòn 70km về phía Tây Bắc. Đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Địa đạo Củ Chi là một “công trình kiến trúc độc đáo” nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngách như mạng nhện, có nơi ăn, ở, hội họp, trạm y tế với tổng chiều dài hơn 200 km. Địa đạo này được đào hoàn toàn bằng sức người với các công cụ là cuốc, xẻng… không hề có máy móc. Những sự tích có thật từ địa đạo này đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. Chỉ cần chui xuống một đoạn đường hầm, bạn sẽ hiều vì sao nước Việt Nam bé nhỏ lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có bậc nhất. Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân Mỹ ngụy đông hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Trong cuộc đọ sức này, nhân dân Củ Chi đã chiến thắng oanh liệt. Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đầu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.

Trên đường chúng tôi về tiếp quản Sài Gòn, cờ giải phóng, cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu rợp trời mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước… Xe ô tô, xích lô máy, xe Honda, xe đạp nườm nượp trên đường phố làm chúng tôi choáng ngợp sau những năm tháng sống “ẩn dật” ở chiến khu nơi “rừng xanh, núi đỏ”. Những tà áo dài trắng của nữ sinh thướt tha trong ngày vui chiến thắng càng tô điểm thêm nét duyên dáng của thành phố phương Nam từng được mệnh danh “Hòn ngọc Viễn Đông”.
Lại một đêm không ngủ - đêm đầu tiên về tiếp quản Sài Gòn với nhịp sống đô thị náo nhiệt. Chúng tôi được phổ biến tình hình và nội quy cần thiết để bắt tay vào làm việc ngay sáng hôm sau. Trong bộ quân phục giải phóng màu xanh lá cây, tôi (học Sử có biết chút ít tiếng Anh) và Nguyễn Anh Tuấn (GP10- Cựu sinh viên khoa Toán Đại học Tổng hợp Hà Nội) được phân công đến tiếp quản, tạm ở tại nhà số 120 đường Hồng Thập Tự (nay là 120 đường Nguyễn Thị Minh Khai) là một biệt thự 2 tầng kiểu cổ xây từ thời Pháp thuộc. Tuy là số nhà 120 nhưng đi chung với cổng 118 đường Hồng Thập Tự, là trụ sở của Việt Tân Xã nên Thông tấn xã Giải Phóng tiếp quản luôn. Ngôi nhà này là nơi làm việc của một bộ phận của Viện Công tố ngụy (ngôi nhà này đã bị phá dỡ để làm nhà máy in ITAXA từ năm 1980).

Những ngày đầu mới giải phóng theo quy định của Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn, tất cả những nhân viên của chế độ cũ chưa thuộc các đối tượng phải ra trình diện ngay thì hàng ngày vẫn đến trụ sở để đợi cán bộ giải phóng đến tiếp quản. Khi vào nhận nơi ở, chúng tôi gặp ngay người đàn ông trung niên tuổi trạc ngũ tuần, trong dáng vẻ trí thức, được mấy nhân viên giới thiệu là “sếp” của họ. Sau màn chào hỏi xã giao, ông ta tự giới thiệu là Trần Văn Binh. Thấy chúng tôi da dẻ hồng hào, ông ta phân bua “thế mà họ bảo bảy Việt cộng bám vào một cọng đu đủ không gãy”. Ông ta đột nhiên chuyển sang chuyện áp dụng lý thuyết xác suất (probability) vào công tác thống kê. Ông ta tưởng Việt Công mới ở bưng biền (căn cứ kháng chiến ở trong rừng) không có điều kiện học hành, không am hiểu về lĩnh vực cao xa này nên cố giải thích để chúng tôi hiểu. Không ngờ rằng trong chúng tôi lại có cả Cử nhân Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) cũng khá am tường về ứng dụng toán lôgíc và xác suất trong công tác thống kê. Nguyễn Anh Tuấn đã bổ sung đại ý: Ảnh hưởng chính của lý thuyết xác suất trong cuộc sống hàng ngày đó là việc xác định rủi ro và trong buôn bán hàng hóa. Chính phủ các nước đều áp dụng các phương pháp xác suất để điều tiết môi trường hay còn gọi là phân tích đường lối…

Nghe vậy, ông ta đột nhiên quay lại hỏi:

Các anh ở Bắc vào lâu chưa, chắc là được đào tạo.

Chúng tôi là bộ đội giải phóng ở bưng biền, nay đây mai đó, không có điều kiện để học, tự học là chính.

Các anh khiêm tốn thôi! Chắc các anh là những người được đào tạo bài bản. Tôi là công chức của chế độ cũ, lần đầu tiên được trực tiếp nói chuyện với cán bộ giải phóng, các anh là những người có sự hiểu biết khá sâu rộng, không như họ tuyên truyền. Đến bây giờ, tôi mới hiểu vì sao các ông chiến thắng! Buổi chuyện trò xã giao đầu tiên đó diễn ra cởi mở như cảm hóa được ông Trần Văn Binh. Ông ta đã nói lại với số nhân viên từng dưới quyền quản lý “không thể xem thường cán bộ giải phóng về tiếp quản”.

Sau đó, chúng tôi được biết, ông Trần Văn Binh là Giáo sư, nguyên cố vấn Đảng Dân chủ của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu, đã được Ủy ban Quân quản tập trung cải huấn. Năm tháng cứ thế trôi qua, những ký ức về ngày rời cứ (R) về tiếp quản Sài Gòn giải phóng mãi mãi là kỷ niệm đẹp, không phai mờ trong tôi.

Mùa Xuân 2025

(Còn nữa)

Đón đọc Bài 4: Trở lại R